Sự kiện nước Anh rời EU: Cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương không quá lo lắng 

Cập nhật: 28-06-2016 | 07:44:50

Sự kiện nước Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) - Brexit sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6 vừa qua có những tác động không tốt đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương nói riêng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn không quá lo lắng, vì tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Anh không nhiều.

 Có ảnh hưởng nhưng không lớn

Quan hệ đầu tư thương mại giữa Anh và Việt Nam đã có những bước phát triển rất tốt kể từ khi hai bên ký kết Hiệp định quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 9-2010. Theo một thống kê gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đạt tăng trưởng gần 17% trong giai đoạn 2008-2015; riêng trong năm 2015 đạt mức kỷ lục 4,65 tỷ USD, tương đương 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào EU trong cùng năm. Việt Nam đã duy trì thặng dư thương mại với Anh ở mức 3,9 tỷ USD trong năm 2015 và 1,7 tỷ USD tính từ đầu năm 2016 đến nay.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Brexit có ảnh hưởng không đáng kể đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương. Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty Kaiser (TX.Bến Cát). Ảnh: XUÂN THI

Một con số đáng chú ý khác là gần 47% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh là điện thoại, máy tính, các linh kiện và thiết bị điện tử khác. Tuy nhiên, ở nhóm mặt hàng này thì Việt Nam lại phụ thuộc phần lớn vào các nhà sản xuất đa quốc gia như Samsung, Sony... hơn là thỏa thuận thương mại ở cương vị quốc gia giữa Việt Nam với Anh. Vì vậy, việc Anh rời khỏi EU cũng không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta. Đối với tỉnh Bình Dương, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là da giày, gỗ, dệt may… Theo một chuyên gia hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thì tác động của Brexit đến hoạt động xuất khẩu của Bình Dương là không lớn, bởi những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh sang các nước châu Âu tuy lớn nhưng vào nước Anh lại khá khiêm tốn.

Bà Đỗ Thị Kim Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty gỗ Sao Nam (TX. Tân Uyên) cho biết: “Đến nay, chúng tôi chưa có thống kê đầy đủ về lượng hàng hóa của hơn 500 thành viên hiệp hội xuất sang thị trường Anh nhưng theo tôi nắm được thì con số này rất khiêm tốn. Đối với doanh nghiệp chúng tôi, chỉ khoảng 5% sản phẩm xuất sang thị trường Anh, nên dù thị trường năm tới được dự báo sẽ khựng lại đôi chút do sức mua giảm nhưng không gây khó khăn nào lớn”. Cũng theo bà Loan, tuy có chút lo lắng về vấn đề tỷ giá khi đồng bảng Anh và đồng euro giảm giá trị dẫn đến sức tiêu thụ của thị trường chung châu Âu ảnh hưởng nhưng không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu xuất khẩu của công ty.

Đồng quan điểm này, bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần may Quốc Tế (TX. Bến Cát) đánh giá: “Hàng may mặc của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng tuy xuất khẩu sang thị trường châu Âu khá nhiều nhưng tập trung vào Nga và Đông Âu. Chính vì thế, tác động của Brexit đến ngành dệt may rất nhỏ. Đặc biệt, đối với chính thị trường Anh thì lượng hàng hóa của ngành dệt may Việt Nam, theo tìm hiểu của chúng tôi là không nhiều”.

Biến thách thức thành cơ hội

Thực tế cho thấy, dù đà tăng trưởng đầu tư, thương mại song phương diễn ra khá mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng hàng hóa từ Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng xuất khẩu sang Anh chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015. Về cán cân nhập khẩu, Tổng cục Thống kê mới đây đã công bố cho thấy tỷ trọng nhập khẩu từ Anh chỉ chiếm khoảng 4% tổng nhập khẩu vào Việt Nam nên tỷ trọng này cũng không gây ra biến động lớn từ việc Anh rời EU.

Một số chuyên gia kinh tế tỏ ra lo lắng việc Anh rời khỏi EU thì những thỏa thuận liên quan đến Hiệp định thương mại tự do EU và Việt Nam sẽ phải bàn lại. Theo đó, do có rất nhiều thỏa thuận phức tạp nên việc đàm phán có thể phải bắt đầu lại một cách riêng rẽ giữa Việt Nam với Anh và Việt Nam với EU. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các vòng đàm phán này đối với cán cân xuất nhập khẩu, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU là không lớn bởi hai bên đã tuyên bố cơ bản kết thúc vòng đàm phán vào ngày 4-8-2015 nên khả năng phải đàm phán lại là không cao.

Trong khi đó, ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, phía Tổng cục Thống kê cho biết, việc Anh chính thức rời khỏi EU chỉ tác động mạnh đến EU, Mỹ, các thị trường lớn ở châu Á như Nhật Bản..., còn Việt Nam thì không bị ảnh hưởng nhiều vì nước ta chỉ đang trong quá trình hội nhập với thế giới. Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, tất nhiên Brexit cũng có tác động nhất định đến kinh tế nước ta, nhưng hiện tại thì chưa thể đánh giá được.

Ở một góc nhìn khác, các doanh nghiệp Bình Dương tỏ ra không quá lo lắng trước sự kiện Brexit. Một chuyên gia ngành ngân hàng trên tại tỉnh nhận định: “Về góc độ tài chính, chúng tôi thấy sự kiện Brexit có tác động tốt đến một số doanh nghiệp làm ăn tại Bình Dương, đặc biệt là các doanh nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh cam kết thanh toán bằng bảng Anh hoặc Euro. Việc 2 đồng tiền này giảm giá đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ nhẹ gánh hơn trong việc trả nợ, từ đó tạo điều kiện phát triển hơn”.

Ông Trần Thành Trọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương nhận định: “Theo tôi đánh giá, sự kiện Brexit có tác động đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của một số doanh nghiệp tại Bình Dương nhưng không lớn. Ngược lại, đối với các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị, máy móc… thường xuyên để phục vụ nhu cầu sản xuất từ Anh nói riêng và EU nói chung sẽ có những lợi thế nhất định. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp trong nước kiện toàn bộ máy hoạt động, tìm kiếm thêm thị trường mới, tiết kiệm chi phí đầu vào… để nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời gian tới”.

Có thể nói, sự kiện Brexit trong những ngày qua đã ảnh hưởng đến nền tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Cụ thể là thị trường chứng khoán trong nước đã có những biến động nhất định, nguy cơ mất giá của tiền đồng Việt Nam là có thật, dẫn đến những khó khăn cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, giữa những gam màu tối ấy, cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương vẫn tin tưởng khả năng tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu từ nay đến cuối năm và những năm tiếp theo.

 Trong một phân tích về tác động của Brexit tới nền kinh tế Việt Nam, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận xét: Xét tới các yếu tố như tăng trưởng kinh tế, Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc cùng với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không còn nhiều dư địa chính sách để giữ ổn định tỷ giá. Hơn nữa, lựa chọn giữ tỷ giá sẽ cần phải đánh đổi bằng thiệt hại về nguồn dự trữ ngoại hối. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng dù đang khá dồi dào nhưng có thể sẽ nóng trở lại khi ngân hàng sẽ phải bán ra lượng tiền đồng lớn để mua và củng cố trạng thái ngoại tệ khi các rủi ro từ phía thế giới tăng lên.

Dù người Anh đã quyết “dứt áo” ra khỏi EU nhưng cũng phải mất 2 - 3 năm nữa quyết định này mới có hiệu lực chính thức. Và đây là khoảng thời gian được các chuyên gia nhấn mạnh là “cơ hội vàng” để các doanh nghiệp xuất khẩu cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng, gia tăng tính cạnh tranh cho từng mặt hàng xuất khẩu sang EU, Anh…

M.NGUYỄN

 

 KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên