Sôi động thị trường lao động – Kỳ 2

Cập nhật: 19-06-2019 | 06:46:31

 Kỳ 2: Tăng đãi ngộ để thu hút

 Giải “cơn khát” lao động, một số doanh nghiệp (DN) đã hình thành “chân rết” ở các địa phương, tăng chế độ đãi ngộ, hạ yêu cầu tuyển dụng hay khuyến khích người lao động (NLĐ) sáng tạo cải tiến kỹ thuật để giảm bớt lao động phổ thông…

 Mở rộng kênh tuyển dụng

Nhu cầu lao động đầu năm 2019 tăng cao đồng nghĩa với việc sản xuất của các DN, nhất là những DN lớn trong tỉnh gặp nhiều thuận lợi. Số lượng đầu việc lớn và đa dạng, nhưng lượng lao động có nhu cầu tìm việc hiện nay được đánh giá là không dồi dào như trước, đã dẫn đến sự cạnh tranh trong tuyển dụng lao động. Chính vì vậy, để tuyển đủ lao động là “bài toán” khó cho DN. Không chỉ tuyển dụng nguồn lao động các tỉnh tự tìm đến Bình Dương mà một số DN đã đến các tỉnh miền Tây, Tây nguyên để tuyển lao động. Công ty TNHH Gia Công Răng Thời Đại Kỹ Thuật Số (DADL) là một điển hình. Cần tuyển hơn 100 lao động phổ thông, công ty đã chủ động liên hệ với các tỉnh để đưa lao động về làm việc tại nhà máy sản xuất ở KCN VSIP II. Ông Bùi Quang Liêm, cán bộ nhân sự công ty khẳng định: “Tại các tỉnh, chúng tôi có đội ngũ cộng tác viên tìm kiếm nguồn lao động cho mình. Với cách làm này sẽ dễ dàng tuyển đủ số lượng lao động mình cần”.

Nếu như trước đây, hồ sơ xin việc lao động phổ thông có yêu cầu lao động phải tốt nghiệp THCS, hoặc biết đọc, viết thì hiện nay những bộ hồ sơ xin việc đã “thoáng” hơn. Một số lao động đến từ các tỉnh có nhiều người không biết chữ vẫn được nhận vào, chỉ cần họ có sức khỏe để làm việc. Một số DN sử dụng chính sách tăng mức trợ cấp, ưu đãi để thu hút lao động đến với mình. Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Poh Huat Việt Nam (TX.Dĩ An), tâm sự để tuyển đủ lao động, công ty đã tăng các chế độ đãi ngộ cho NLĐ như: Hỗ trợ tiền nhà ở, nâng chất lượng bữa ăn, khen thưởng CNLĐ xuất sắc, thưởng cho NLĐ có thâm niêm… Hy vọng thời gian ngắn nữa sẽ tuyển đủ số lượng cho nhà máy mới. 


Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: T.VY

Lấy NLĐ đang làm việc tại công ty làm kênh tuyển dụng cũng là cách mà nhiều DN đang thực hiện. Một số DN khuyến khích NLĐ trong công ty giới thiệu người vào làm việc bằng cách thưởng thêm cho họ số tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng/người. Đơn cử như Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam thưởng giới thiệu 1 triệu đồng/người cho NLĐ giới thiệu bạn bè, người thân vào làm việc.

Ứng dụng công nghệ để giảm lao động phổ thông

Thay thế lao động chân tay, một số DN đã đưa ra chủ trương đầu tư máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Họ đã dùng robot thay thế sức lao động ở những khâu vận chuyển, giao hàng từ phân xưởng này đến phân xưởng khác. Nếu như trước đây, chuyển hàng cần phải có vài công nhân nay chỉ cần có robot vận chuyển bằng cảm biến. Một số DN đầu tư dây chuyền sản xuất bằng máy móc hiện đại để thay thế lao động. Đây cũng là một bước “chuyển mình” của các DN đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thay sức lao động bằng máy móc hiện đại. Tuy nhiên, khi đề cập được giới thiệu cách làm hay thì các DN từ chối vì đây là “chiêu” của họ để ổn định sản xuất. Máy móc hiện đại thì phải có người vận hành, chính vì vậy thay vì họ tuyển lao động phổ thông thì một số DN chuyển hướng tuyển dụng lao động kỹ thuật.

 Ông Bùi Tôn Hiến, Hiệu trưởng trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH): Qua những lần tổ chức hội thảo ở các tỉnh giữa Sở LĐ-TB&XH Bình Dương với DN, vấn đề thiếu lao động đang được đề cập nhiều nhất. DN không nên đứng một chỗ chờ Sở LĐ-TB&XH, hay Trung tâm Dịch vụ việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đưa lao động đến với mình mà bản thân phải thay đổi để thu hút lao động tự tìm đến với DN. Hiện nay, NLĐ có nhiều cơ hội lựa chọn nơi làm việc và họ sẽ tìm đến xin việc ở nơi nào có mức lương cao, đãi ngộ tốt.

Một số công ty lại khuyến khích cán bộ, NLĐ sáng tạo đưa ra những sáng kiến cải tiến kỹ thuật để giảm lao động trên mỗi dây chuyền sản xuất. Đối với Công ty TNHH Scancom Việt Nam (KCN Sóng Thần I), những năm qua nổi tiếng với phong trào sáng tạo với hàng chục sáng kiến cải tiến mỗi năm. Từ năm 2012 đến nay, công ty đã chọn ngày 1-7 hàng năm là Ngày hội cải tiến. Anh Lư Quang Thứ, Trưởng bộ phận quan hệ lao động công ty, cho biết sáng kiến của NLĐ rất hữu ích. Nhiều sáng kiến chỉ đơn giản là cách chỉnh máy, hay thay đổi đôi chút về công đoạn gia công đã có thể giảm bớt hàng chục lao động phổ thông cho từng dây chuyền sản xuất.

Không chỉ có Scancom, nhiều DN cũng đã sử dụng chất xám của NLĐ đưa ra các sáng kiến, cải tiến để nâng cao năng suất, tiết kiệm nguyên liệu, làm lợi cho công ty, đặc biệt là giảm bớt lao động phổ thông. Việc áp dụng những cải tiến của NLĐ vào sản xuất cũng là việc làm động viên, khuyến khích những người đam mê sáng tạo để đưa công ty ngày càng phát triển.

Chung tay gỡ khó cho DN

Hỗ trợ cho DN tuyển dụng lao động phổ thông, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm. Tại các phiên giao dịch việc làm, DN và NLĐ đã gặp nhau để tuyển dụng, xin việc. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh đưa lao động đến với DN, nhất là các tỉnh Tây nguyên. Thể hiện rõ vai trò cũng như xứng đáng với trách nhiệm là “cầu nối giữa DN và NLĐ”, trung tâm đã đẩy mạnh kết nối với câu lạc bộ nhân sự các công ty. Từ đó tạo các mối quan hệ giữa trung tâm với nhân sự của các DN, góp phần giúp DN tuyển dụng lao động.

Đối với nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn thực hiện chương trình phối hợp với các cơ sở dạy nghề đưa sinh viên năm cuối đi thực tập tại DN. Chương trình này được thực hiện từ tháng 4-2019, đến nay đã giới thiệu 450 sinh viên đến DN thực tập. Nhiều DN căn cứ kết quả thực tập và tay nghề của sinh viên giữ lại làm việc cho mình. Trung tâm còn đăng thông tin tuyển dụng miễn phí cho DN trên trang web vieclambinhduong. vn, trên Facebook, Zalo của trung tâm. Qua thông tin tuyển dụng, NLĐ chủ động liên hệ xin việc làm phù hợp. Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết sử dụng mạng xã hội đăng thông tin tuyển dụng rất hiệu quả, nhiều DN đã tìm được lao động có tay nghề một cách nhanh chóng.

Việc đưa sinh viên thực tập tại các DN cũng là cách làm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm giúp học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi rời ghế nhà trường. Đây cũng là cách làm để cung ứng lao động có tay nghề, kỹ thuật cho DN. Một trong những cách làm nữa của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là tuyên truyền thay đổi tư duy chạy theo bằng cấp của học sinh, hướng các em lựa chọn học các ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội để khi ra trường có việc làm ổn định.

“Đối với ngành lao động - thương binh và xã hội đã và đang tập trung đưa ra các giải pháp để hỗ trợ DN tuyển dụng lao động thông qua hình thức mở phiên giao dịch việc làm. Thông báo nhu cầu tuyển dụng đến các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể để tuyên truyền, phổ biến cho NLĐ cần việc làm tham gia ứng tuyển. Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động liên kết với các DN để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho DN. Về lâu dài, ngành sẽ khảo sát cung - cầu lao động để xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người và người tìm việc; kết nối giữa các cơ sở đào tạo với DN. Trên cơ sở đó, sẽ có định hướng trong phát triển thị trường lao động và đào tạo nghề”.

(Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên