Sáng tác ca khúc cho thiếu nhi Bình Dương: “Mình không viết thì ai viết”

Cập nhật: 14-01-2015 | 10:28:16

Đó là suy nghĩ của nhạc sĩ Võ Đông Điền cũng như những nhạc sĩ khác cùng thế hệ ông khi được hỏi vì sao chọn lĩnh vực sáng tác này. Có thế mới hiểu hết tấm lòng của các nhạc sĩ dành riêng cho tuổi thơ Bình Dương. Thế nhưng để các ca khúc thiếu nhi thực sự trở thành “người bạn đồng hành” cùng với các em như mong mỏi của cả thế hệ nhạc sĩ vẫn còn lắm những gập ghềnh.

Hoa phượng đỏ - sân chơi âm nhạc truyền thống của thiếu nhi Bình Dương.  
Ảnh: MINH HIẾU

Dễ viết nhưng khó hay

Ca khúc viết cho thiếu nhi Bình Dương khá phong phú. Có thể kể tới những sáng tác: “Quê em tên gọi Bình Dương” của Võ Đông Điền; “Quê em Bình Dương” của Trương Quang Lục; “Chúng em chào xuân mới” của Phan Hữu Lý; “Mừng đón xuân sang” của Trần Hữu Du; “Bình Dương - tuổi thơ mùa hè” của Lê Trung Hiếu... Chủ đề thường được các nhạc sĩ chọn lựa khá quen thuộc đó là tình yêu quê hương, yêu bạn bè, thầy cô, mái trường.

Cũng như tình hình sáng tác chung ca khúc thiếu nhi, viết không khó nhưng hay thì không phải dễ. Một bài hát hay đòi hỏi phải thể hiện được sự hồn nhiên, trong trẻo của tuổi thơ, ca từ dễ hiểu, phù hợp tâm lý trẻ, đặc biệt giàu cảm xúc. Sáng tác nhạc cho thiếu nhi không phải là những tình cảm của người lớn dành cho các em mà là “hóa thân” thành các bé để nói lên tâm sự. Hơn nữa ca khúc thiếu nhi mang tính chất địa phương lại càng có nhiều thách thức cho người nhạc sĩ. “Bình Dương” xuất hiện lúc nào và như thế nào để sự xuất hiện đó là tự nhiên, hợp lý. Bấy nhiêu cũng đủ trở thành trở ngại lớn với các nhạc sĩ muốn thử sức ở lĩnh vực này. Điều đó phần nào lý giải âm nhạc cho tuổi thơ Bình Dương khá phong phú, nhưng đang thiếu vắng những tác phẩm có chất lượng.

Chắp cánh cho ca khúc thiếu nhi

Một thực tế đáng buồn đang diễn ra, đó là có rất nhiều em say mê bài hát với những nỗi u sầu của người lớn, trong khi đó lại khá thờ ơ với những bài hát đúng lứa tuổi các em. Thời đại số hóa, bản thân các em, việc chọn lựa nghe gì, hát gì bị tác động từ nhiều phía. Phía các nhạc sĩ nếu không cập nhật, đổi mới tư duy sáng tác thì trẻ khó đón nhận.

Môi trường tốt nhất để đưa âm nhạc vào đời sống các em chính là nhà trường. Dù trong chương trình có quy định dành riêng một số tiết để giới thiệu cho học sinh các bài hát mang sắc thái địa phương, nhưng do thiếu về tài liệu cũng như đội ngũ giảng dạy mà hoạt động này vẫn còn dừng lại ở mức khiêm tốn. Thực tế, đội ngũ sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi phần lớn đã có tuổi, đội ngũ sáng tác trẻ không mấy mặn mà với mảnh đất “lắm đá nhiều sỏi” này. Thiếu nhi Bình Dương vẫn đang mong mỏi những bài hát mới và hay. Và để các bài hát hay đến được với các em lại cần có những “bà đỡ” mát tay.

HỒNG THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên