Sáng kiến cải tiến máy hút muỗi: Góp phần phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật: 04-05-2019 | 05:35:02

Trên cơ sở máy bắt muỗi được dự án quốc gia trang bị từ nhiều năm trước, nhóm bác sĩ, chuyên viên Khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (gồm bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Nguyễn Ngô Minh Trung, Cao Đăng Hưng và cộng sự) đã nghiên cứu cải tiến lại, nâng cao công suất, hiệu quả sử dụng, góp phần tích cực trong công tác giám sát muỗi, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở địa phương...

 Cấu trúc các bộ phận của máy hút muỗi cải tiến

Sáng kiến cải tiến phù hợp

Hiện nay, tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng thể hiện rõ rệt trên thế giới và Việt Nam, gây ra nhiều tác động xấu đến con người và môi trường. Những tác động nóng lên của trái đất gây ra sự phát triển của muỗi nói chung và muỗi gây bệnh SXH Dengue nói riêng. Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, trưởng nhóm nghiên cứu sáng kiến cải tiến, Trưởng Khoa kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết bệnh SXH Dengue là bệnh nhiễm vi-rút Dengue cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Bình Dương là một trong những tỉnh, thành công nghiệp phát triển đô thị hóa nhanh và tình hình bệnh SXH Dengue cũng tăng nhanh, số ca mắc bệnh ngày càng cao hàng năm và không theo chu kỳ nhất định mà diễn biến ngày một phức tạp. Và muỗi chính là trung gian truyền bệnh SXH Dengue cho người. Muỗi đốt người bệnh có mang vi-rút sau đó truyền vi-rút sang người lành qua vết đốt.

“Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch SXH Dengue và quan trọng là hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin để phòng bệnh, nên hoạt động diệt véc-tơ truyền bệnh được xem là trọng tâm. Diệt muỗi và đặc biệt là diệt lăng quăng/bọ gậy với sự tham gia tích cực của từng hộ gia đình, cả cộng đồng là biện pháp hiệu quả trong phòng chống SXH Dengue. Giám sát véc-tơ là biện pháp đánh giá và đưa ra giải pháp để phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu “Cải tiến máy hút muỗi” để nâng cao hiệu quả việc giám sát véc-tơ trong hoạt động phòng chống SXH Dengue”, bác sĩ Mỹ nói.

Lợi ích mang lại

Để giám sát côn trùng trong công tác phòng chống SXH, từ nhiều năm trước, Dự án phòng chống SXH quốc gia đã trang bị cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh 5 máy hút muỗi cầm tay hiệu MX-991/U (do Mỹ sản xuất). Với máy này, việc giám sát muỗi trưởng thành được thực hiện bằng phương pháp soi bắt muỗi đậu nghỉ trong nhà trên quần áo, chăn màn và các đồ vật khác trong nhà vào ban ngày. Mỗi nhà soi bắt muỗi trong 15 phút. Số nhà điều tra cho mỗi điểm là 30 nhà. Sau khi bắt được muỗi phải chuyển muỗi sang type để mang về soi định loại, ghi dán nhãn vào type thu thập được, bảo quản mẫu mang về phòng soi định loại muỗi. “Máy này có ưu điểm là cầm tay nhỏ gọn, dễ sử dụng để giám sát. Tuy nhiên, hạn chế của nó là chỉ giám sát được muỗi đậu nghỉ, phát ra tiếng kêu lớn, bắt muỗi từng con một nên chỉ số không thực tế so với mật độ muỗi hiện có tại nơi giám sát. Từ đó, chúng tôi đã nghĩ ra giải pháp để khắc phục những hạn chế trên, đó là nghiên cứu cải tiến máy hút muỗi này để việc giám sát được những con muỗi đậu nghỉ và cả đang bay”, bác sĩ Mỹ nói.

Trong điều kiện nhân lực y tế đang thiếu, mà thời gian thực hiện bắt muỗi tại mỗi hộ gia đình kéo dài 15 phút thì một điểm giám sát sẽ mất cả ngày. Đó là chưa kể, trong quá trình làm việc nếu máy hết pin thì không thể hoạt động được; số muỗi bắt được lại hạn chế, không đánh giá đúng thực trạng côn trùng truyền bệnh tại địa phương. Từ những nguyên nhân này, nhóm nghiên cứu đã bắt tay vào việc nghiên cứu để cải tiến máy hút muỗi đã được trang bị với mong muốn giảm nhân lực, rút ngắn thời gian giám sát muỗi và phải bắt được toàn bộ muỗi hiện có tại hộ gia đình. Ưu điểm của máy bắt muỗi cải tiến so với máy bắt muỗi MX-991/U, đó là: Công suất máy vừa đủ để hút muỗi đậu nghỉ và đang hoạt động, giúp công việc giám sát hiệu quả hơn. Trong lúc đó, máy hút cầm tay chỉ hút được muỗi đậu nghỉ nên việc giám sát phải cẩn thận để làm muỗi bay; nguồn điện sử dụng là ắc quy nên sử dụng được thời gian dài và ổn định. Một lần sạc bình có thể giám sát được từ 4 - 6 điểm; dụng cụ đựng muỗi có thể lưu được nhiều mẫu, trong khi đó phương pháp bắt muỗi bằng máy hút cầm tay chỉ lưu được một mẫu muỗi, khi hút xong phải thay đổi ống nghiệm khác để hút tiếp.

Máy hút muỗi cải tiến đã được áp dụng để giám sát côn trùng thường xuyên từ năm 2017 đến nay và giám sát ổ dịch SXH trong năm 2018. Đánh giá về những lợi ích thu được sau khi sử dụng máy hút muỗi cải tiến, bác sĩ Mỹ cho biết giá trị để thực hiện máy hút muỗi cải tiến thấp hơn so với máy hút muỗi cầm tay được trang bị, máy sử dụng ổn định, thực hiện công việc được nhiều điểm giám sát hơn; giảm thời gian làm việc tại hộ gia đình, giảm phiền hà đến người dân. Bên cạnh đó, nhờ áp dụng máy cải tiến này đã giảm được nhân lực y tế trong công tác giám sát. Máy hút muỗi cải tiến thao tác đơn giản, khi giám sát muỗi tại hộ gia đình bắt được số muỗi hiện có, tất cả mật độ muỗi đang hoạt động và đậu nghỉ nên kết quả đánh giá cũng khách quan hơn.

“Cải tiến máy hút muỗi để phục vụ công tác phòng chống SXH rất phù hợp với điều kiện hiện nay. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn chỉnh về hình thức sản phẩm gửi Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh kiểm định và góp ý phát triển, sau đó có thể nhân rộng và áp dụng cho khu vực phía Nam và cả nước để giám sát côn trùng… Máy không chỉ dùng để bắt muỗi gây bệnh SXH mà cả muỗi gây bệnh sốt rét, góp phần phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng...”, bác sĩ Mỹ chia sẻ.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên