Ông Bùi Hữu Phong, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh:

Sẽ không có “cú sốc” lớn cho những người sắp nghỉ hưu 

Cập nhật: 22-11-2014 | 07:47:27

Ngày 20-11-2014, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, trong đó có quy định về cách tính lương hưu mới. Xung quanh vấn đề này đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng, người lao động (NLĐ) sẽ bị thiệt với cách tính lương hưu mới. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Hữu Phong, Giám đốc BHXH tỉnh.

- Cụ thể, cách tính lương hưu hàng tháng được quy định trong Luật BHXH sửa đổi vừa được thông qua như thế nào, thưa ông?

- Luật BHXH đã được Quốc hội thông qua, tác động đến gần 11.000 người dân và trên 700.000 người đang tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện tại Bình Dương. Do chưa có luật ban hành chính thức, cho phép được trao đổi trên dự thảo Luật BHXH mà Quốc hội thông qua ngày 20-11-2014. Về cách tính lương hưu, như mọi người đều biết tương lai quỹ hưu trí và tử tuất BHXH sẽ không bảo đảm cân đối. Tuy nhiên, với đặc điểm Việt Nam chúng ta không thể giải quyết một sớm, một chiều. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức và sự tin tưởng của NLĐ đến chính sách BHXH. Do vậy, Luật BHXH thông qua lần này vẫn duy trì kế thừa chính sách cũ, đặc biệt là hưu trí được ổn định trong thời gian đầu và được điều chỉnh dần cho phù hợp trong thời gian xa sắp tới.

Đối với lương hưu, sẽ được điều chỉnh bởi mức đóng, thời gian đóng, tuổi đời và ngành nghề làm việc. Lần này, tuổi nghỉ hưu gần như không có sự thay đổi, có thay đổi là tỷ lệ được tính sẽ dần thay đổi, mức bình quân tiền lương trước khi nghỉ hưu khu vực Nhà nước cũng thay đổi, tuổi đời người về hưu trước tuổi cũng sẽ thay đổi dần.

Nhân viên Bảo hiểm xã hội tỉnh trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Ảnh: VĂN SƠN

- Nhiều người cho rằng, nếu theo cách tính mới, người nghỉ hưu sắp tới sẽ bị thiệt vì lương hưu sẽ bị giảm hơn so với quy định trước đây. Về phía ngành chức năng, ông có nhận xét gì về cách tính này?

- Như đã trao đổi ở trên, việc thay đổi chế độ hưu trí lần này được tính toán tương đối ổn định việc hưởng lương hưu đối với những người có thời gian đóng BHXH dài trước đây và được ổn định cho một thời gian nhất định theo lộ trình, không làm ồ ạt.

Đơn cử, việc tính tỷ lệ (mức hưởng) khu vực Nhà nước áp dụng: Hiện nay, nếu đóng 15 năm BHXH được tính tỷ lệ là 45%; Luật BHXH sửa đổi, nếu đóng 16 năm BHXH được tính tỷ lệ là 45% cho những người nghỉ hưu từ 1-1-2018, sau đó tăng dần theo hàng năm. Riêng nữ, vẫn là 15 năm cho 45% từ 1-1-2018.

- Nỗi lo lương hưu sẽ bị sụt giảm đang được nhiều NLĐ quan tâm. Tuy nhiên, nếu không thực hiện theo lộ trình này sẽ không bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí. Cụ thể điều này như thế nào, thưa ông?

- Chúng ta cần hiểu rằng, quỹ BHXH là một quỹ do NLĐ đóng (có cả ngân sách Nhà nước) và NLĐ đóng góp cho nên mang tính độc lập với ngân sách Nhà nước. Do vậy, bất kỳ quốc gia nào cũng phải tính đến sự an toàn của quỹ hưu trí, tử tuất, hạn chế tối đa sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước.

Nếu so với các dự thảo Luật BHXH trước đây thì vấn đề này đã khác xa rất nhiều, có tính đến trước sau, từng bước phù hợp với tâm lý NLĐ và kinh tế của nước nhà. Với tư cách là một người làm chính sách, tôi tin tưởng chắc chắn không có “cú sốc” lớn cho những người về hưu sắp tới. Vì mọi người đều được hiểu trước, có sự đồng cảm nhất định với đất nước. Xin được dẫn chứng một ví dụ: Mức bình quân tiền lương hàng năm trước khi về hưu ở khu vực Nhà nước hiện nay tính bình quân 5 năm cuối trước khi về hưu; Luật BHXH mới: Người tham gia BHXH trước ngày 1-1-1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-1995 đến ngày 31-12-2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2001 đến ngày 31-12-2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2007 đến ngày 30-6-2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia BHXH từ ngày 1-7-2015 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

- Một vấn đề đặt ra nữa là, nếu theo lộ trình mới này, nhiều NLĐ sẽ xin nghỉ hưu trước tuổi để được hưởng chế độ như hiện nay. Điều này có ảnh hưởng gì không, thưa ông?

- Khi quyết định nghỉ hưu sớm hơn thì có rất nhiều nguyên nhân: Sức khỏe, năng lực, thu nhập hiện nay, việc làm sắp tới... Cho nên, vấn đề lương hưu sắp tới giảm không đáng kể thì không phải là lý do nghỉ hưu sớm. Hơn nữa, còn nhiều yếu tố tác động khác rất quan trọng cũng phải nghĩ tới là danh dự, cống hiến... đáng trân trọng mà mọi người đều giữ gìn.

Như vậy, nếu có xảy ra điều này thì cũng rất ít và hy vọng không có sự “đột biến” nào khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ 1-1-2016.

- Xin cảm ơn ông!

Ông LỤC KIM THANH, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo TX.Bến Cát: Có thể tính trượt giá vào lương hưu

Mấy ngày qua, theo dõi kỳ họp Quốc hội lần này tôi được biết, Quốc hội vừa thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Theo đó, sắp tới đây sẽ điều chỉnh cách tính lương hưu đối với người lao động (NLĐ). Từ năm 2018, lương hưu khởi điểm được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm với lao động nữ và 16 năm với lao động nam, là điều còn băn khoăn. Thực tế, lương hưu của người Việt Nam hiện đã thấp hơn thế giới, nếu tính như cách mới thì người hưởng lương hưu sẽ gặp khó khăn. Kinh tế có thể lạm phát, giảm phát, do đó nếu có biến động giá thì tính phần trượt giá vào lương hưu là hợp lý nhất.

Bà NGUYỄN THỊ MỸ PHƯỢNG, nhân viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh: Mong có mức lương hưu bảo đảm cuộc sống

Là viên chức hưởng lương Nhà nước nên tôi rất quan tâm đến các chế độ chính sách liên quan đến đời sống NLĐ, trong đó có chế độ lương. Hiện nay, lương tôi chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng, chưa đủ trang trải cuộc sống, còn phải phụ thuộc vào chồng con. Nếu tính thời gian đi làm đến khi nghỉ hưu tôi công tác được 22 năm. Với cách tính lương hưu mới như Quốc hội vừa thông qua thì lương tôi chưa đến 2 triệu đồng. Sau bao năm cống hiến, khi về hưu NLĐ mong có mức lương hưu tương đối, bảo đảm nhu cầu tối thiếu của bản thân.

HỒNG THÁI (ghi)

 

HỒNG THUẬN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết
không tăng giữ nguyên như cũ, tôi nghĩ Quốc hội nên chốt lại việc tăng tuổi hưu, đừng tranh luận bàn cãi về vấn đề này nữa, hãy để cơ hội cho lớp trẻ ra trường có việc làm, phụ nữ đến tuổi 55 nghỉ hưu là hợp lý về nghỉ ngơi và phụ giúp con cháu.
Tiến Thành (Cách đây 9 năm)
nên để như cũ , đồng ý theo ý kiến của tiến thành, sinh viên năm nào cũng ra trường nếu theo lộ trình mới thì không có chổ để lớp trẻ phát triển đựơc tài năng và việc lam.
nguyen thi nguyet (Cách đây 9 năm)
tôi nghĩ cũng đúng tăng tuổi nghỉ hưu rất khó còn phụ thuộc vào sức khoẻ của người đi làm nữa mặt khác phải để chố cho lớp trẻ
ômnng thi thu ha (Cách đây 9 năm)
Lương hưu dưới 3 triệu có tăng hay ko ? Kính mong có sự giải đáp sớm nhất của nhà chức trách !
Nguyễn Trung Quân (Cách đây 9 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên