Sáng mãi lý tưởng người thanh niên xung phong - Bài 2

Cập nhật: 14-07-2015 | 10:30:51

Bài 2: Hiến dâng trọn tuổi thanh xuân

 Là một lực lượng đặc biệt, thanh niên xung phong (TNXP) dù ở hoàn cảnh nào cũng luôn nêu cao lý tưởng, tinh thần chiến đấu cao độ, sẵn sàng dân trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Một trong những sự kiện trên địa bàn tỉnh luôn được thế hệ trẻ hôm nay biết đến và tri ân, đó là vào năm 1969, 46 TNXP đã anh dũng hy sinh bởi trận bom B52 ác liệt của Mỹ tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng.

 Lễ khởi công xây dựng Bia tưởng niệm và Đền TNXP tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: CAO SƠN

 Xả thân vì nghĩa lớn

Trong những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hàng vạn TNXP đã lên đường, có mặt trên hầu hết các tuyến đường, hiện diện trong từng trận đánh. Những người thanh niên mười tám đôi mươi đã không quản khó khăn, thiếu thốn trăm bề, bệnh tật, gian nguy, băng qua lửa đạn để tiếp tế kịp thời lương thực, đạn dược cho chiến trường với khát khao cháy bỏng giải phóng quê hương đất nước. Trong từng trận đánh, TNXP cũng là lực lượng sát cánh cùng quân đội, cùng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Dù không được trang bị vũ khí đầy đủ bằng quân đội nhưng TNXP cũng đã góp phần bẻ gãy những cuộc càn quét, hành quân của kẻ địch, cáng chuyển thương binh ra tuyến sau. Sau mỗi trận đánh, TNXP vẫn ở lại thu dọn chiến trường, không để sót thương binh. Trên đường về hậu cứ, trong mưa bom lửa đạn, có biết bao trường hợp TNXP đã lấy thân mình che chở cho thương binh, quyết không để anh em bị thương lần thứ hai. Với họ, những tháng ngày đẹp nhất của cuộc đời là những năm tháng cống hiến cho quê hương đất nước. Và trong hơn 10 năm thể hiện vai trò lịch sử của mình trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc vĩ đại đã có nhiều tấm gương TNXP hy sinh anh dũng, trở thành những biểu tượng sáng ngời của tinh thần cách mạng như nữ liệt sĩ Đoàn Thị Liên (Bình Dương) lấy thân mình bảo vệ thương binh trong trận đánh Cần Lê (đường 13); nữ liệt sĩ Hoàng Anh (Long An) dù bị giặc Mỹ bao vây, đồng đội thương vong nhưng một mình vẫn kiên cường dùng quả lựu đạn cuối cùng chống trả, tiêu diệt địch. Đó còn là liệt sĩ Lê Hùng Minh (Đội 198 Thành Đồng) dù bị thương nhưng vẫn anh dũng dùng B40 bắn cháy xe tăng của Mỹ, bảo vệ đơn vị bộ đội. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cả nước đã có tổng số 10.000 người hy sinh. Máu xương của họ đã hòa cùng đất mẹ để góp phần mang lại những thắng lợi vẻ vang cho dân tộc.

Hòa mình cùng đất mẹ

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng TNXP Thủ Dầu Một - Bình Dương luôn nêu cao tinh thần cách mạng, cống hiến hết mình cho quê hương đất nước. Sự kiện những người TNXP hy sinh bởi bom B52 của Mỹ tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng là một trong những minh chứng cho tinh thần bất diệt của lực lượng TNXP trong tỉnh. Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi may mắn được gặp bà Trương Thị Sang, một trong những đội viên của Đại đội TNXP C112 trực tiếp phục vụ chiến đấu tại xã Thanh An gần 50 năm về trước. Người nữ TNXP ngày nào giờ đây đã ở độ tuổi ngoài 60, tóc đã bạc trắng nhưng những ký ức về thời kỳ phục vụ chiến đấu cho lực lượng quân đội bà vẫn nhớ như in. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng đất Thanh An đã trở thành chiến trường nóng bỏng, ác liệt. Chính nơi đây là địa điểm tập kết của các lực lượng TNXP để phục vụ chiến đấu. Nhìn về xa xăm, mắt hoen ướt bà Sang kể lại cho chúng tôi câu chuyện của thời điểm cách đây gần 50 năm tại vùng đất Thanh An, huyện Dầu Tiếng.

Ông Hoàng Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Thanh An: Chúng tôi luôn cảm phục tấm gương chiến đấu và biết ơn sự hy sinh to lớn của họ để mang lại hòa bình cho quê hương, đất nước. Để xứng đáng với những hy sinh đó, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh An luôn cố gắng đoàn kết, khắc phục hậu quả chiến tranh, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa.

 Ông Bùi Ngọc Tâm, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Dầu Tiếng: Dù không cùng đơn vị với những TNXP đã hy sinh trong trận bom B52 nhưng với nghĩa tình của những người TNXP, trong suốt thời gian dài, tôi đã cố gắng tìm và ghi chép lại danh sách 46 TNXP đã hy sinh tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm truyền thống của lực lượng TNXP, tôi và những người TNXP trên địa bàn huyện lại tổ chức gặp mặt, cũng là tổ chức đám giỗ chung cho 46 TNXP đã hy sinh.

Đầu năm 1969, theo chỉ thị của Trung ương, các đơn vị TNXP bắt đầu tập kết đến vùng đất Thanh An, huyện Dầu Tiếng, trong đó có đơn vị C112 và C32 với nhiệm vụ tải lương thực, thuốc men, đạn dược cho Đoàn 83 hậu cần. C112 là đội quân tập hợp nhiều TNXP các tỉnh như Bình Dương, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Rạch Giá… còn C32 chủ yếu là TNXP của tỉnh Cần Thơ. Trong suốt thời gian 7 đến 8 tháng tham gia chiến đấu tại đây, những đội viên TNXP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tải lương thực, thuốc men, đạn dược cho các đơn vị quân đội. Bà Sang nhớ lại: “Thời điểm ấy, những đội viên TNXP dù ở nhiều địa phương khác nhau về đây nhưng sống rất chan hòa, xem nhau như người nhà, cùng chia sẻ những khó khăn và động viên nhau cống hiến, chiến đấu. Suốt trên những tuyến đường hành quân qua đêm với vô vàn hiểm nguy, nhưng những người TNXP luôn bảo đảm cung cấp kịp thời lương thực, đạn dược cho chiến trường. Có những thời điểm cái chết cận kề nhưng những đội viên TNXP vẫn động viên nhau vượt qua, tiến lên phía trước”.

Đến bây giờ, dù đã gần 50 năm trôi qua nhưng sự kiện Đại đội C112 và C32 bị trúng bom B52 vẫn còn in đậm trong tâm trí của bà. Đó là những ngày cuối năm 1969, khi đơn vị C112 và C32 hoàn thành nhiệm vụ tải lương trở về, đang nghỉ ngơi thì trúng bom B52 của giặc do biệt kích địch đã phát hiện ra những tuyến đường mòn mà bên ta tạo ra. Liên tục 3 đợt, mỗi đợt 45 phút, những trận mưa bom của địch dội xuống khu rừng nơi lực lượng TNXP đang đóng quân. Bom trút xuống, mặt đất rung chuyển, cây cối bị xé nát. Bà Sang may mắn thoát được do vẫn còn đang ở dưới hầm. Trong khi đó, các đồng đội của bà vừa lên mặt đất để chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Khi các trận oanh kích đi qua, mặt đất tan hoang, nhiều đồng chí của bà đã hy sinh nhưng bà và những người còn lại được ra lệnh phá đường máu, nhanh chóng di chuyển về căn cứ vì biệt kích của địch đã đến gần. Trở về căn cứ, sau khi tổng kết, cả C112 và C32 thiệt hại đến 46 người, khoảng 1/3 số quân. Đây là một sự mất mát quá lớn đối với những người còn lại. Nén đau thương vào lòng, các đội viên TNXP còn lại tiếp tục ra sức chiến đấu để xứng đáng với những người đã ngã xuống. Bà Sang chia sẻ: “Sau trận bom B52, những người còn lại ai cũng rất đau đớn. Nhưng lý tưởng cách mạng, tình yêu quê hương đất nước, tình đồng đội đã giúp cho chúng tôi vượt qua tất cả, tiếp tục đứng vững để cống hiến với niềm tin vào thắng lợi ngày mai”. Giờ đây, sau gần 50 năm, hài cốt của những TNXP đã hy sinh năm nào, chỉ số ít được quy tập, phần nhiều đã hòa mình cùng đất mẹ.

Để tưởng nhớ công lao của những TNXP đã hy sinh trong trận B52 năm 1969, UBND tỉnh đã cho xây dựng Bia tưởng niệm và Đền TNXP tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Công trình này đã được khởi công xây dựng vào giữa tháng 5-2015 và sẽ được hoàn thành cuối năm nay. Đây chính là hành động thiết thực để tri ân với những người TNXP đã xả thân mình vì hòa bình, tự do, độc lập của dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những tấm gương hy sinh của những TNXP năm nào vẫn mãi là biểu tượng sáng ngời về tinh thần cống hiến và chấp nhận hy sinh cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo.

 Bài cuối: Tiếp nối ngọn lửa truyền thống

 CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên