So tơ phím ấy “thăm” người tri âm…

Cập nhật: 06-04-2017 | 21:27:45

Có một địa điểm mà các nghệ sĩ từ 21 tỉnh, thành về Bình Dương tham dự Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần II - 2017 sẽ muốn ghé thăm, thắp nén tâm nhang là Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương. Bởi ở đó có con đường nghệ sĩ dành cho những người nổi tiếng an nghỉ…

 Các nghệ sĩ đờn ca tài tử Bình Dương tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương

 Cái tình nghệ sĩ bắt nguồn từ nghệ thuật, từ tiếng hát, lời ca, ngón đờn mà thành tri âm, tri kỷ. Để từ đó, thầy dạy trò, trò một lòng một dạ theo học thầy cho trót nghiệp đa mang.

Lần nào đến với Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương, tôi cũng ghé thăm con đường nghệ sĩ này. Bởi ở đó có nhiều người quá cố mà tôi mến mộ đang nằm yên nghỉ tại đây. Gần đây, có một buổi ghi hình, chụp ảnh nghệ thuật các nghệ sĩ của CLB Đờn ca tài tử Bình Dương ở đây như một sự tri ân những người thầy đã mất. Theo ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng Chánh Phú Hòa, những người nổi tiếng khi an nghỉ tại đây được ưu ái ở mức tối đa. Tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương có một khu vực riêng biệt dành cho các nghệ sĩ quá cố và gia đình có nguyện vọng đưa về đây. Các phần mộ ở Đường Nghệ sĩ được xây dựng nghệ thuật, tạo nên nét độc đáo riêng, không lẫn với những phần mộ xung quanh. Tại đây, mọi người có thể viếng thăm, thắp nhang cho các nghệ sĩ mình từng mến mộ như: Nhà văn Sơn Nam, đạo diễn Lê Dân, đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, nhạc sĩ Hoàng Trang, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Thanh Sơn… Riêng những nghệ sĩ nổi tiếng trong nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ có thể kể đến: Nghệ sĩ ưu tú Tư Còn, soạn giả Nhị Kiều, nhà thơ - soạn giả Kiên Giang (nghệ danh Hà Huy Hà), danh cầm đàn tranh và soạn giả Viễn Châu.

Tư Còn (Nguyễn Văn Còn) là một trong những người được phong tặng danh hiệu NSƯT đầu tiên. Ông nổi tiếng với ngón đờn kìm (nguyệt cầm), đã tạo nên sự nghiệp và tiếng tăm của ông. Những huy chương ông dành được cũng từ ngón đàn “thần sầu” này. Ông cống hiến cả đời mình cho âm nhạc tài tử và sân khấu cải lương cũng như đào tạo nhiều học trò. Trong đó có nghệ sĩ Phương Trinh (Bình Dương) vẫn gọi ông là ba với lòng ngưỡng mộ, kính mến không bao giờ vơi.

Soạn giả Nhị Kiều là người “mê cải lương mà thành soạn giả”. Bà sáng tác hơn 100 vở tuồng cải lương trong bốn mươi năm và cũng kiếm sống bằng nghề này. Những nghệ sĩ cải lương, đờn ca tài tử tri ân bà bởi những vở diễn bà “rút ruột” soạn ra. Nay, tại Linh hoa Tuệ đàn có cả một nơi trang trọng để trưng bày các tác phẩm của bà…

Nhà thơ - soạn giả Kiên Giang (nghệ danh Hà Huy Hà) cũng chọn về nằm bên người bạn cùng quê của mình là nhà văn Sơn Nam. Ngoài bài thơ phổ nhạc nổi tiếng “Hoa trắng thôi cài lên áo tím”, ông còn là tác giả của các vở cải lương: Người đẹp bán tơ (1956), Con đò Thủ Thiêm (1957), Người vợ không bao giờ cưới (1958 - với Phúc - Nguyên), Ngưu Lang Chức Nữ…

Và Viễn Châu, một danh cầm đàn tranh, cũng là soạn giả cải lương nổi tiếng. Ông được cho là người đã khai sinh ra thể loại cải lương tân cổ giao duyên và đã có công đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương danh tiếng một thời. Soạn giả Viễn Châu sinh năm 1924, ông mất vào tháng 2-2016 và cũng đã cùng bạn bè về với con đường nghệ sĩ ở đây. Chân dung soạn giả Viễn Châu còn được thờ tự rất trang trọng cạnh bàn thờ đạo diễn Lê Dân, Giáo sư Trần Văn Khê tại Linh hoa Tuệ đàn, trong khuôn viên của Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.

Sẽ rất ấm lòng, đậm tình thầy trò khi các nghệ sĩ đến đây để so tơ phím cũ, nhớ người tri âm…

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên