Sáng mãi truyền thống Quân dân y Chiến khu Đ

Cập nhật: 14-04-2015 | 08:17:46

Trong không khí hân hoan của những ngày tháng tư lịch sử, các cô chú thuộc lực lượng Quân dân y (QDY) Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ đã gặp nhau ở hội trường Thành ủy TP.HCM. Ai nấy đều vui sướng, tự hào bởi họ đã đóng góp công sức cho ngày thắng lợi, thống nhất đất nước.

 Ông Huỳnh Văn Nhị, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Liên lạc trao học bổng của Ban Liên lạc cho sinh viên trường y Phạm Ngọc Thạch

Buổi gặp mặt của các cô chú càng ý nghĩa hơn bởi năm nay vừa tròn 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2015) và 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2015). Những người con của các miền quê có tuổi trẻ hào hùng, chung một ý chí chiến đấu cho nước nhà độc lập được cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa.

Không giấu nổi vẻ xúc động trong ngày họp mặt, ông Nguyễn Huy Hoàng, nguyên Bí thư chi bộ, chính trị viên C62, bệnh xá 62, tiền thân của K72 đoàn 81 miền Đông Nam bộ (hiện sống tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An) nói: “Nếu không có các chiến sĩ áo trắng ở chiến trường ngày đó, tôi đã không thể sống sót. Với tôi, ân tình với y, bác sĩ ở Chiến khu Đ thật quá lớn”. Ông kể rằng, 2 lần bị thương nặng đều được lực lượng QDY và người dân ở Chiến khu Đ cứu giúp tận tình. Lần đầu bị thương, mất một mắt, ông được chính bác sĩ Võ Cương (bí danh Trần Năng, Mười Năng - nguyên Hiệu phó, Bí thư Đảng ủy trường Đại học Y dược TP.HCM) cứu chữa kịp thời. Lần bị thương sau cũng nhờ bác sĩ QDY “giữ lại cái chân bên trái mà ai cũng cho là kỳ tích bởi bị thương như thế chỉ có nước... đoạn chi”. Ông Hoàng cũng kể về lần bị thương nặng, không đủ thuốc tê nên 6 chiến sĩ phải kìm giữ ông để bác sĩ điều trị.

GS-BS Nguyễn Thế Thự, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, một chiến sĩ kiên trung của lực lượng QDY miền Đông Nam bộ cho rằng, thời chiến, gian lao vất vả và đối diện với nhiều mất mát, hy sinh nhất là y, bác sĩ. Sau một cuộc “đụng độ”, khi quân cả hai bên rút đi thì giữa chiến trường còn lại những thương binh, những người hy sinh và anh em trong lực lượng phải lo mọi chuyện. “Hồi đó, bác sĩ và thương binh là đồng đội của nhau, họ sống với nhau chung lán trại nên gần gũi nhau và tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc cũng là tinh thần chiến đấu cho Tổ quốc, quyết dành lại mạng sống cho đồng đội mình”, GS-BS. Nguyễn Thế Thự tâm sự.

Các cô chú đến từ 7 tỉnh, thành miền Đông Nam bộ đều nói lên những kỷ niệm với đồng đội cũ. Họ cùng nhau nhắc nhở về từng người ai còn, ai mất. Cô Nguyễn Thị Danh, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế TX.TDM, cho biết những buổi họp mặt như thế thật ý nghĩa, mọi người ai nấy đều vui mừng khi được chuyện trò cùng nhau, nhớ lại lúc 16 - 17 tuổi với tuổi xuân phơi phới, không sợ gian nguy, chỉ một lòng kiên trung với Đảng, quyết đi đến thắng lợi cuối cùng.

Ban Liên lạc QDY Chiến khu Đ thành lập nhằm tạo điều kiện cho các thế hệ y, bác sĩ gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, cùng nhau ôn lại kỷ niệm truyền thống tốt đẹp của những người thầy thuốc kháng chiến, thăm viếng, chia sẻ khó khăn với các đồng đội… Ban Liên lạc QDY Chiến khu Đ luôn quan tâm, động viên các thế hệ trẻ thông qua việc trao tặng học bổng cho các em sinh viên ngành y vượt khó, nhằm tiếp thêm nghị lực để các em tiếp tục vươn lên trong học tập và trong cuộc sống. Trong lần họp mặt thứ 26 này, 10 sinh viên xuất sắc của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đã vinh dự được nhận học bổng của Ban Liên lạc QDY Chiến khu Đ.

Bà Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng những hoạt động hôm nay sẽ là lịch sử, là truyền thống sau này. Tinh thần chiến đấu bất khuất, hy sinh anh dũng của các thế hệ QDY qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ sẽ là bài học quý giá cho các thế hệ thầy thuốc trẻ noi theo. Bà cũng cho rằng, cần có những việc làm ý nghĩa hơn nữa, kết nạp nhiều hội viên là người trẻ tuổi vào lực lượng QDY để truyền thống yêu nước, tinh thần trách nhiệm của những người làm trong ngành y luôn sáng mãi...

 

 Ông Huỳnh Văn Nhị, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Liên lạc cho biết: “Ban Liên lạc QDY Chiến khu Đ là tổ chức tập hợp các thế hệ y, bác sĩ cách mạng của các tỉnh Đông Nam bộ đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, gồm các tỉnh: Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4- 1975), cùng với cả nước, các y, bác sĩ quân dân y của miền Đông Nam bộ lại tiếp tục sự nghiệp của mình. Ngày đêm họ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho các thương binh, cán bộ chiến sĩ và nhân dân. Bản thân các thầy thuốc đã trải qua hai cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt nên sức khỏe ngày một yếu dần, nhiều anh chị đã nghỉ hưu, ít có điều kiện để các đồng chí, đồng nghiệp gặp gỡ thăm hỏi nhau. Từ nguyện vọng chính đáng của hầu hết các thế hệ QDY Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ, Ban Liên lạc QDY Chiến khu Đ được thành lập từ năm 1989. Thời kỳ đầu mới thành lập, Ban vận động thành lập gồm các thầy thuốc tâm huyết đã tham gia khám chữa bệnh trên vùng chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ nhận trọng trách trưởng ban. Qua các thời kỳ Ban Liên lạc đã dần huy động, mở rộng và phát triển như ngày nay”.

 

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên