Sử dụng năng lượng sạch: Nhiều doanh nghiệp quan tâm 

Cập nhật: 02-12-2015 | 09:01:03

Những năm gần đây, việc sử dụng năng lượng xanh, sạch vừa bảo vệ môi trường (BVMT) vừa giúp tiết giảm được chi phí sản xuất cho doanh nghiệp (DN) góp phần cho các cam kết chống biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được một số đơn vị ở Bình Dương quan tâm.

Hệ thống các panner năng lượng mặt trời góp phần tiết giảm khoảng 30% lượng điện tiêu thụ cho tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương

Quan tâm nguồn năng lượng sạch

Ngày 26-11, Sở Công thương tỉnh phối hợp cùng Công ty Điện lực Bình Dương và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) tổ chức hội thảo Đầu tư dự án tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO. Hội thảo lần này nhằm góp phần định hướng DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương sử dụng năng lượng an toàn - tiết kiệm - hiệu quả và tuyên dương các DN sử dụng năng lượng tiết kiệm trọng điểm. Tham gia hội thảo có hơn 200 đại biểu là đại diện các DN trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cơ hội để các DN kết nối và cập nhật những thông tin giá trị, đáp ứng chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng, tăng cường thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị 171 về việc tăng cường tiết kiệm điện của Thủ tướng Chính phủ.

Giải pháp sử dụng nước nóng năng lượng mặt trời theo mô hình ESCO được đại diện SolarBK trình bày cụ thể để các DN lựa chọn. Trong đó có mô hình chia sẻ tiết kiệm và mô hình cam kết tiết kiệm, giúp tiết kiệm ít nhất 60% chi phí nhiên liệu cho nước nóng, gia nhiệt so với sử dụng điện.

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Marketing SolarBK cho biết, trong giai đoạn đầu dự án ESCO sẽ hỗ trợ DN, tổ chức có nhu cầu sử dụng tối thiểu 5.000m3/ngày đêm. Mô hình dịch vụ nước nóng năng lượng mặt trời ESCO do liên doanh EVN và SolarBK đầu tư hệ thống, DN chỉ phải chi trả trên lượng nước nóng thực tế sử dụng với giá thành tiết kiệm tối ưu. Trong tương lai sẽ tiếp tục hỗ trợ DN trong việc xây dựng hệ thống pin năng lượng mặt trời hòa lưới để góp phần tiết giảm chi phí sản xuất cho DN.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều DN tại Bình Dương hiện rất quan tâm không chỉ dự án theo mô hình ESCO mà họ rất quan tâm trong việc đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời nhằm góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, chi phí giá thành đầu tư và điều kiện mặt bằng để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời… vẫn còn nhiều bất cập khiến nhiều DN băn khoăn.

Lợi ích thiết thực

Trung bình 1kWp pin mặt trời (kWp là đơn vị đo lượng năng lượng sinh ra thường sử dụng cho các thiết bị năng lượng mặt trời, 1kWp = 1.000Wp) cần một diện tích khoảng 9m2 và có khả năng sản xuất ra 4 - 5kWh/ngày, tức 150kWh/tháng. Dòng điện sinh ra từ hệ thống sẽ được sử dụng cho các thiết bị điện trong nhà giống như điện từ lưới điện

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, việc thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, thế nhưng việc tiết kiệm điện trong sinh hoạt, sản xuất của một bộ phận DN và người dân vẫn chưa thật sự triệt để. Do đó, việc sử dụng nhiều năng lượng sẽ làm tăng chi phí sản xuất và chi tiêu trong gia đình vừa gây lãng phí nguồn tài nguyên và có những tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Cũng theo ông Hữu, trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là chủ trương, chính sách của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Khó khăn của các DN hiện nay là thiếu thông tin, không thể tiếp cận công nghệ, nhất là nguồn chi phí đầu tư cho lĩnh vực sử dụng năng lượng sạch theo công nghệ mới nhiều DN chưa mạnh dạn đầu tư trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. “Có thể nói, liên doanh ESCO ra đời đã giúp nhiều DN tiết giảm, không cần bỏ chi phí đầu tư, thay vào đó giá trị sinh lợi từ việc tiết kiệm được chia sẻ cho nhà đầu tư và DN”, ông Nguyễn Văn Hữu chia sẻ.

Cuối năm 2014, khi Tòa nhà hành chính tập trung của tỉnh đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống điện năng lượng mặt trời do SolarBK thiết kế đã nói lên sự quan tâm của tỉnh nhà trong việc hưởng ứng việc tiết kiệm, sử dụng năng lượng sạch để BVMT, chống BĐKH. Bước đầu, hiệu quả tiết kiệm điện của hệ thống tuy chỉ đáp ứng 30% nhu cầu điện, nhưng thật sự có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần tiết kiệm, BVMT.

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Marketing SolarBK cho biết thêm, Tòa nhà hành chính tỉnh Bình Dương được SolarBK thiết kế, lắp đặt hệ thống điện sử dụng năng lượng mặt trời theo giải pháp nối lưới (grid-tie). Tòa nhà được lắp đặt 120 tấm PV có công suất 31.2kwp, cung cấp 30% nhu cầu về điện cho toàn bộ tòa nhà. Trung bình mỗi ngày hệ thống cung cấp 124,78kWh và hàng năm tương đương 45.545kWh.

Theo tính toán của các chuyên gia, chi phí đầu tư ban đầu trung bình cho 1kWp điện (tương đương cung cấp trung bình 4 - 5kWh/ngày trong điều kiện nắng lý tưởng 5 giờ/ngày) vào khoảng 3.000 USD và con số có thể dao động tùy theo vùng miền, hạ tầng, yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu giải pháp. Chi phí này cũng chưa bao gồm các thiết bị phụ trợ như hệ thống inverter, accu, cảm biến, dây dẫn…

Trước những yêu cầu bức thiết trong việc chống BĐKH, việc ứng dụng công nghệ khai thác nguồn năng lượng xanh, sạch và gần như vô tận như năng lượng mặt trời đã mở ra một giải pháp để con người đi đến những thành công trong nỗ lực góp phần chống BĐKH. Hy vọng, công nghệ ngày càng giúp giảm giá thành, chi phí đầu tư để nguồn năng lượng này ngày càng đem lại lợi ích cho DN và người dân; đồng thời góp phần BVMT sống.

.

 

 MINH DUY

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên