Sau 3 năm thực hiện luật hòa giải cơ sở: Góp phần đưa pháp luật đi vào đời sống

Cập nhật: 17-07-2017 | 10:16:00

Đời sống xã hội ngày càng phát triển dẫn đến việc phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong mối quan hệ giữa con người với con người. Những mâu thuẫn, tranh chấp xuất hiện ngày một đa dạng, phức tạp, thậm chí để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nhận thức được điều này, trong 3 năm qua, công tác hòa giải cơ sở luôn là vấn đề được Đảng bộ, chính quyền tỉnh quan tâm, coi trọng, góp phần đưa Luật Hòa giải cơ sở đi vào đời sống…

Nhiều kết quả đáng khích lệ

Công tác hòa giải cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong việc giữ vững ổn định an ninh trật tự góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Luật Hòa giải cơ sở được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20- 6-2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Nói về kết quả đạt được trong 3 năm triển khai, bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh, cho biết: “Qua 3 năm Luật Hòa giải cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được UBND các cấp trong tỉnh tổ chức triển khai kịp thời đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể hòa giải viên trên địa bàn góp phần đưa Luật Hòa giải cơ sở thực sự đi vào đời sống thông qua nhiều hình thức: Tuyên truyền miệng, tờ gấp, truyền thanh; lồng ghép vào các hội thi, các buổi sinh hoạt của đoàn thể, câu lạc bộ; các đợt bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải... Qua đó, các nội dung cơ bản của Luật Hòa giải cơ sở và các quy định liên quan được phổ biến sâu rộng. Đã tuyên truyền trực tiếp 1.413 cuộc với 72.695 lượt người tham dự; phát thanh được 4.634 giờ...

Phần dự thi của đoàn Bình Dương tại Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc năm 2016

Có thể nói công tác hòa giải ở cơ sở của Bình Dương không ngừng được củng cố về tổ chức; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn tình đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư. Kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết; tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước, góp phần vào sự phát triển của tỉnh nhà”.

Hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở. Qua đó, hoạt động hòa giải trong 3 năm qua đã từng bước chuyển biến tích cực, các tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn; chất lượng và số lượng hòa giải viên có trình độ chuyên môn ngày càng cao góp phần giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân. Số vụ việc hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước, hạn chế được nhiều vụ việc tranh chấp khiếu kiện.

Đến nay, trên toàn tỉnh có 595 tổ hòa giải với 4.483 hòa giải viên. Các hòa giải viên tham gia vào tổ hòa giải là những người có phẩm chất đạo đức, uy tín, đại diện cho nhân dân, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tự nguyện tham gia làm công tác hòa giải.

Hình thức hòa giải sinh động, gần gũi

Nói đến hoạt động hòa giải cơ sở là nói đến việc tham gia giải quyết các vụ tranh chấp, kiện tụng từ đơn giản đến phức tạp. Trong những năm qua, tại cơ sở, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân được tổ chức chặt chẽ, đúng quy trình từ khâu nhận đơn thư, ra quyết định chuyển đơn, cho đến việc tổ chức xác minh phối hợp giải quyết. Có được kết quả này là nhờ đội ngũ hòa giải viên nhiệt tâm, giàu kinh nghiệm. Công tác hòa giải có tỷ lệ thành công cao hay không là phụ thuộc phần lớn vào vai trò của các hòa giải viên ở cơ sở. Hòa giải cơ sở không chỉ giải thích, hướng dẫn cho người dân hiểu được những kiến thức pháp luật, mà còn động viên, thuyết phục để hai bên đương sự đi đến sự thỏa thuận với nhau, góp phần hàn gắn tình cảm làng xóm, thân tộc... Chị Nguyễn Thị Châu, cán bộ hòa giải KP.5, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Bản thân tôi gắn bó với hoạt động hòa giải khu phố đã gần 20 năm. Công việc này bắt nguồn từ sở thích cá nhân, thích tham gia hoạt động cộng đồng, công tác xã hội của tôi.

Để làm tốt vai trò hòa giải viên, tôi và các hòa giải viên khác đều phải học tập, trau dồi kiến thức, đặc biệt là kiến thức pháp luật mỗi ngày. Qua nhiều vụ hòa giải, chúng tôi tự tích lũy kinh nghiệm thêm cho mình”. Để nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên, hàng năm Hội đồng PBGDPL tỉnh tổ chức các cuộc thi, như: Tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi... với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động. Đặc biệt, Bình Dương đã duy trì tổ chức thường xuyên Hội thi Hòa giải viên giỏi hiệu quả. Bên cạnh đó, Hội đồng PBGDPL tỉnh cũng kịp thời biểu dương, khen thưởng các hòa giải viên luôn luôn cố gắng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong quá trình thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

Năm 2016 đoàn hòa giải viên Bình Dương đã tham dự cuộc thi Hòa giải viên cấp Trung ương được tổ chức tại Hà Nội. Kết quả, đoàn đạt giải ba toàn quốc, giải nhất khu vực Đông Nam bộ.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên