Sử dụng, kinh doanh hóa chất: Doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm quy định

Cập nhật: 27-03-2019 | 06:43:01

 Theo các chuyên gia, hóa chất đóng vai trò không thể thiếu trong sản xuất công nghiệp. Vì thế, với một tỉnh có ngành công nghiệp phát triển mạnh như Bình Dương thì nhu cầu sử dụng, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hóa chất là khá lớn. Tuy vậy, để bảo đảm an toàn, các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm quy định về an toàn hóa chất; cơ quan chức năng cần có quy chế phối hợp để làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng này.

Xảy ra sự cố vì chưa chấp hành nghiêm quy định

Bên cạnh mặt tích cực, việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hóa chất hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một trong những nguyên nhân gây ra các sự cố hóa chất trên địa bàn cả nước thời gian qua được cơ quan chức năng xác định là do yếu tố con người. Điển hình, vụ rò rỉ hóa chất axit nitric xảy ra ngày 25-3 vừa qua trên đường Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An là lời cảnh báo cho doanh nghiệp về ý thức chấp hành an toàn hóa chất trong vận chuyển, sử dụng loại hóa chất nguy hiểm này.

Ngay khi sự cố nói trên xảy ra, chính quyền địa phương đã liên lạc và phối hợp với lực lượng chức năng như Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường… nhanh chóng có mặt, xử lý kịp thời vụ việc, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh. Bước đầu kiểm tra đơn vị vận chuyển hóa chất gây rò rỉ nói trên của lực lượng chức năng cho thấy đơn vị chưa xuất trình được giấy phép vận chuyển hóa chất. Điều này cho thấy ngay cả đơn vị vận chuyển và đơn vị thuê vận chuyển hóa chất đều không ý thức rõ sự nguy hại của hóa chất.

Lực lượng chức năng xử lý sự cố rò rỉ hóa chất xảy ra tại phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An ngày 25-3 vừa qua. Ảnh: TIỂU MY

Ông Phan Hồng Việt, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường Sở Công thương, cho biết thời gian qua sở thường xuyên tổ chức diễn tập, tập huấn công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp trong ứng phó sự cố hóa chất, nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật nhằm ngăn ngừa không để sự cố xảy ra, cũng như tích cực tham gia ứng phó khi sự cố xảy ra. Sau các buổi diễn tập, tập huấn, sở luôn yêu cầu doanh nghiệp rà soát, sửa đổi, bổ sung cập nhật các bước xử lý đối với các tình huống trong kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cho phù hợp với thực tế theo quy định của Luật Hóa chất, Nghị định 113 của Chính phủ.

Ông Việt cho biết thêm, ngoài việc tổ chức tập huấn, diễn tập, thời gian qua Sở Công thương còn tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh, sử dụng, vận chuyển hóa chất trên địa bàn. Hiện nay, các quy định pháp luật về việc phòng ngừa, xử lý, cấp giấy phép vận chuyển, kinh doanh hóa chất… đều đã có, doanh nghiệp cần thiết kế kế hoạch kiểm soát, phòng ngừa rủi ro hóa chất cho phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể, doanh nghiệp cần liệt kê danh sách hóa chất và khối lượng tồn trữ tối đa tại một thời điểm; kiểm soát đường đi của hóa chất; kiểm soát sức khỏe định kỳ của người lao động, đào tạo an toàn hóa chất định kỳ... Việc lập kế hoạch này nhằm hướng tới nâng cao khả năng phòng ngừa, xử lý khi có tình huống xảy ra, đồng thời mang lại lợi ích cho chính bản thân doanh nghiệp, cộng đồng.

Siết chặt quản lý

Hiện nay, Luật Hóa chất quy định chặt chẽ, đòi hỏi doanh nghiệp sử dụng, buôn bán, kinh doanh vận chuyển phải thiết kế các hạng mục kiểm soát sự cố hóa chất (kho bãi, mạng lưới an toàn…). Tuy vậy, trên thực tế, không phải doanh nghiệp kinh doanh hóa chất nào cũng tuân thủ nghiêm quy định.

Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho biết sau khi sự cố nói trên xảy ra, ông đã chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp với các cơ quan hữu quan, tham vấn chuyên môn từ các công ty chuyên nghiệp để đề xuất phương án xử lý sự cố hóa chất một cách hiệu quả, an toàn, tránh để ảnh hưởng đến đời sống người dân và môi trường xung quanh. Sau sự cố này, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, diễn tập, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hành, rút kinh nghiệm nếu trong trường hợp xảy ra sự cố lớn ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Mục đích của các giải pháp này nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng về hóa chất, từ đó chấp hành nghiêm quy định của Luật Hóa chất.

Ông Dành cho biết thêm, tới đây, sở sẽ đề xuất với các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, sử dụng và vận chuyển hóa chất trên địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm bảo đảm an toàn môi trường, tính mạng của người dân. Về phía doanh nghiệp, cần làm tốt công tác bảo đảm an toàn khi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hóa chất.

 “Tới đây, sở sẽ đề xuất với các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, sử dụng và vận chuyển hóa chất trên địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm bảo đảm an toàn môi trường, tính mạng của người dân. Về phía doanh nghiệp, cần làm tốt công tác bảo đảm an toàn khi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hóa chất”.

(Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương)

 

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên