Sáng tạo trong phối hợp tuyên truyền, góp phần bảo đảm an toàn PC&CC

Cập nhật: 11-01-2016 | 08:44:26

Bình Dương là tỉnh có tốc độ thu hút đầu tư, phát triển đô thị và tăng trưởng kinh tế - xã hội cao, nên nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn cũng tương ứng. Chính vì thế, bên cạnh các nhiệm vụ chuyên môn, Cảnh sát PC&CC tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản; tổ chức phối hợp diễn tập phương án nhiều lực lượng và phát động phong trào toàn dân PCCC đã góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy lan xảy ra trên địa bàn.


Trong thời gian qua, Cảnh sát PC&CC tỉnh đã thực hiện năng động, sáng tạo, hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Trong ảnh: Khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc phong trào toàn dân PCCC năm 2015. Ảnh: DUY CHÍ

Tuyên truyền tốt, hiệu quả PCCC cao

Bình Dương là tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam bộ, có vị trí chiến lược trong công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh không những của khu vực mà còn của cả nước. Với 28 KCN đang hoạt động, 22 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó 3.850 cơ sở nguy hiểm về cháy nổ. Ngoài các KCN, các KDC, nhà cao tầng, Bình Dương còn có diện tích rừng trồng cao su, điều khá lớn, cũng là những địa bàn trọng điểm về PCCC. Năm qua Bình Dương đã xảy ra 21 vụ cháy, 23 vụ có liên quan đến cứu nạn cứu hộ.

Địa bàn Bình Dương còn nhiều KDC tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao; công tác PCCC tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; các điều kiện an toàn PCCC ở các địa bàn, cơ sở trọng điểm chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Qua theo dõi, Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Bộ Công an đánh giá cao UBND tỉnh Bình Dương đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể địa phương, cơ sở, doanh nghiệp tổ chức và hộ gia đình tăng cường công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn tỉnh.

Cảnh sát PC&CC tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; đánh giá kết quả việc thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg ngày 31-8-2010 của Thủ tướng Chính Phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an về công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng như: Kế hoạch triển khai các biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân PCCC; hướng dẫn tổ chức tuyên truyền các biện pháp an toàn PCCC đối với hộ gia đình và hộ kinh doanh trong khu vực KDC… Cảnh sát PC&CC tỉnh cũng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân PCCC. Qua đó, phong trào toàn dân PCCC đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo hoạt động của Đội công nhân xung kích tự quản về an ninh trật tự, được tuyển chọn từ các thành viên Đội PCCC trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tập huấn về pháp luật, nghiệp vụ cho Đội công nhân xung kích, trong đó có nội dung tập huấn về công tác PCCC. Đây là lực lượng nòng cốt tham gia vào công tác PCCC ban đầu ở cơ sở nói riêng và trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung.

Tiếp tục tuyên truyền trong thời gian tới

Trong thời gian tới, đất nước ta tiếp tục hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao ngày càng nhiều; tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu nhà cao tầng được xây dựng, nhiều trung tâm thương mại ngày càng sầm uất. Từ đó, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, sự biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp sẽ kéo theo nguy cơ cháy nổ ngày càng tăng. Chính vì thế, công tác PCCC ngày càng trở nên quan trọng, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài với mọi biện pháp, hiệu quả ngày càng cao.

Để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới, cùng với việc quan tâm xây dựng lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ ngày càng vững mạnh; lực lượng công an các cấp cần chủ động đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC. Trước hết, Bình Dương cần chủ động với các lực lượng liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tổ chức phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia PCCC; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đề cao và phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp trong công tác PCCC.

Hơn nữa, cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong công tác PCCC; tích cực phòng ngừa, phát hiện kịp thời và trực tiếp tham gia chữa cháy. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC; xây dựng khu phố, ấp, tổ dân phố an toàn PCCC gắn với xây dựng “KCN an toàn”, “KDC an toàn”, “Hộ gia đình an toàn”…

Ngoài ra, tỉnh cần đưa hoạt động PCCC thành tiêu chí trong xây dựng xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp, trường học an toàn về an ninh trật tự. Cần xây dựng các phương án huy động nhân dân tham gia PCCC ở địa bàn có nguy cơ cháy nổ cao. Tiếp tục xây dựng và nâng chất lượng lực lượng chức năng xây dựng phong trào toàn dân PCCC và đầu tư trang thiết bị thiết yếu, bảo đảm tính chủ động, kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra. Tỉnh cũng cần chú trọng sơ kết, rút kinh nghiệm trong tổ chức xây dựng phong trào toàn dân PCCC; kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC, nghiên cứu đề xuất chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với lực lượng quần chúng tham gia PCCC.

Bình Dương đã xây dựng được 91 Đội dân phòng với gần 2.000 thành viên tham gia các hoạt động PCCC tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Tỉnh đã xây dựng và duy trì 5.059 Đội PCCC cơ sở với 90.000 đội viên, tăng gần 1.500 đội so với năm 2014. Ngoài ra, Bình Dương cũng đã mở 1.700 lớp tuyên truyền, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho hơn 51.000 người, xây dựng thêm 95 tập thể và 111 cá nhân đăng ký xây dựng điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC năm 2015. Kết quả trên cho thấy công tác xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở của tỉnh Bình Dương là đúng hướng và phát huy hiệu quả, đáp ứng phương châm 4 tại chỗ trong PCCC. Đây là một sự đầu tư chiều sâu và đạt hiệu quả lâu dài. Cục V28 đề nghị tiếp tục duy trì các biện pháp công tác này để tạo sức lan tỏa phong trào.

 

Đại tá HUỲNH NGỌC PHƯƠNG (Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Bộ Công an) 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên