Sách là hoa của người…

Cập nhật: 21-04-2016 | 07:58:25

Đây cũng là lời tựa bài nói chuyện về tâm tình người yêu sách của Nhà giáo - Thầy thuốc Lê Hưng nhân Ngày Sách Việt Nam 21-4. Theo như những gì ông Lê Hưng cũng như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (TP.HCM) đã trình bày, đọc sách là nhu cầu thiết thân của con người và nhà nào cũng nên có tủ sách để nâng cao văn hóa đọc…

 “Lịch sử Đảng bộ TX.Thuận An” được đơn vị TX.Thuận An giới thiệu đầy hấp dẫn, lôi cuốn người xem tại hội thi tuyên truyền giới thiệu sách do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh vừa tổ chức. Ảnh: S.ANH

 Ngày Sách Việt Nam 21-4 được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014 theo Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24- 2-2014 của Thủ tướng Chính phủ nhằm khuyến khích phong trào đọc sách. Với Bình Dương, Ngày Sách Việt Nam đã được các sở, ban ngành, các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng nhằm khẳng định giá trị của sách, vị trí, vai trò quan trọng của sách trong đời sống xã hội, tôn vinh những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc tham gia của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Theo ông La Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, việc chọn ngày 21-4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam vì tháng 4 là thời điểm phát hành cuốn sách “Đường Cách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời gian diễn ra “Ngày Sách và bản quyền Thế giới” vào ngày 23-4 do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc - UNESCO chọn nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ đến với niềm đam mê đọc sách. Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng, là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa kho tàng trí tuệ và tâm hồn con người. Sách còn là người thầy thắp sáng nguồn tri thức vô biên. Do đó, việc đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu, một hoạt động tinh thần không thể thiếu của nhân loại. Vì vậy, Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích phong trào đọc sách, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về ý nghĩa của việc đọc sách giúp nâng cao kiến thức, phát triển tư duy, rèn luyện nhân cách con người.

Trong buổi tọa đàm Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 năm 2016, Sở Thông tin- Truyền thông đã mời Nhà giáo - Thầy thuốc Lê Hưng và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đến để trao đổi thông tin về văn hóa đọc, ý nghĩa của sách. Ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà giáo lão thành Lê Hưng với những quyển sách về sức khỏe; Biết mình - Hiểu người, hài hòa cuộc sống… Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tác giả của hàng chục cuốn sách quen thuộc dành cho tuổi mới lớn, bà mẹ mới sinh con lần đầu hay gần đây là “Gió heo may đã về”, “Già sao cho sướng”… đã đem đến cho đại biểu tham dự hôm đó những kiến thức rất quý báu, chân thực.

Theo ông Lê Hưng, sách là tinh hoa của người. Con người là kỳ hoa của trái đất. Nhờ người viết sách mà có sách hay để lưu truyền, học hỏi hết thế hệ này đến thế hệ khác. Sách là hội tụ, tích lũy những quá trình cảm tác, trực quan kinh nghiệm… của mỗi tác giả trong một thời gian sống. Từ đó sách là cầu nối giữa tác giả, độc giả. Sách vừa là người thầy, người bạn của chúng ta. Ông cũng ví von rất dí dỏm rằng: “Tùy theo lứa tuổi, sách là người tình không chân dung đối với những ai mê sách, luôn biết tìm tòi điều hay lẽ phải từ sách”.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng làm cho đại biểu dự nghe về Ngày Sách Việt Nam hài lòng với những lý giải về sách, những trao đổi về một bác sĩ vừa giỏi cầm dao kéo, giỏi khám chữa bệnh vừa giỏi cầm viết! Với ông, sách là món ăn tinh thần mà ông đam mê từ nhỏ. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho rằng, niềm đam mê học hỏi rồi viết những điều mình chiêm nghiệm cho nhiều người cùng biết hơn là một nhu cầu tự thân. Mấy chục năm qua ông vẫn song hành cả hai nhiệm vụ cứu người và làm phong phú đời sống tâm hồn của mọi người qua sách, tài liệu mà ông đã viết. Trang web của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc hiện nay cũng là người bạn lớn của rất nhiều độc giả. Ông cũng chia sẻ những “chiêu trò” dành cho ba mẹ như là cố tình giấu sách vào ngăn kéo để con trẻ tò mò tìm đọc, từ đó thích đọc sách. Cũng theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, để nâng cao văn hóa đọc cần có không gian đọc. Do đó, ngoài thư viện cần có tủ sách ở công sở, công viên, quán cà phê, trường học…

Sẽ thú vị biết bao khi đến nhà ai đó, chúng ta thấy tủ sách thật phong phú. Luôn luôn, sách là người bạn mà ai cũng cần có trong cuộc đời này cho dù công nghệ thông tin có tiến bộ đến đâu. Sách làm cho chúng ta thay đổi, sách làm cho chúng ta hướng đến chân- thiện - mỹ. Vâng, với người yêu sách, tự mỗi quyển sách hay luôn luôn là như thế…

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên