Sau nỗi đau tận cùng là bình yên

Cập nhật: 23-11-2018 | 09:18:33

Chúng tôi tưởng rằng khi gợi lại chuyện cũ với bi kịch vô cùng đau thương của gia đình thì họ sẽ buồn. Chúng tôi cũng sợ thấy nước mắt lăn dài trên gương mặt họ - những người còn lại thương tiếc người đã mất, nhưng thật bất ngờ, tất cả đều giữ trên môi nụ cười. Bởi, trên gương mặt hiền lành của những người chúng tôi quý mến này, sự an nhiên đã trở lại với họ khi đã vượt qua được nỗi đau. Một trong những người như vậy là anh Lê Hoàng Phong, Chủ tịch Hội Người mù huyện Bàu Bàng...


Anh Lê Hoàng Phong
(trái) luôn tươi cười cùng bà Huỳnh Thị Khuyên tại Tỉnh hội Người mù

Bi kịch của 25 năm trước

Tình cờ gặp Lê Hoàng Phong, Chủ tịch Hội Người mù huyện Bàu Bàng tại hội thi đọc - viết chữ Braille cấp tỉnh, chúng tôi quyết định phải đến tận nhà, nơi làm việc của anh Phong tìm hiểu về anh để biết thêm về nghị lực của anh khi đối diện với bất hạnh ở đời.

Chúng tôi đến khu phố 4, phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát và tìm đến gia đình anh Lê Hoàng Phong. Trước đây, địa danh này được gọi là Bù No với mênh mông là rừng cây, nhà cửa thưa thớt chứ không đông dân cư như bây giờ. Anh Phong sinh năm 1983 tức là khi anh Phong 10 tuổi, 18 năm sau chiến tranh, nỗi đau chiến tranh lại xảy ra với gia đình Phong. Năm 1993, Phong cùng 2 đứa em lên 8 và 5 tuổi và mấy đứa trẻ hàng xóm đi lượm hạt điều sau vườn thì bi kịch xảy ra, một trái M79 phát nổ. Chiến tranh thật khốc liệt! Đất nước đã vào thời hậu chiến nhưng nỗi đau vẫn còn đó khi một tiếng nổ xé toang khung cảnh bình yên của làng quê.

“Lê Hoàng Phong là một tấm gương vượt qua nghịch cảnh không chỉ để cho người mù noi theo mà cả người sáng cũng thấy ở em một bài học về nghị lực phi thường; về cách sống hòa ái với mọi người và luôn lạc quan tin yêu vào cuộc đời này”.

(Bà Huỳnh Thị Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh)

Ba mẹ anh Phong là ông Lê Thành Công và bà Nguyễn Thị Hạt, đang ở trong nhà nghe tiếng nổ liền chạy ra vườn thì thấy cảnh tượng kinh hoàng. Một đám trẻ con nằm la liệt với máu me đầm đìa. Ông không còn biết gì nữa mà chỉ hô hoán kêu làng xóm ứng cứu. Hai đứa em Phong thì một đứa mất tại chỗ, một đứa đã ra đi tại bệnh viện. Còn anh Phong bị cụt 1 tay, 2 chân bị mất ngón, nằm bất động và được bà con vội vã đưa đi bệnh viện cấp cứu. Ông Công nhớ lại: “Sau năm 1975 những người ở quê ông dọn dẹp lại nương rẫy, ruộng vườn cho mùa vụ mới. Người lớn ra ruộng, ra vườn thấy mìn, đạn còn vương vãi thì đem về gom lại để ở gò mối cao, lâu lâu bà con sẽ đi báo cho chính quyền địa phương đến thu gom, xử lý. Nhưng hôm đó, chưa kịp báo thì mấy anh em Phong chơi nghịch đã làm trái M79 phát nổ. Sau khi cấp cứu ở bệnh viện Bến Cát, chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy, Phong được đưa về điều trị gần 4 tháng tại Bệnh viện Nhi Đồng. Nhà nghèo, không có tiền, tất cả nương nhờ vào sự giúp đỡ của bà con chòm xóm. Báo chí lúc đó cũng lên tiếng về vụ này và bạn đọc giúp đỡ rất nhiều để họ vượt qua. Mẹ Phong bị bệnh tim, trước nỗi đau xảy ra quá lớn, bà được đưa đi nơi khác để không phát điên trước nỗi mất mát đó...”.

Tưởng bao nhiêu đó là quá đủ cho một số phận nhưng một lần nữa, anh Phong lại chịu nỗi đau khi phải mất đi ánh sáng. Anh kể năm 2013, tức tròn 20 năm sau ngày Phong bị nổ trái, con mắt còn lại của anh cũng đã mất luôn ánh sáng. Ngày mà bác sĩ Bệnh viện Mắt Điện Biên Phủ (TP.Hồ Chí Minh) báo rằng, anh bị teo gai thần kinh thị giác và không có khả năng điều trị, đó cũng là ngày mọi chuyện như sụp đổ đối với anh Phong. “Lúc trước, bị thương thân thể không lành lặn nhưng vẫn còn đôi mắt để nhìn ngó, sinh hoạt dễ dàng hơn nay lại bị mù luôn thì cuộc đời thật là nghiệt ngã đối với tôi”, anh Phong nói.  

Vượt lên chính mình

Mỗi lúc khó khăn, anh lại tiếp tục nghĩ đến 2 đứa em, nghĩ mình phải sống phần của các em nữa, vậy là anh Phong lại có thêm nghị lực. Khi tôi đến nhà, anh Phong tự hào đem những tấm bằng mà anh đã giành được trong quá trình học hành của mình ra cho tôi xem như là cách để chứng minh nghị lực phi thường của anh. Sau khi tốt nghiệp THPT Bến Cát, anh Phong tiếp tục học Văn thư lưu trữ từ năm 2003-2005, học liên thông Cao đẳng Nguyễn Tất Thành (TP.Hồ Chí Minh) rồi tốt nghiệp cử nhân kế toán khóa 2010-2014, trường Đại học Bình Dương. Anh Phong cũng kể về những ngày còn sáng mắt, anh nhận làm kế toán cho nhiều công ty, nhận dạy kèm cho học sinh tại nhà. Đó là khoảng thời gian anh Phong hạnh phúc nhất vì giúp đỡ được nhiều cho ba mẹ.

Bị mù mắt nên việc học của anh Phong bị gián đoạn một thời gian. Năm 2014, khi nhận bằng tốt nghiệp cử nhân, anh Phong chỉ biết dùng tay “sờ để cảm nhận thành quả học tập của mình”. Cũng trong thời gian này, anh Phong học chữ Braille với cô Võ Thị Liên (Hội Người mù TX.Bến Cát). Chỉ sau một tháng thì anh Phong biết viết, đọc chữ nổi. Anh làm quen với cuộc sống và công việc của người mù từ đó...

Thương con, cha mẹ anh Phong lại tiếp tục đồng hành cùng con trai. Hàng ngày, sau khi ra lô cao su cạo mủ, ông Công lại đưa Phong đến làm việc tại Hội Người mù huyện Bàu Bàng. Mỗi ngày đi về hơn 70km nhưng ông vẫn không nề hà. Ông chỉ lo một ngày già yếu hơn, không thể làm chỗ dựa cho con được nữa. Bởi ông biết rằng, con trai có việc để làm là thấy mình có ích cho gia đình và xã hội. Khi đó, những nỗi đau sẽ không dày vò anh Phong nhiều nữa. Vợ của anh Phong cũng là một người hiền lành, nết na. Chị là một công nhân bình thường và hết lòng thương yêu chồng, gia đình bên chồng. Bà Hạt thì chăm sóc đàn gà cùng con trai trong tiếng cười hồn hậu nhất mà chúng tôi từng chứng kiến. Tôi thật sự cảm kích khi nhìn anh Phong chống gậy ra cho gà ăn, rồi dùng tay sờ vào những cái trứng đang ấp ở lò coi trứng đã nở chưa. Những con gà con lại tiếp tục được đem ra sưởi ấm cho đến khi đủ lông đủ cánh, tự tìm thức ăn được thì mới đưa ra chuồng. Nguồn thu nhập phụ từ việc nuôi gà này và gần 5 triệu đồng từ tiền lương, tiền trợ cấp hàng tháng cũng giúp cho anh Phong đủ trang trải trong cuộc sống. Cảm giác vượt lên chính mình, không phụ thuộc vào người thân mới là điều làm anh vui hơn hết.

Nỗi đau vẫn còn đó khi trong câu chuyện thỉnh thoảng anh Phong vẫn nhắc đến bé Liễu, bé Nhã. Đó là 2 đứa em của anh Phong đã mất đi. Ký ức của người anh trai 10 tuổi vẫn là hình ảnh của những ngày cùng em chơi đùa sau vườn nhà. Thế nên bây giờ, cuộc sống đối với anh Phong quý từng giây, từng phút, từng ngày. “Ai đã đối diện với chuyện sinh tử, đối diện với bi kịch cùng cực mới cảm giác được cuộc sống này quý giá như thế nào”, anh Phong tâm sự. Giờ đây, gia đình anh Phong đã vượt qua những khó khăn, vượt qua bi kịch của 25 năm trước.

Nhìn cơ ngơi của gia đình anh Phong, có thể dùng từ đoàn viên cho những người trong gia đình này. Một khu nhà khang trang gồm gia đình của ba mẹ anh Phong, tổ ấm của vợ chồng anh Phong, anh trai, em gái quây quần quanh một cái sân chung nên rất vui vẻ, đầm ấm. Anh trai của anh Phong ngoài làm công nhân còn nhận thêm dịch vụ đưa đón khách du lịch trong dịp cuối tuần. Chị dâu và em gái làm bảo mẫu tại trường mầm non gần nhà. Vợ anh Phong làm công nhân. Mẹ thì ở nhà nội trợ. Ba của anh Phong cạo mủ, bán mủ cao su xong sẽ đưa đón con đi làm, đưa cháu đi học. Trong gia đình, ai cũng có thu nhập ổn định, đủ lo cho cuộc sống dù không giàu sang nhưng cái nghèo khó đã lùi vào dĩ vãng...

Sau tất cả những bi kịch thì tình thương yêu của người thân sẽ xoa dịu mọi nỗi đau để rồi họ biết yêu quý nhau hơn, sống bên nhau đầm ấm, hạnh phúc. Cuộc sống của anh Phong cũng là tấm gương cho những người cùng hoàn cảnh của anh noi theo để vươn lên. Không có gì là không thể mỗi khi bản thân chúng ta muốn thực hiện những điều tốt đẹp cho bản thân mình, cho gia đình và xã hội.

Hội Người mù huyện Bu Bng được thành lập và chính thức đi vo hot động ngày 14-12-2015. Anh Phong cũng chuyển đến làm việc từ đó. Hiện nay hội c49 hội viên (HV). Hoạt động của hội nhằm giúp đỡ những HV chon cnh khkhăn ổn đnh cuộc sống, ha nhập với cộng đồng. Anh Phong cũng đã vận động sửa chữa 2 căn nhcho HV, trgi50 triệu đồng, giới thiệu HV hc nghề, to việc làm, xét cho 5 HV vay vốn với số tiền 62 triệu đồng...

 

TRẦN QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên