Sự chuyển mình mạnh mẽ của một xã vùng sâu

Cập nhật: 21-08-2012 | 00:00:00

Đến với An Thái, huyện Phú Giáo hôm nay, ít ai biết rằng để có những ngôi nhà cao tầng khang trang là cả một câu chuyện dài về sự chuyển mình đi lên mạnh mẽ của một xã nghèo ở vùng sâu. Mấy năm trước, người ta tưởng chừng phải mất 5 - 7 lần thực hiện kế hoạch 5 năm mới đạt được như ngày nay, ấy vậy mà An Thái đã chuyển mình mạnh mẽ chỉ sau chưa đầy 2 lần thực hiện kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội...

Bước đầu còn gian khó...

Nhớ lại những ngày đầu còn gian khó khi An Thái được thành lập cách đây 7 năm (2005), ông Vũ Văn Chửng, Bí thư Đảng ủy xã An Thái (nguyên Chủ tịch UBND xã An Thái nhiệm kỳ 2005-2010), tự hào: “Thật khó tưởng tượng An Thái lại có bước chuyển nhanh và mạnh đến vậy. Những ngày đầu khi mới tái lập, mặc dù chúng tôi cũng có rất nhiều niềm tin về sức bật mới của An Thái, nhưng tiến nhanh và tiến mạnh để đạt kết quả như hôm nay quả thật là điều ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Nói thật, khi mới tái lập An Thái có xuất phát điểm rất thấp, đất rộng, người thưa, hạ tầng còn nghèo nàn. Nhìn cảnh đất đai ngút ngàn cỏ dại, lác đác đây đó mấy mái nhà ngói thấp lè tè... có lạc quan lắm chúng tôi cũng chỉ dám tự hứa với chính mình sẽ nỗ lực cho sự phát triển của địa phương trên cơ sở 4 - 5 lần của kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế. Vậy mà giờ đây An Thái đã vươn lên để trở thành điểm sáng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phú Giáo”. 

Đường giao thông liên xã đã được nhựa hóa, hai bên đường là những ngôi nhà khang trang

Sau 7 năm thành lập (2005-2012), từ một xã nghèo của huyện Phú Giáo, An Thái đã vươn lên trở thành địa phương phát triển với nhiều tiềm năng. Thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Thái đạt được hôm nay khẳng định, khi “ý Đảng hợp lòng dân” thì khó khăn không thể chặn được đà tiến bước. Ông Phạm Quốc Hữu, Chủ tịch UBND xã An Thái, cho biết: “Là địa bàn đất rộng, điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao, nên ngay từ khi được thành lập, Đảng bộ và chính quyền xã xác định tập trung phát triển nông nghiệp bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Trên cơ sở nghị quyết của Đảng bộ, Đảng ủy đã chỉ đạo cho UBND cụ thể hóa và triển khai sâu rộng đến toàn thể nhân dân nội dung nghị quyết của Đảng bộ là tập trung phát triển thế mạnh cây cao su. Để đạt kết quả cao, chúng tôi cũng chỉ đạo cho các ngành chức năng hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật nhằm tăng năng suất cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập và từng bước cải thiện đời sống của người dân”.

Và, sự chuyển mình mạnh mẽ

Để thực hiện nghị quyết Đảng bộ, người dân đã mạnh dạn thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, diện tích cây cao su không ngừng tăng lên. Hiện tại, An Thái có khoảng 1.420 ha cao su; năm 2011 thu về hơn 213 tỷ đồng, chiếm 81% trong cơ cấu kinh tế của xã. Nhờ cây cao su mà đời sống của người dân trong xã đã có sự chuyển biến rõ rệt, bộ mặt nông thôn mới từng bước được hình thành. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 5,96%; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 99%; hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt trên 98%; điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt và đời sống của nhân dân được được cải thiện rõ rệt; đường giao thông liên xã được đầu tư nhựa hóa với chiều dài 13km; 23 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài hơn 14,3km đã triển khai thực hiện.

Hạ tầng cơ sở giáo dục cũng được nâng cao, đến nay trường mầm non của xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; trường tiểu học được lầu hóa khang trang và đang hướng tới được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trong năm học 2012- 2013; số trẻ 5 tuổi ra mẫu giáo và 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; không còn học sinh (HS) nghỉ bỏ học ở khối cấp 1 và cấp 2; tỷ lệ HS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; tỷ lệ HS yếu kém ở cấp THCS và THPT giảm còn 1%; tỷ lệ HS khá giỏi cấp THCS chiếm 12%, THPT chiếm 15%. An Thái hiện đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập bậc THPT, hàng năm có từ 3 - 4 ấp đạt ấp văn hóa; số hộ gia đình đạt gia đình văn hóa từ 94% trở lên.

Theo ông Phạm Quốc Hữu, bên cạnh sự nỗ lực, đoàn kết trong nội bộ Đảng, chính quyền xã thì sự ủng hộ của nhân dân chính là điều kiện quyết định cho quá trình phát triển mạnh mẽ của An Thái trong những năm qua. Những thành tựu đó thêm một lần nữa khẳng định vai trò của nhân dân trong việc thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, việc đưa An Thái đi lên từ một xã nghèo, việc phát huy tiềm năng của một xã nông nghiệp. Cũng theo ông Phạm Quốc Hữu, trong tương lai An Thái sẽ còn phát triển mạnh hơn khi ứng dụng thành công các kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao. Đây sẽ là tiền đề để An Thái vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của An Thái đạt 13,8%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 3,8 triệu đồng/năm khi mới thành lập lên 20 triệu đồng/năm vào năm 2011 và tăng 5,5 triệu đồng so với năm 2010. Mục tiêu đến năm 2012 đạt từ 22 đến 25 triệu đồng/người/năm và đến cuối năm 2015 đạt từ 30 đến 35 triệu đồng/người/năm.

 

HOÀI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên