Sở Công thương: Tăng cường công tác an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp

Cập nhật: 19-11-2018 | 14:13:30

Ngày 15-5-2018, Chính phủ ban hành Nghị định 71/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) và tiền chất thuốc nổ. Theo đó, một số đối tượng mới phải được huấn luyện kỹ thuật an toàn VLNCN, gồm: Người lao động trực tiếp sản xuất VLNCN; người được giao quản lý kho VLNCN (hiện chỉ có thủ kho mới phải huấn huyện); người làm công tác phân tích, thử nghiệm VLNCN.

Thêm nhiều đối tượng mới phải huấn luyện

Theo Nghị định 71/2018/NĐ-CP, một số đối tượng mới (so với quy định hiện hành) phải được huấn luyện kỹ thuật an toàn VLNCN, gồm: Người lao động trực tiếp sản xuất VLNCN; người được giao quản lý kho VLNCN (hiện chỉ có thủ kho mới phải huấn huyện); người làm công tác phân tích, thử nghiệm VLNCN. Ngoài ra, về người được giao quản lý kho tiền chất thuốc nổ phải được huấn luyện và cấp giấy chứng nhận (GCN) huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ; nếu đã được cấp GCN huấn luyện kỹ thuật an toàn VLNCN (còn hiệu lực) thì không phải thực hiện huấn luyện và cấp GCN huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ.


Sở Công thương triển khai lớp tập huấn về An toàn vật liệu nổ công nghiệp năm 2018

Theo Nghị định 71, tùy vào từng chức vụ nắm giữ mà mỗi người hoạt động trong lĩnh vực VLNCN có nội dung đào tạo, huấn luyện khác nhau. Nội dung huấn luyện đối với người lao động trực tiếp sản xuất VLNCN, bao gồm: Quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất VLNCN; yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với VLNCN, đặc tính kỹ thuật của VLNCN đang sản xuất; yêu cầu an toàn khi vận hành máy, thiết bị sản xuất và phương pháp làm việc an toàn; nhận diện nguy cơ, yếu tố nguy hiểm và đánh giá rủi ro trong sản xuất VLNCN về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai; ứng phó sự cố liên quan đến hoạt động VLNCN theo quy định tại Khoản 8 Điều này.

Nội dung huấn luyện đối với người được giao quản lý kho VLNCN, bao gồm: Quy định của pháp luật về bảo quản VLNCN; yêu cầu về kho chứa; phương tiện, thiết bị bảo đảm an toàn, phòng cháy, chữa cháy, chống sét, kiểm soát tĩnh điện kho bảo quản VLNCN; thành phần, tính chất, phân loại và yêu cầu về chất lượng VLNCN; các quy định về thử nghiệm, kiểm tra và biện pháp bảo đảm chất lượng VLNCN; quy định về tiêu hủy và phương pháp tiêu hủy VLNCN; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn VLNCN; cách sắp xếp, bảo quản VLNCN; yêu cầu về an toàn khi bốc xếp, bảo quản, vận chuyển VLNCN trong phạm vi kho và trên phương tiện vận chuyển; quy trình xuất, nhập, thống kê VLNCN; trách nhiệm của người được giao quản lý kho VLNCN; nhận diện nguy cơ, yếu tố nguy hiểm, đánh giá rủi ro trong bảo quản VLNCN về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai; ứng phó sự cố liên quan đến hoạt động VLNCN theo quy định tại Khoản 8 Điều này.

 Nội dung huấn luyện đối với người làm công tác phân tích, thử nghiệm VLNCN, bao gồm: Quy định của pháp luật về quản lý chất lượng VLNCN; tiêu chuẩn, quy chuẩn về các chỉ tiêu đánh giá chất lượng VLNCN; yêu cầu an toàn khi tiếp xúc, bảo quản VLNCN; phân loại, ghi nhãn VLNCN; danh mục VLNCN được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam; các phương pháp kiểm tra, thử nghiệm; các biện pháp an toàn khi kiểm tra đánh giá VLNCN; các phương pháp tiêu hủy VLNCN; quy trình phân tích, thử nghiệm các chỉ tiêu đánh giá chất lượng VLNCN; ứng phó sự cố liên quan đến hoạt động VLNCN theo quy định.

Một nội dung quan trọng được quy định trong Nghị định 71/2018/NĐ-CP là nội dung huấn luyện ứng phó sự cố trong hoạt động VLNCN, bao gồm: Phân loại và phương pháp phát hiện các tình huống khẩn cấp; các hành động khi phát hiện tình huống khẩn cấp; xác định các tác động có thể gây nguy hiểm đối với người, phương tiện, thiết bị tại hiện trường và các vị trí, sơ đồ thoát hiểm; quyết định cần thiết khi phải sơ tán; các phương án, biện pháp cần thực hiện khi xảy ra tai nạn, sự cố mất an toàn VLNCN; thông tin gọi cứu hộ, cứu nạn; cấp cứu tại chỗ; sử dụng các phương tiện cứu hộ xử lý sự cố cháy, nổ; liên lạc và báo cáo cơ quan có thẩm quyền; huy động nguồn lực bên trong và bên ngoài của cơ sở; phương pháp, biện pháp ứng phó các tình huống khẩn cấp; công tác điều tra, đánh giá nguyên nhân, hậu quả của sự cố; kế hoạch khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động của máy, thiết bị, công trình đã xảy ra sự cố.

Phát huy công tác an toàn trong hoạt động VLNCN

Tại lớp huấn luyện về kỹ thuật an toàn VLNCN năm 2018 cho các doanh nghiệp hoạt động sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh, mới đây Sở Công thương phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh, VLNCN là loại vật tư, hàng hóa kinh doanh đặc biệt, có yêu cầu an toàn nghiêm ngặt do Nhà nước thống nhất quản lý. Số lượng, phạm vi, quy mô các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Qua đó, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đến công tác quản lý về hoạt động VLNCN. Hoạt động sử dụng VLNCN luôn tiềm ẩn những rủi ro và sự cố ở mức độ nghiêm trọng nên đòi hỏi công tác thi công phải luôn bảo đảm an toàn ở mức nghiêm ngặt, phải làm đúng từ tất cả các khâu, các công đoạn của quy trình sản xuất, thi công và đặc biệt không để xảy ra thất thoát VLNCN, sử dụng sai mục đích gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trong những năm qua, hoạt động sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh chưa để xảy ra tai nạn hay sự cố đáng tiếc. Do đó, điều này cần phải được tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa trong thời gian tới.

Tại hội nghị tập huấn, các đối tượng được huấn luyện tập trung vào các nội dung chủ yếu là hướng dẫn kỹ thuật an toàn trong sử dụng VLNCN trên công trường; phương pháp tổ chức thi công, trình tự thi công, khởi nổ và xử lý sự cố (nếu gặp); công tác giám sát và quản lý VLNCN theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy VLNCN- QCVN 02: 2008/BCT. Bên cạnh đó, các học viên còn được nghe triển khai phổ biến những văn bản quy phạm pháp luật mới về quản lý VLNCN, như: Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20-6-2017; Nghị định số 71/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về VLNCN và tiền chất thuốc nổ; Thông tư số 13/2018/TT-BCT ngày 15-6-2018 của Bộ Công thương quy định về quản lý, sử dụng VLNCN, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất VLNCN.

Kết thúc hội nghị tập huấn, các học viên đều nhận thức rõ đây là những kiến thức cơ bản các học viên cần được trang bị để góp phần nâng cao công tác bảo đảm an toàn trong sử dụng và quản lý hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên