“Sa tặc” vẫn lộng hành!

Cập nhật: 07-10-2010 | 00:00:00

“Sa tặc” nâng cấp thành doanh nghiệp tư nhân

Thời gian vừa qua, tình hình khai thác cát trái phép diễn ra gần như công khai với quy mô “hoành tráng” nhất từ trước đến nay. Theo điều tra của chúng tôi, xung quanh lòng hồ Dầu Tiếng hiện có hơn 20 bến bãi khai thác cát thuộc 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Nhưng hoạt động lâu đời và có “tiếng tăm” nhất vẫn là 14 bãi cát nằm ở Minh Hòa (Dầu Tiếng) và Phước Minh (Dương Minh Châu). Đa số các chủ bãi này khai thác cát trái phép gần chục năm qua. Sau nhiều đợt bị kiểm tra, các bến bãi được nâng cấp trở thành doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có mộc dấu, hóa đơn hẳn hoi! Để đối phó với các đoàn kiểm tra, các DN khai báo đây là lượng cát tồn đọng từ hợp đồng tận thu năm 2006! Có DN còn “liều” mua hóa đơn khống nhập cát từ Tân Châu (Tây Ninh) để hợp thức hóa lượng hàng đang mua bán. Có DN “tỉnh” hơn, họ mua chính lượng cát bị tịch thu từ Trung tâm Bán đấu giá tỉnh, coi như chấp nhận đóng phạt. Có DN bơm cát lên, giải phóng liền, không để tồn đọng...

Đầu năm 2010, UBND tỉnh Tây Ninh cấp giấy phép khai thác cát cho Công ty (CT) TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Dương Đại Lực, khu vực mỏ là một đoạn sông Sài Gòn cũ nay nằm trong lòng hồ. Vài tháng sau, tỉnh Tây Ninh tiếp tục cấp giấy phép khai thác cho CT Cổ phần Xây dựng Thủy lợi 40 và DNTN Huy Thiện. Về phía Bình Dương, một số CT cũng được tỉnh cấp phép khai thác cát trong lòng hồ. Các chủ bãi hân hoan vì “đầu xuôi”, chắc chắn số lượng giấy phép khai thác cát trong lòng hồ sẽ không dừng lại!

Hợp đồng trá hình để... khoán trắng!

Toàn bộ hồ sơ kinh doanh và giấy phép khai thác của CT Dương Đại Lực đều do tỉnh Tây Ninh cấp, thế nhưng khu vực mỏ và thị trường tiêu thụ lại thuộc tỉnh Bình Dương. Có lẽ vì vậy mà gần một năm trôi qua, CT này không hề có dấu hiệu hoạt động chính quy như đầu tư hạ tầng, xây dựng bến bãi, xây dựng phương án khai thác... Cách làm của CT là khoán cho các chủ bãi, giống hệt cách làm của Chi nhánh CT XD 48 vào thời kỳ có giấy phép tận thu cát trong lòng hồ năm 2004, khác chăng là giá khoán và hợp đồng đại lý rất chặt chẽ, mục đích chính là để dễ dàng “qua mặt” các cơ quan quản lý. Một tàu sắt cỡ lớn muốn tham gia bơm hút phải nộp 25 triệu đồng/tháng, tàu nhỏ thì thương lượng đàm phán để giảm tiền nộp. Đa số các chủ bãi đều có nhiều tàu bơm hút nên việc khoán... rất gọn! Nội dung hợp đồng với chủ bãi có đại ý là anh bơm cát gia công cho tôi, sau đó tôi bán lại cát với giá sỉ cho anh, hóa đơn CT xuất. Trên thực tế, các chủ bãi tự khai thác và tự tìm đầu ra như xưa nay vẫn làm. Khoán như thế chẳng trách các chủ bãi ra sức bơm hút suốt ngày đêm!

Những bến bãi khác trong lòng hồ nếu không có giấy phép thì tiến hành hợp đồng với các CT có giấy phép. Theo nội dung hợp đồng thì chủ bãi bơm hút gia công cho CT, sau đó mua lại cát của CT, đơn vị tính là mét khối. Giá gia công 1m3 cát là 35.000 đồng, mua lại cát giá 66.000 đồng, như vậy chủ bãi phải nộp lại cho CT 31.000 đồng/m3. Nhiều chủ bãi cho rằng, giá này cũng hợp lý vì CT phải chịu tất cả các khoản thuế và nhiều chi phí khác nữa. Thực ra, những hợp đồng kiểu này chỉ để đối phó với cơ quan chức năng. Đơn cử như DNTN Ngọc Giàu ký hợp đồng gia công và mua lại sản phẩm của một CT, nhưng bãi cát mua bán của DNTN này lại nằm ngay trong rừng phòng hộ Khu di tích lịch sử Núi Cậu. Đây là một vị trí quá... nhạy cảm, chỉ cách công trình thủy lợi chưa tới 500m. Công luận và nhân dân địa phương đã nhiều lần lên tiếng về bến bãi này, nhưng không hiểu sao nó vẫn tồn tại từ mấy năm nay!

 Hậu quả nhãn tiền!

Nếu có đến bến Bưng Bàng (xã Minh Hòa, Dầu Tiếng), bạn mới thấy hết sự khủng khiếp trước lượng cát khai thác khổng lồ nơi đây. Khai thác nhiều dẫn đến vận chuyển tăng. Xe ben chở cát ra vào nườm nượp, đường giao thông nông thôn tan nát. Còn đường ĐT749B vừa mới rải nhựa chưa được ít lâu nay đã có nhiều đoạn xuống cấp. Một người dân ở ấp Hòa Lộc (Minh Hòa), than: “Chúng tôi rất khổ vì những bãi cát này, nắng thì bụi còn mưa thì lầy, đường sá hư hỏng chắp vá. Từ mấy năm trước chúng tôi đã làm đơn kiến nghị về việc này nhưng không thấy ai giải quyết...”. Khai thác cát tận thu trong lòng hồ để phục vụ nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, khai thác cát như thế này lợi bất cập hại!

Ông Vũ Đức Hùng, quyền Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, cho biết hiện CT đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ hồ Dầu Tiếng trước sự xâm hại, tác động tiêu cực của con người. Tình trạng khai thác cát lậu diễn ra công khai, nhưng CT không đủ thẩm quyền xử lý. Trong khi đó, lực lượng chức năng cũng rất khó giữ người và phương tiện vi phạm, do địa bàn rộng và có sự phân giới địa phận trong hồ giữa Tây Ninh và Bình Dương. Ông Hùng lo ngại, nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nạn khai thác cát lậu bừa bãi như hiện nay, hậu quả gây ra cho công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng sẽ rất khó lường.

TRẦN ĐỖ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên