Sau 2 năm triển khai thực hiện chương trình số 31/CTr-TU của Tỉnh ủy: Các giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức truyền thống được khẳng định và phát huy

Cập nhật: 15-10-2013 | 00:00:00

Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình số 31/CTr-TU ngày 31-10-2011 của Tỉnh ủy về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; đầu tư, xây dựng và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015; các cấp, các ngành đã có bước cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình đề ra.  

Khai mạc Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm 2013 nhằm thu hút khách du lịch đến với vườn cây ăn trái Lái Thiêu

Sáng tạo trên nhiều lĩnh vực

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, 2 năm qua những giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc trên địa bàn tỉnh từng bước được khẳng định và phát huy, những nét đẹp trong quan hệ ứng xử, giao tiếp cộng đồng đang phát triển theo hướng văn minh hơn và trở thành phổ biến trong xã hội.

Đặc biệt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã chú trọng đến các yếu tố về sự đoàn kết, khơi dậy và phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân dân trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Hoạt động của phong trào được tổ chức lồng ghép với kếhoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, từ đó đã tạo ra các điểm sáng văn hóa, các mô hình, mẫu hình văn hóa trong nhân dân. So với năm 2011, năm 2012 các danh hiệu văn hóa tỷ lệ tăng đáng kể: Gia đình văn hóa tăng 0,51%; khu phố, ấp văn hóa tăng 13,17%; khu nhà trọ văn hóa tăng 12,86%; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa tăng 8,14%.

Theo đánh giá, hoạt động văn hóa ở cơ sở tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng ưu tiên phục vụ các đối tượng là nhân dân vùng sâu, vùng xa, công nhân lao động ở các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên trong các trường học. Các nội dung và hình thức hoạt động gắn với các chủđềcó tính thời sự như: Biên giới biển đảo, an toàn giao thông, phòng chống ma túy, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị,... qua đó đã góp phần truyền tải kịp thời những chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân. Để củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hàng năm các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” (19-4) nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 40/2012/QĐ-UBND ngày 17-9-2012 của UBND tỉnh đang được dư luận xã hội đồng tình hưởng ứng và bước đầu có những chuyển biến đáng kể. Công tác quản lý và tổ chức các lễ hội được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, diễn ra an toàn, lành mạnh, bảo đảm đúng nghi lễ, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân. Bên cạnh đó, việc tổ chức các ngàylễ kỷ niệm, trao tặng và đón nhận các danh hiệu... đều được các cơ quan, đơn vị tổ chức trang trọng, mang ý nghĩa thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa được các ngành chức năng và các huyện, thị xã, thành phố tiến hành thường xuyên, qua đó kịp thời ngăn chặn những hành vi kinh doanh trái pháp luật, góp phần hạn chế sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa đồi trụy, giữ gìn thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Hoạt động văn hóa nghệ thuật, du lịch phát triển một bước mới

2 năm qua, các hoạt động văn hóa nghệ thuật đã phát huy được tinh thần dân chủ, đổi mới, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động sáng tác, biểu diễn, phấn đấu có nhiều tác phẩm hay và giá trị, đưa hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh phát triển một bước mới.Nhiều tác phẩm văn học, văn nghệ dân gian, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật có giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng, giàu tính nhân văn đã được sáng tác, dàn dựng, biểu diễn đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của công chúng.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, xây dựng tượng đài và tranh hoành tráng, trùng tu tôn tạo các di tích… được thực hiện theo đúng các quy định của Luật Di sản văn hóa và quy chế của tỉnh về quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 50 di tích lịch sử, văn hóa được công nhận và xếp hạng (11 di tích cấp quốc gia và 39 di tích cấp tỉnh), trong đó có 9/11 di tích cấp quốc gia và 19/39 di tích cấp tỉnh được trùng tu, tôn tạo; hoàn thành xây dựng 21/32 tượng đài và tranh hoành tráng theo quy hoạch…

Các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú và lữ hành du lịch trên địa bàn tỉnh thường xuyên chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt đã đưa ra nhiều chương trình hấp dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. So với năm 2011, tổng lượt khách du lịch đến Bình Dương năm 2012 tăng 4,26% và tổng doanh thu du lịch tăng 60,6%.

Tuy vậy, những kết quả đạt được trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình 2 năm qua vẫn chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Các sản phẩm và dịch vụ văn hóa độc hại, tệ nạn xã hội còn tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần, môi trường văn hóa. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang chưa được thực hiện nghiêm túc, nhiều đám tang còn để quá thời gian quy định, lấn chiếm lòng, lề đường gây cản trở giao thông. Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa còn nhiều hạn chế, tình hình hoạt động của các quán bar, câu lạc bộ, nhà hàng karaoke còn nhiều phức tạp, gây mất trật tự xã hội; tình trạng quảng cáo, rao vặt không đúng quy định còn diễn ra ở nhiều nơi, làm mất mỹ quan đô thị. Sự quan tâm đầu tư ngân sách của các cấp để xây dựng các thiết chế văn hóa chưa nhiều; một số công trình chưa đạt yêu cầu về công năng sử dụng; công tác quản lý, tổ chức hoạt động chưa tốt dẫn đến chưa phát huy hết hiệu quả của các thiết chế; một số di tích văn hóa, lịch sử đã được xếp hạng nhưng thiếu sự quan tâm giữ gìn, trùng tu, tôn tạo của địa phương...

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp thông qua dự thảo Báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; đầu tư, xây dựng và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã chỉ đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch cùng các ngành có liên quan cần chú ý các giải pháp trong công tác đầu tư các thiết chế văn hóa, việc triển khai phải có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng quy hoạch, đầu tư các thiết chế văn hóa tại các địa điểm thuận lợi. Phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang sao cho phù hợp và bảo đảm tính khả thi; thường xuyên và đột xuất tổ chức kiểm tra các quán bar, vũ trường có các hoạt động không lành mạnh, phản cảm, kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động đối với các trường hợp vi phạm, tái phạm nhiều lần...

BÌNH MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên