Sau loạt bài “Để làng sơn mài phát triển”: Mong sớm khôi phục làng nghề

Cập nhật: 22-05-2015 | 08:24:44

Sau khi Báo Bình Dương đăng loạt bài “Để làng sơn mài phát triển” vào ngày 13 và 14-5, mới đây, nhiều nghệ nhân, chủ cơ sở sơn mài ở phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một đã có cuộc gặp gỡ trò chuyện hết sức cởi mở, tâm huyết để tìm cách giữ vững và phát triển làng nghề sơn mài. Tại cuộc gặp gỡ này còn có đại diện của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM - đơn vị đã được UBND tỉnh Bình Dương đặt hàng đề tài “Phát triển du lịch văn hóa sinh thái và làng nghề tại tỉnh Bình Dương”.

Tại cuộc gặp, các nghệ nhân đều tỏ ra lo lắng trước sự mai một của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp; mong muốn cơ quan chức năng sớm có những biện pháp thích hợp để cùng nhau gầy dựng lại tên tuổi cho làng nghề.

Các nghệ nhân, doanh nghiệp sơn mài tại buổi gặp gỡ vừa qua. Ảnh: T.PHONG

Bà Lê Mộng Thắm, chủ doanh nghiệp sơn mài Thanh Bình Lễ cho biết, làng nghề sơn mài không thể tách rời khỏi du lịch mà hiện nay sản phẩm du lịch tại Bình Dương còn quá ít, không đủ chất lượng để thu hút khách tham quan. Trong khi đó, hiện nay, các cơ sở sơn mài còn phụ thuộc quá nhiều vào đơn vị lữ hành, khiến cho giá bán sản phẩm tăng cao mà nguồn lợi lại rơi vào đơn vị tổ chức lữ hành.

Ông Tư Bốn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điêu khắc, sơn mài thì cho rằng, chính cách làm của một số cơ sở đã góp phần đưa làng sơn mài đi xuống, cụ thể là không chú trọng đến việc bài trí sản phẩm, nơi sản xuất, gian hàng đẹp mắt, sạch sẽ… nên không để lại ấn tượng với du khách trong và ngoài nước. Bản thân người trực tiếp bán sản phẩm sơn mài cũng không nắm vững kiến thức cơ bản để thuyết trình về sản phẩm sơn mài nên khó lòng giải thích cho du khách hiểu hết về giá trị của sơn mài Tương Bình Hiệp. Còn ông Phạm Văn Hải, Cơ sở sơn mài Tuấn Hải chia sẻ, cùng một sản phẩm, cùng một chất liệu nhưng giá bán không đồng nhất, chênh nhau tới vài trăm ngàn là không thể chấp nhận. Cách làm này khiến khách hàng không tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm sơn mài ở đây.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương nhận định, gốm sứ Bình Dương đã trở mình mạnh mẽ sau Festival gốm sứ Bình Dương vào năm 2010. Đã đến lúc tỉnh Bình Dương mở Festival riêng về sơn mài Tương Bình Hiệp để tạo cú hích vực dậy làng nghề sơn mài.

Các nghệ nhân, doanh nghiệp sơn mài cũng kiến nghị tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn cho các nghệ nhân, doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, tham quan học hỏi kinh nghiệm các làng nghề truyền thống; mở những lớp dạy kỹ năng bán hàng, ngoại ngữ để các cơ sở chủ động hơn trong việc tiếp cận, tìm kiếm khách hàng.

Được biết, tháng 6 tới đây, UBND tỉnh sẽ tổ chức một hội thảo quy mô về Làng sơn mài Tương Bình Hiệp. Đây là dịp để các ngành chức năng, nghệ nhân, doanh nghiệp kinh doanh sơn mài cùng nhau tìm ra tiếng nói chung trong việc khôi phục và phát triển lại làng nghề sơn mài tại Bình Dương.

TIÊU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên