Sau nghi vấn nhập thực phẩm “Quá đát” vào phục vụ bữa ăn học sinh - Bài cuối

Cập nhật: 08-05-2015 | 08:33:36

Bài cuối: Cần phát triển mô hình bếp ăn học đường

 Nhu cầu học bán trú của học sinh (HS) trên địa bàn tỉnh ngày một tăng cao, trong khi đó một số đơn vị cung cấp suất ăn cho HS chưa bảo đảm được chất lượng bữa ăn, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của HS. Vì thế, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh (GD-ĐT) đang vận động các trường chuyển đổi từ việc đặt suất ăn do các công ty chế biến sang mô hình nhà trường tự chế biến suất ăn như ở khối mầm non hiện nay.

Nâng chất lượng bữa ăn cho học sinh

Trao đổi với P.V về “nghi án” thực phẩm “quá đát” nhập vào trường Tiểu học Long Bình, huyện Bàu Bàng để chế biến suất ăn cho HS, cũng như việc 15 em HS trường Võ Thị Sáu, TX.Bến Cát bị nôn ói, đau bụng sau khi ăn trưa và phải nhập viện cấp cứu trưa ngày 9-4, bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Phó Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT tỉnh, cho biết: “Từ lâu, chúng tôi đã dự đoán việc các trường ký hợp đồng với các công ty chế biến suất ăn cho học sinh bán trú là không tốt, dễ xảy ra các sự cố về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chất lượng bữa ăn kém. Vì thế, những năm học vừa qua, chúng tôi đã vận động các trường tự hạch toán, đứng ra tổ chức việc chế biến suất ăn cho HS bán trú của trường mình. Cụ thể, đã có nhiều trường ở TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một, như: Trường Tiểu học Nguyễn Du, trường Tiểu học Bình Hòa, trường Tiểu học Lái Thiêu, trường Tiểu học An Phú… đã thực hiện rất tốt mô hình này. Hàng năm, chúng tôi đều mở nhiều lớp tập huấn, đưa giáo viên các trường nào chưa chuyển đổi sang mô hình tự chế biến suất ăn về các trường này để học tập kinh nghiệm, chuyển đổi dần. Từ năm học 2012, Sở GD-ĐT đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh nhân rộng mô hình này trên toàn tỉnh”.

 

Cơ quan chức năng tiến hành thanh tra đột xuất bếp ăn bán trú tại một trường tiểu học ở TX.Tân Uyên, đơn vị ký hợp đồng cung cấp suất ăn cho HS với Công ty Phú Nhật Hào. Ảnh: H.BÌNH

Theo Sở GD-ĐT, trên địa bàn tỉnh hiện có 139 trường tiểu học đã có bếp ăn đạt chuẩn tự đứng ra chế biến, cung cấp suất ăn cho HS bán trú. Hiện nay chỉ còn 10% đơn vị trường học chưa chuyển sang mô hình này. Các trường chủ yếu nằm trên địa bàn TX.Bến Cát, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên và đa số đều do Công ty Phú Nhật Hào đứng ra ký hợp đồng với nhà trường chế biến suất ăn cho HS. Cụ thể, công ty này đã ký hợp đồng với 18 trường tiểu học, nhiều nhất là địa bàn TX.Bến Cát với 8 trường. Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết cho biết thêm: “Việc các trường ký hợp đồng với công ty cung cấp suất ăn đã được phân cấp từ trước, nên Sở GD-ĐT không có trách nhiệm theo dõi, quán xuyến. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố như vừa qua ở trường Tiểu học Long Bình, huyện Bàu Bàng, sở hết sức bức xúc và chỉ đạo Phòng Giáo dục huyện Bàu Bàng làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu ngôi trường này. Qua đó, sai phạm đến đâu thì có hình thức kỷ luật tương xứng. Trước sự việc này, Sở GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi từ việc chọn đơn vị cung cấp suất ăn sang mô hình bếp ăn nhà trường tự nấu. Hiện tại, cách làm của các trường là hàng tháng trường đứng ra thu tiền ăn của HS, sau đó tự tổ chức thuê người đi chợ, nấu nướng. Để cách làm này thực sự có hiệu quả, sở đã có công văn đề xuất HĐND tỉnh xin biên chế cho cán bộ cấp dưỡng ở các trường. Như thế, khi thu tiền ăn hàng tháng từ HS, nhà trường chỉ tập trung vào việc nấu nướng chứ không lo việc trả lương cho cấp dưỡng như hiện nay, nên khẩu phần ăn của HS sẽ được tăng lên nhiều, chất lượng bữa ăn tốt hơn”.

Cũng theo bà Tuyết thì “thực tế hiện nay cũng có một số ít đơn vị trường học né tránh việc chuyển đổi sang bếp ăn do nhà trường tự quản lý, chế biến suất ăn cho HS bán trú. Vì khi chuyển đổi sang mô hình này, Ban giám hiệu nhà trường phải đảm nhận nhiều công việc. Chúng tôi sẽ ráo riết kiểm tra cơ sở vật chất ở các trường, nếu bếp ăn của trường nào chưa đạt chuẩn thì phải chủ động xin chính quyền địa phương xây dựng ngay, không được kéo dài thời gian chuyển đổi”.

Được biết, hiện Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng giáo dục trên địa bàn tỉnh cử cán bộ tham dự lớp học tập chuyên đề, các trường chưa chuyển đổi phải lập đề án chuyển đổi mô hình theo điều kiện thực tế của đơn vị mình hiện nay. Ngoài ra, đối với những trường chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ bếp ăn học đường phải lập tờ trình đề nghị chính quyền địa phương đầu tư kinh phí để xây dựng hoặc nâng cấp các hạng mục.

Phát huy vai trò của phụ huynh

Trao đổi với chúng tôi về biện pháp để quản lý tốt hơn chất lượng thực phẩm nhập vào các trường tiểu học để chế biến suất ăn cho HS, ông Nguyễn Văn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: “Chỉ tính riêng trường học có bếp ăn trưa trên địa bàn tỉnh cũng lên có số hàng trăm đơn vị. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện đang có hàng ngàn công ty, xí nghiệp chế biến suất ăn mỗi ngày nên quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm đã được phân cấp, chúng tôi không có đủ người để kiểm tra mỗi ngày. Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi không quan tâm, mà khi làm việc gì cũng phải có quy trình. Sau khi xảy sự cố ở trường Tiểu học Long Bình, chúng tôi đã kết hợp với các ngành liên quan kiểm tra đột xuất rất nhiều trường tiểu học mà Công ty Phú Nhật Hào cung cấp suất ăn, qua đó phát hiện hàng loạt sai phạm. Tôi cũng đã chỉ đạo các bộ phận liên quan kiểm tra ráo riết hơn trong việc công ty này cung cấp suất ăn cho các trường trong thời gian tới”.

Ngày 17-4, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương công bố kết quả thanh, kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đối với Công ty Phú Nhật Hào - đơn vị bị nghi vấn cung cấp suất ăn không bảo đảm vệ sinh cho học sinh một số trường học tại Bình Dương.

Tuy nhiên, theo ông Đạt thì đã đến lúc Hội phụ huynh cần phát huy vai trò của mình. Chỉ có Hội phụ huynh tham gia với nhà trường kiểm tra thực phẩm đầu vào mỗi ngày thì chất lượng bữa ăn của các em mới được bảo đảm tốt nhất. Việc này đang được Hội phụ huynh trường Tiểu học Võ Thị Sáu phát huy rất tốt, cần được nhân rộng. Tới đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ kết hợp với Sở GD-ĐT mở các lớp tập huấn cho cán bộ cấp dưỡng nhà trường và Hội phụ huynh học sinh về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước đây, chi cục cũng đã từng mở các lớp như thế, nhưng phía Hội phụ huynh không tham gia. Việc này Sở GD-ĐT và nhà trường cần quan tâm, đưa Hội phụ huynh vào cùng giám sát.

 Ông Nguyễn Văn Tấn Vinh, Hội trưởng Hội Phụ huynh HS trường Tiểu học Võ Thị Sáu: “Sau sự cố ngày 9-4, vì sợ Công ty Phú Nhật Hào đưa thực phẩm không tốt vào trường để chế biến suất ăn cho HS nên chúng tôi đã cử người thay phiên giám sát đầu vào, quy trình chế biến. Tuy nhiên, nguyện vọng của phụ huynh là cần phải có bếp ăn đạt chuẩn do nhà trường tự chế biến suất ăn cho HS như đề xuất của Sở GD-ĐT. Bởi hàng ngày, chúng tôi cũng còn bận rất nhiều công việc khác”.

Theo đó, qua kiểm tra bếp ăn tập thể tại 18 trường học do người của Công ty Phú Nhật Hào nấu, các đoàn chức năng phát hiện 8 bếp ăn không bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các bếp ăn này nằm trong 8 trường tiểu học bán trú đóng tại huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên. Cụ thể, Công ty Phú Nhật Hào có 9 vi phạm: Sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn thực phẩm để chế biến; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; không có biện pháp ngăn ngừa côn trùng động vật gây hại… Do đó, cơ quan chức năng xử phạt Công ty Phú Nhật Hào 82.540.000 đồng. Trong đó, UBND huyện Bàu Bàng xử phạt 57.040.000 đồng và đình chỉ hoạt động nấu nướng, cung cấp suất ăn của công ty này tại trường Tiểu học Long Bình (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng) trong 3 tháng.

P.V

 

 

T.QUANG – Q.ĐIỀN

Chia sẻ bài viết
Là cán bộ đang công tác ở tỉnh, trong 3 ngày qua tôi theo đọc 3 kỳ sau nhiều bài về Phú Nhật Hào thấy rất hay. Hay ở chỗ báo đã định hướng được bạn đọc, ngành giáo dục. So với nhiều bài viết trên google thì bài viết của báo Bình Dương có chiều sâu, có tính phân tích định hướng rất hay.
Thục Anh (Cách đây 9 năm)
Dù mô hình nào đi nữa thì vẫn phải đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm phải bảo đảm, với tình hình vệ sinh thực phẩm như hiện nay thì khó mà yên tâm được
Ng. V. H (Cách đây 9 năm)
Đọc 3 bài viết đăng liên tiếp tôi nhận thấy có nhiều ẩn khuất trong sự kiện nhập cá thối vào trường tiểu học Long Bình và 15 em học sinh bị nhập viện ở trường Võ Thị Sau trong ngày 9-4. Nếu không tin tưởng công ty TNHH Phú Nhật Hào nữa thì không nên để cho công ty này tiếp tục nấu ăn cho học sinh. Tương lai của các em học sinh nằm trong tay công ty này.
Đặng Thị Hồng Chi
Hồng Chi (Cách đây 9 năm)
Hiện nay, thực phẩm sử dụng hóa chất bảo quản quá liều lượng, rau củ có chất kích thích tăng trưởng, hàng hóa không rõ xuất xứ ngày càng nhiều và càng rẻ, trong khi đó hàng hóa đảm bảo chất lượng (rau sạch, trái cây đạt tiêu chuẩn…) thì giá thành lại cao, chính vì thế nếu chạy theo siêu lợi nhuận thì chất lượng bữa ăn sẽ giảm xuống. Để chất lượng bữa ăn của các em được bảo đảm, tôi nghĩ không ai khác, mà chính nhà trường cần nâng cao trách nhiệm quản lý, thường xuyên theo sát, kiểm tra bữa ăn của các em mỗi ngày.
Anh Thư (Cách đây 9 năm)
Không thấy ban lãnh đạo nhà trường bị kỷ luật
dinhthanh (Cách đây 9 năm)
Mong ngành chức năng đừng đánh trống bỏ dùi.
Minh Hùng (Cách đây 9 năm)
Mong cơ quan chức năng có biện pháp xử lý mạnh tay không chỉ với doanh nghiệp PNH mà còn đối với những người làm quản lý của nhà trường quá coi nhẹ chất lượng ATVSTP với các cháu bé.
Thủy Ngân (Cách đây 9 năm)
Nếu tôi là Giám đốc sở Giáo dục Bình Dương, tôi sẽ chỉ đạo cho các Phòng Giáo dục có ký hợp đồng với Công ty Phú Nhật không được ký hợp đồng với công ty này nữa. Qua 2 trường đã xảy ra việc như vậy cho đến việc cá thối mà khi đem đi xét nghiệm lại không có gì mà tiếp tục ký nữa thì ai mà tin đạo đức của công ty này.
Ánh Dung (Cách đây 9 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên