“Sáng, xanh, sạch, đẹp”: Chuyện khó hóa dễ

Cập nhật: 04-06-2019 | 06:11:47

Tốc độ đô thị hóa nhanh, vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là ở các khu dân cư, khu nhà trọ quả là chuyện đáng bàn và trong hoàn cảnh này, ở một nơi mà ý thức người dân không ngừng được nâng lên: Đường sạch, đèn sáng… Điều này là một minh chứng sinh động cho sự đồng thuận của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân. Nơi đó chính là xã Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên với mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp” đang phát huy hiệu quả.

 Từ mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp”, các tuyến đường trên địa bàn xã Tân Vĩnh Hiệp đã trở nên khang trang, sạch đẹp

“Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm”

Đến với xã Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên, câu chuyện về việc xây dựng các “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp” đã không còn mới mẻ. Người nào, nhà nào hầu như cũng thuộc nằm lòng những tiêu chí đó. Bởi có gì cao siêu đâu, chỉ là làm sao cho các tuyến đường ngày càng sạch sẽ; trồng cây, hoa cho đẹp; rồi cùng Nhà nước lắp bóng đèn cho sáng… Xem ra đây là chuyện quá dễ.

Ông Đỗ Thành Phước, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết hiệu quả của mô hình quá rõ, ai cũng nhìn thấy. Nếu như trước đây, xã Tân Vĩnh Hiệp có nhiều bãi rác tự phát, nhiều người dân còn hạn chế về ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, không bố trí thùng rác tại nhà, vứt rác bừa bãi hoặc đốt rác gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của cộng đồng; trên các tuyến đường chưa có hệ thống chiếu sáng người dân đi lại khó khăn, hay xảy ra tai nạn, va chạm giao thông; thì nay ý thức của đảng viên, cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn xã đã được nâng lên rõ rệt. Các hộ gia đình đã tự trang bị thùng để bỏ rác hoặc để rác ở các thùng rác công cộng, trồng hoa, cây cảnh trước nhà… Rồi Nhà nước và nhân dân cùng góp tay lắp hệ thống chiếu sáng, nhờ đó hạn chế được tai nạn, va chạm giao thông…

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Phước chia sẻ kinh nghiệm: “Nói thì nói vậy, nhưng để làm hiệu quả đâu phải chuyện ngày một, ngày hai. Ai cũng biết mô hình này là vì dân, nhưng để dân “thấm” cũng còn khó lắm! Ban đầu, nhiều người dân chưa thấy được ý nghĩa của mô hình nên lơ là, không quan tâm. Vì vậy, để triển khai mô hình đạt hiệu quả, phải xuất phát từ cơ sở nghị quyết của Đảng ủy, kế hoạch của UBND xã, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xã phối hợp xây dựng kế hoạch và triển khai đến các chi, tổ, hội thực hiện. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ xã và các đoàn thể thống nhất nội dung tuyên truyền, bản cam kết và in ấn tờ rơi để cấp phát cho nhân dân. Chuyện cử cán bộ xuống họp dân vận động thực hiện mô hình cũng phải khéo léo, mềm dẻo khi vận động. Qua nhiều cuộc tiếp xúc với dân, “mưa dầm thấm lâu”, người dân thấy được lợi ích của mô hình nên dần dần tích cực tham gia” .

Thay đổi từ nếp nghĩ

Theo ông Đỗ Thành Phước, để thay đổi nếp nghĩ nhằm thực hiện mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp”, công tác tuyên truyền rất quan trọng. Vì vậy, xã tăng cường công tác này, các cuộc mít tinh, treo băng rôn, áp phích, panô và ra quân tham gia dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường, khai thông cống rãnh, trồng cây xanh… thường xuyên được thực hiện. Không chỉ vậy, tuyên truyền việc tái chế, tái sử dụng các vật liệu phế thải để tạo ra các sản phẩm dùng để trang trí và sử dụng trong sinh hoạt gia đình như thùng nước lau nhà hư, chai nước xả comfort, thùng mút xốp, chai dầu ăn… để trồng rau phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của gia đình, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và tái chế ống hút thành bình hoa, lon bí đao thành đèn… để tạo ra các sản phẩm dùng để trang trí và sử dụng trong sinh hoạt gia đình cũng được xã chú trọng.

Chẳng hạn, Hội Nông dân xã đã xây dựng lời kêu gọi nhân dân cùng bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, lồng ghép trong các đợt ra quân cấp phát 3.000 tờ rơi có nội dung về tuyên truyền phân loại rác thải và bỏ rác thải đúng nơi quy định nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra. Hội Phụ nữ tuyên truyền vận động hội viên tích cực thực hiện cuộc vận động “Gia đình 5 không 3 sạch”. Đoàn Thanh niên có “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”. Hội Chữ thập đỏ có tuyến đường tự quản “Chung tay hành động vì môi trường xanh sạch đẹp”… Về phía chính quyền địa phương còn tổ chức lực lượng quần chúng tập trung giải quyết dứt điểm những tụ điểm tồn đọng nước thải, rác thải trên các tuyến đường tự quản, cải tạo hoặc xây mới những nơi chứa, xử lý chất thải, nạo vét khơi thông hoặc làm mới cống rãnh thoát nước trong khu dân cư…

Khi chúng tôi đi thực tế tại nhiều con đường trên địa bàn xã cho thấy, với một địa phương đang chuyển mình lên phường thì đạt được những điều kiện này đã là quá tốt!

 Qua 2 năm thực hiện mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp”, MTTQ và các đoàn thể của xã Tân Vĩnh Hiệp đã vận động hơn 900 hộ dân trên các tuyến đường tự trang bị thùng rác, các vật dụng chứa rác và bỏ rác đúng nơi quy định. Ngoài ra, UBND xã cũng đã bố trí hơn 75 thùng rác công cộng, đặt 25 bảng cấm bỏ rác trên các tuyến đường giao thông nông thôn để người dân có ý thức hơn trong công tác bỏ rác thải đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp trên địa bàn xã. Ngoài ra, UBND, Ủy ban MTTQ xã và các đoàn thể còn phối hợp vận động nhân dân đóng góp kinh phí đầu tư nâng cấp và thi công lắp đặt đèn chiếu sáng đối với 7 tuyến đường trên địa bàn, với tổng chiều dài 4.815m, tổng kinh phí thực hiện trên 593 triệu đồng…

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên