Sôi động thị trường lao động

Cập nhật: 18-06-2019 | 08:56:36

LTS: Do nhu cầu mở rộng sản xuất, hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đang cần lượng lớn lao động phổ thông, lao động có tay nghề. Từ đó làm cho thị trường lao động ở Bình Dương thêm sôi động. Cạnh tranh lao động, các DN đã có những chính sách đãi ngộ thu hút nguồn lao động. Đối với tỉnh Bình Dương cũng đã hỗ trợ tích cực để DN trong tỉnh có đủ lao động sản xuất.

Học sinh, sinh viên nghề cắt gọt kim loại tham gia hội thảo công nghệ gia công cơ khí chính xác do trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương phối hợp với các doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công cơ khí chính xác tổ chức.Ảnh: T.VY

Kỳ 1: Nhu cầu tuyển lao động tăng cao

Hàng ngàn lao động sẽ có việc làm với mức lương cao. Đó là thông báo về những chế độ đưa ra của các DN trong tỉnh khi đăng thông tin tuyển dụng lao động. Không chỉ tuyển vài chục, có DN hiện đang cần tuyển hàng ngàn lao động để đủ nguồn nhân lực cho sản xuất…

Tiếp đà khởi sắc

Để kịp đưa vào sản xuất cho nhà máy mới tại KCN VSIP II mở rộng, Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tuyển lao động. Chị Phạm Thị Duyên, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty, Chủ quản cao cấp xưởng 1, cho biết nhà máy 1 của công ty nằm ở KCN VSIP I đang hoạt động sản xuất ổn định với hơn 4.500 lao động. Do có nhiều đơn hàng nên công ty xây dựng thêm nhà máy mới tại KCN VSIP II mở rộng. Để đưa vào sản xuất nhà máy mới, công ty đang cần tuyển khoảng 1.000 lao động. Mặc dù đã thông báo tuyển dụng bằng nhiều hình thức, đồng thời có nhiều chế độ đãi ngộ nhưng đến thời điểm này, công ty mới chỉ tuyển được hơn 400 lao động. Số lao động này chỉ mới đủ để sản xuất 8 chuyền cho nhà máy mới.

Theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều DN “ăn nên làm ra” hiện đã xây dựng thêm nhà máy với nhu cầu tuyển dụng lên đến hàng ngàn lao động. Cụ thể như: Công ty TNHH Đại Hoa cần tuyển 1.000 lao động, Công ty TNHH SNP cần tuyển 3.000 lao động, Công ty TNHH MTV Grand Wood Việt Nam cần tuyển 1.000 lao động… Không khó để biết được nhu cầu tuyển dụng lao động cao của các DN trên địa bàn tỉnh, chỉ cần một cái nhấp chuột vào google với dòng chữ “việc làm Bình Dương” đã có hàng trăm kết quả hiện lên cho biết tên công ty tuyển dụng, chính sách ưu đãi, mức lương, vị trí việc làm, số điện thoại cán bộ nhân sự công ty…

Cơ hội việc làm cho lao động kỹ thuật

Không chỉ tuyển dụng lao động phổ thông, các DN rất cần nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật. Với số liệu thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề trong 6 tháng đầu năm 2019 chiếm 28,7%/97.000 lao động cần tuyển. Với nhu cầu tuyển dụng đó, lao động có tay nghề có nhiều cơ hội để lựa chọn được công việc phù hợp.

Nhu cầu tuyển dụng lao động cao nhưng số lượng lao động có tay nghề ứng tuyển khá ít, do đó DN phải “đỏ mắt” đi tìm được người phù hợp với vị trí công việc đang cần. Bà Phùng Thị Thắm, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Vision International (TX.Thuận An), cho biết công ty cần tuyển 50 lao động có tay nghề nhưng hầu hết hồ sơ nộp vào vẫn là lao động phổ thông. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, DN vẫn phải tự đào tạo lao động bằng cách tổ chức dạy nghề cho lao động mới.

Tình trạng không tuyển dụng được lao động có tay nghề xảy ra không chỉ ở các ngành kỹ thuật mà ở tất cả các DN và mọi ngành nghề. Không tuyển được lao động có tay nghề, kỹ thuật, các DN đã “đặt hàng” sinh viên khối kỹ thuật các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngay khi chuẩn bị tốt nghiệp nhưng cung vẫn không đủ cầu. Ông Vũ Quang Huy, cán bộ nhân sự Công ty Cổ phần Tekcom (TX.Tân Uyên), cho biết công ty cần 6 thợ bảo trì cơ khí nhưng 2 tháng nay vẫn chưa tuyển được. Thấy thông tin tìm việc của người lao động trên các trang giới thiệu việc làm, công ty gọi điện liên hệ thì họ đã xin được việc. Thật sự bây giờ để đi tìm được người có tay nghề vào làm rất khó.

Tương tự, Công ty TNHH Bel Việt Nam (KCN Sóng Thần 3), từ đầu năm đến nay liên tục tuyển lao động kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu sản xuất nhưng vẫn chưa đủ.

Cán cân “cung - cầu” lao động chênh lệch

Phân tích nguyên nhân khan hiếm lao động, nhất là lao động phổ thông, tại hội thảo cung cầu lao động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vừa tổ chức, các chuyên gia phân tích, nếu như những năm trước, lao động phổ thông từ các tỉnh đến TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai tìm việc thì đích đến của họ sẽ là các KCN, khu chế xuất hoặc các DN sản xuất. Tuy nhiên, ngày nay họ có rất nhiều lựa chọn khác. Cụ thể nhất là tham gia vào các ứng dụng công nghệ vận chuyển, giao nhận hàng… đang phổ biến hiện nay. Điều này dễ dàng nhận thấy khi trên các tuyến đường trong tỉnh, cũng như các tỉnh lân cận đâu đâu cũng thấy màu áo xanh của Grab; màu áo tím, áo nâu của các shipper…

Chia sẻ thêm nguyên nhân sự mất cân đối giữa cung và cầu trong khối lao động phổ thông đang có chiều hướng tăng, ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho rằng, một thực tế cho thấy, trước đây người dân các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên, miền Tây chỉ sống dựa vào ruộng nương, do đó họ đã ra đi đến các tỉnh miền Đông Nam bộ - nơi có KCN xin làm công nhân. Hiện nay hầu hết các tỉnh đều có KCN, nhà máy sản xuất nên thay vì xa quê hương mưu sinh nay người lao động ở lại quê nhà làm việc. Một nguyên nhân nữa đó là lực lượng lao động các tỉnh hiện nay đang có xu hướng xuất khẩu lao động. Chính vì vậy, lực lượng lao động các tỉnh miền Đông Nam bộ nói chung, Bình Dương nói riêng ngày càng thiếu hụt. (Còn tiếp)

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm (trung tâm) tỉnh, trong 6 tháng năm 2019, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN đăng thông tin tuyển dụng tại trung tâm khoảng 97.000 lao động; trong đó DN trong tỉnh tuyển khoảng 70%, còn lại là DN đến từ các tỉnh, thành lân cận như Đồng Nai, Bình Phước, Long An, TP. Hồ Chí Minh. Trung tâm đã tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm, tư vấn việc làm cho người lao động. Kết quả, tổng số người nhận được việc làm là 51,7% so với chỉ tiêu đăng ký cả năm là 45.500 lao động.

“Do vấn đề định hướng nghề nghiệp tại các trường phổ thông hiện còn nhiều bất cập, phần lớn học sinh không thích chọn học nghề, tâm lý “không thích làm thợ”. Đầu vào các trường nghề hạn chế thì xã hội thiếu lao động có tay nghề là chuyện tất yếu phải xảy ra. Vấn đề này không chỉ ở Bình Dương mà là điểm chung ở các tỉnh”.
(Ông PHẠM VĂN TUYÊN, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên