Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh: Nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ

Cập nhật: 24-10-2014 | 10:11:55

Băng qua nhiều con đường nhựa, đi vào đường đất chúng tôi mới đến được Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh. Sở chỉ huy nằm trên địa bàn ấp 1, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng. Đây làmột di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia có giá trị lớn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Khu nhà lưu niệm chứa đựng những hình ảnh, hiện vật có giá trị lịch sử

trong khu di tích

Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh nằm bên con suối có tên là Căm Xe nê, còn gọi là Sở chỉ huy Căm Xe. Theo Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh, vào ngày 25-3-1975, Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được Bộ Chính trị quyết định thành lập ở căn cứ giải phóng miền Nam tại ấp Tà Thiết Krom, Lộc Thành, Lộc Ninh, Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Để trực tiếp chỉ huy chiến dịch ngay từ đầu và sát với tình hình tác chiến, cơ quan Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh chuyển tới căn cứ tiền phương sát với chiến trường hơn và chọn Căm Xe làm Sở chỉ huy tiền phương. Sở chỉ huy tiền phương nằm trong khu vực rừng cây, có rất nhiều suối, trong đó suối Căm Xe là lớn nhất. Năm 1990, Bảo tàng Sông Bé cùng Bảo tàng Quân khu 7 và Viện Bảo tàng Quân đội đã đến đây khảo sát và đánh giá, trong lịch sử Thủ Dầu Một - Bình Dương 300 năm hình thành và phát triển thì địa danh Căm Xe là một vùng đất lâu đời. Nơi đây có một khu rừng nguyên sinh với nhiều loại cây gỗ quý, bên cạnh đó là dòng suối tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Sở chỉ huy là một cơ quan tạm thời (từ ngày 26-4-1975 đến 30-4-1975). Các lán trại, hầm hào tại đây chủ yếu được làm bằng vật liệu gỗ có sẵn trong rừng. Vào thời điểm lịch sử năm 1975, sau cuộc họp ngày 25-3-1975 của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, theo sự phân công của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Đức Thọ vào Lộc Ninh để cùng các đồng chí Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Khi chiến dịch sắp mở màn, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định dời về Căm Xe thuộc ấp 1, xã Minh Tân ngày nay để tiện cho việc chỉ huy từ các hướng. Đây là căn cứ cũ của một đơn vị biệt động Sài Gòn của ta (Tây Nam - Dầu Tiếng). Sau khi bộ phận tác chiến thông tin liên lạc và bộ phận quản lý đi chuẩn bị, ngày 26-4-1975, đồng chí Văn Tiến Dũng, Tư lệnh chiến dịch và đồng chí Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh cùng một số cán bộ tham mưu xuống Căm Xe trước để kịp làm việc với các đơn vị. Vì tình hình khẩn trương, ngày 28-4-1975, các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng cùng rời Lộc Ninh về Sở chỉ huy tiền phương ở Căm Xe để tiện nắm tình hình và bàn bạc cụ thể với Bộ chỉ huy chiến dịch.

Tái hiện nơi làm việc, bàn bạc kế hoach chiến dịch của các đồng chí lãnh đạo cách mạng lúc bấy giờ

Sau thắng lợi trên chiến trường Tây nguyên, ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã đề ra chủ trương và kế hoạch đại cương về trận quyết chiến, chiến lược đánh thẳng vào Sài Gòn. Ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị có nghị quyết: “Nắm thời cơ, tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất, giải quyết xong Sài Gòn, tranh thủ tiêu diệt quân đoàn 1 và bộ phận còn lại của quân đoàn 2 địch, không cho chúng co cụm về Sài Gòn, tăng cường sự lãnh đạo tại chỗ của Bộ Chính trị đối với chiến dịch giải phóng Sài Gòn”. Căn cứ vào phương châm và tư tưởng chỉ đạo tác chiến của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đề ra là: “ Thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắc thắng”, thực hiện quyết tâm chiến lược cơ sở của Bộ Chính trị, giành thắng lợi trên chiến trường miền Nam trong 2 năm 1975-1976.

Để tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước, xứng với tầm cỡ chiến dịch, Bộ chỉ huy chiến dịch đã gửi điện xin đặt tên và được Bộ Chính trị đồng ý đổi tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn ban đầu thành chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi chiến dịch Hồ Chí Minh bước vào thời điểm tổng công kích vào Sài Gòn, lực lượng chủ lực của Quân khu 7 trực tiếp tham mưu chiến dịch cắt đường số 4, chủ lực khu 9 trực tiếp tấn công vào khu vực Cần Thơ cùng bộ đội địa phương các tỉnh, huyện đã tấn công và nổi dậy đều khắp. Đặc biệt, sau khi Sài Gòn thất thủ, địch rất hoang mang, mất ý chí đề kháng. Lợi dụng thời cơ trên, Quân khu 8, Quân khu 9 dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương đã đồng loạt tiến công, cùng với quần chúng nổi dậy chiếm các thành phố, thị xã, các căn cứ quân sự lớn, các quận lỵ chi khu và toàn bộ đồn bót còn lại của địch bị tiêu diệt, buộc các đơn vị của Quân đoàn 4 ngụy phải nộp vũ khí đầu hàng, đánh đổ hoàn toàn chính quyền ngụy từ cấp tỉnh đến xã, giải phóng đồng bằng Nam bộ, giải phóng các hải đảo một cách thần tốc chỉ trong 2 ngày 30-4 và 1-5.

Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn toàn xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của Bộ Chính trị giao, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng miền Nam trước mùa mưa, kết thúc thắng lợi 30 năm đấu tranh cách mạng và khởi nghĩa vũ trang của nhân dân ta một cách trọn vẹn với thời gian nhanh nhất. Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước, mở ra một thời kỳ mới, một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một chiến dịch vĩ đại nhất với ý nghĩa chiến lược cao nhất, trọn vẹn nhất, lập nên chiến công toàn vẹn trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của một dân tộc anh hùng.

Di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh là di tích duy nhất và tiêu biểu, phản ánh sự lãnh đạo, chỉ huy đúng đắn, trực tiếp sáng tạo của Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh chiến dịch.

Gần 40 năm trôi qua, chiến dịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc. Hơn bao giờ hết, công tác bảo tồn, gìn giữ những dấu tích của di tích để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau có ý nghĩa vô cùng to lớn. Trong thời gian qua, với sự quan tâm của các cấp, ngành văn hóa, Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh đã được đầu tư xây dựng một số hạng mục. Từ cổng khu di tích bước vào, chúng ta sẽ bắt gặp một căn nhà lưu niệm được xây dựng mới hoàn toàn để trưng bày những mô hình tác chiến, những hiện vật, hình ảnh gắn liền với tên tuổi các đồng chí cách mạng gắn bó với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong khuôn viên di tích, cũng đã xây dựng bia ghi lại diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh, tái hiện lại nơi các đồng chí lãnh đạo làm việc, họp bàn kế hoạch và cả nơi sinh hoạt thường ngày của họ, với bếp Hoàng Cầm không khói mà chúng ta bắt gặp ở nhiều di tích căn cứ kháng chiến khác. Nơi đây, hàng ngày dòng suối Căm Xe nước vẫn chảy, trong xanh, mát mẻ giữa rừng bạt ngàn.

Có thể nói, Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh là một di tích tiêu biểu phản ánh về lực lượng vũ trang nhân dân mà Bộ chỉ huy chiến dịch là lãnh đạo tác chiến trực tiếp trong diễn biến chiến dịch lịch sử mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ý nghĩa vĩ đại của chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh đã nâng tầm giá trị lịch sử văn hóa của di tích lên một vị trí đặc biệt quan trọng. Di tích đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Hơn bao giờ hết, công tác giữ gìn, tôn tạo, phát huy cần được quan tâm hơn nữa, đặc biệt là trong công tác giáo dục truyền thống để những giá trị của di tích sẽ mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc Việt Nam.

HỒNG NGỌC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên