Sinh hoạt gia đình Phật giáo: Góp phần giáo dục nhân cách cho trẻ

Cập nhật: 04-11-2011 | 00:00:00

Bằng hình thức sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động Phật sự mang tính nhập thế, vì lợi ích của người dân ngày càng được các cơ sở tự viện trong tỉnh quan tâm thực hiện. Một trong những việc làm có ý nghĩa là góp phần giáo dục nhân cách cho giới trẻ...  Một lớp hướng dẫn kỹ năng võ thuật, cách giao tiếp cho các em thiếu niên tại chùa Long Khánh

Hình thức sinh hoạt gia đình phật tử (GĐPT) cũng mang ý nghĩa này. Đến các chùa sinh hoạt trong GĐPT, những thành viên trong nhóm sẽ được giao lưu, sinh hoạt văn nghệ, học giáo lý và học luôn những điều tốt đẹp, biết thương yêu, nhường nhịn nhau. Chị Nguyễn Thị Nhung ở phường Phú Thọ, TX.TDM có con tham gia GĐPT chùa Hội Khánh cho biết: “Cách đây một năm, con trai chị nghiện game khá nặng. Ngoài giờ học là... ngồi đồng ở tiệm net. Cả nhà lo lắng và rất buồn khi nói mãi con không chịu nghe. Tình cờ một lần chị đi chùa và thấy có sinh hoạt GĐPT. Nhìn các em say sưa hát, chơi trò chơi rất vui và chị nghĩ có thể đây là một cách... bứt con mình ra khỏi màn hình vi tính. Chị về nhà bàn với con và hứa... thưởng thêm một chuyến du lịch nếu con chịu đi ra ngoài sinh hoạt chung với bạn bè. Giờ, con chị bỏ được chứng nghiện net, tham gia sinh hoạt cộng đồng nhiều hơn. Đáng mừng là con chị có thêm nhiều bạn tốt, thỉnh thoảng cuối tuần thằng bé phụ mọi người đi tặng cơm từ thiện cho người nghèo mù, bệnh nhân nghèo...”. Khỏi phải nói niềm hạnh phúc của người mẹ khi con mình ngoan hơn. Và giờ chị Nhung không còn “lo sốt vó” về con nữa. Chị đang chuẩn bị cho thằng bé những điều kiện tốt nhất để sang năm ôn thi vào lớp 10.

Sư cô Thích nữ Từ Thảo (Trụ trì chùa Bồ Đề Đạo Tràng, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi TX.Thuận An) cho biết; ban đầu, lớp học tình thương của chùa mở ra chỉ có hơn chục em theo học nhưng ngày càng đông và hiện tại đã có ngoài 50 em theo học các lớp từ 1 đến 5. Hầu hết các em lang thang cơ nhỡ, trẻ bán vé số không có điều kiện đến trường. Hiện nay, ngoài những giờ dạy kiến thức từ sách giáo khoa, các cô còn giáo dục nhân cách cho trẻ. Sớm nhiễm thói hư tật xấu ở đời và “mở miệng ra là nói tục” nhưng khi các em được sinh hoạt ở chùa, tính cách các em dần dần... hiền hơn, nói năng lễ phép hơn trước đây nhiều. Những trẻ em theo học lớp tình thương tại chùa Bồ Đề còn được “bao ăn cơm trưa” và nhờ thế, thời gian gần gũi, trao đổi giữa các em với các cô ở  chùa nhiều hơn, các em tâm sự về chuyện nhà, chuyện mưu sinh để từ đó cởi mở hơn, biết sống hòa đồng, biết yêu thương và tha thứ nhiều hơn. Không chỉ dừng lại những hoạt động ở chùa, mang tính Phật sự mà Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Bồ Đề còn tổ chức những đợt sinh hoạt tập thể với những anh chị hướng dẫn là sinh viên, công nhân viên chức đến cùng thi thố tài năng văn nghệ, tham gia trò chơi... nhằm giúp thanh thiếu niên có cách sống, cách nghĩ tích cực và biết hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Những hoạt động hướng tới cộng đồng điển hình có thể kể đến nữa như chùa Long Khánh với khóa tu mùa hè. Chùa  tọa lạc ở tổ 7, khu phố Khánh Lợi, thị trấn Tân Phước Khánh, Tân Uyên. Ngôi chùa bình yên này là nơi khách thập phương đến viếng và họ cũng “yên tâm gửi con trong những ngày hè, dịp lễ, tết để tham gia các khóa tu ngắn ngày, sinh hoạt những kỹ năng cơ bản nhất trong ứng xử”. Sư cô Thích nữ Liên Diệu, Trụ trì chùa cho biết; nhờ cách dạy dỗ lấy sự gần gũi, chia sẻ tâm tình làm nền tảng nên các em ngày càng tin yêu hơn người thân thương, thấy mình cần phải sống có  ích cho gia đình và xã hội hơn nữa. Các em cũng dần xa rời những thú vui phù phiếm, nguy hiểm khác khi nhận thức được vấn đề.  Tình thương yêu con người, biết chia sẻ cùng nhau là điều các em học được khi đến với những khóa tu ngắn ngày này. “Tiếng lành đồn xa” và hiện nay, ngôi chùa chân quê này là địa điểm “gửi con đến rèn luyện nhân cách” không chỉ trong tỉnh Bình Dương mà còn ở Đồng Nai, TP.HCM...

Trao đổi với chúng tôi về giáo dục nhân cách cho giới trẻ khi đến chùa, Thượng tọa Thích Thiện Duyên, Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT tỉnh, Trưởng ban Đại diện Phật giáo Tân Uyên nói: “Tuổi trẻ, nhất là những em vị thành niên rất bồng bột trong suy nghĩ. Các em có thể hành động nông nỗi và gây hậu quả khôn lường. Chúng ta cũng từng thấy những cảnh bạo lực học đường như đánh nhau, xé áo, quay phim tung lên mạng... Chúng ta cũng đau lòng khi đọc báo thấy những vụ án mạng mà xuất phát từ một cái nhìn được cho là... nhìn đểu hay một câu nói gây mích lòng. Thế nên, những hoạt động mang tính nhập thế của tổ chức Phật giáo rất quan trọng. Những lời giáo huấn nhẹ nhàng thôi sẽ như mưa dầm thấm lâu và giúp các em dần hoàn thiện nhân cách, trở nên những người hữu ích cho xã hội. Đó cũng là một trong những mục tiêu mà các GĐPT trong tỉnh hướng tới”...

Hương Cần

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên