Sự vận động và phát triển của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở qua hai thập kỷ

Cập nhật: 17-03-2015 | 09:06:46

Từ phong trào “Xây dựng đời sống mới”

Sau cách mạng tháng 8-1945, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào Xây dựng đời sống mới. Đến năm 1947, tác phẩm Đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xuất bản. Có thể nói, mọi tư tưởng, nội dung, phương pháp của phong trào “Xây dựng đời sống mới” đều được đút kết cô đng, hàm súc trong tác phẩm này.

Ở lời tựa của tác phẩmĐời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong lúc kháng chiến cứu quốc chúng ta phải đồng thời kiến quốc. Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc”. Hồ chủ tịch cũng khẳng định xây dựng đời sống mới không có nghĩa là bỏ tất cả cái cũ để làm cái mới cần phải biết chọn lọc để đào thải những cái xấu, cải tiến những gì không còn phù hợp trong xã hội hiện tại, giữ gìn và phát huy những cái cũ mà tốt, tiếp nhận và phát triển những cái mới mà có lợi cho dân, cho nước. Thực hành xây dựng đời sống mới là trách nhiệm của mọi thành viên trong cộng đồng xã hội. Nó bắt nguồn từ cá nhân mỗi người rồi mới đến gia đình, làng xã. Bởi cá nhân là gốc của gia đình, mà gia đình là gốc của làng xã, làng xã lại là gốc của quốc gia, đất nước. Vì vậy, việc xây dựng đời sống văn hóa mới phải xuất phát từ mỗi con người cụ thể.

Ở phương diện tinh thần cá nhân, xây dựng đời sống mới là rèn luyện các đức tính Cần, Kiệm, Liêm, Chính và tất cả phải luôn gắn với việc tăng gia sản xuất - một bộ phận không thể tách rời của quá trình xây dựng đời sống mới. Bởi muốn tăng gia sản xuất, mọi người phải Cần, phải Kiệm. Không Cần thì phí thời giờ nhiều mà sản xuất được ít. Không Kiệm thì làm được bao nhiêu dùng hết bấy nhiêu, rút cục cũng như sản xuất được ít. Tăng gia sản xuất ích riêng cho mình mà cũng ích chung cho cả nước. Nếu tham lam ích kỷ - nghĩa là không Liêm, không Chính thì không thể phát đạt việc tăng gia sản xuất. Đó chính là biểu hiện sâu sắc và trực tiếp nhất của tình yêu tổ quốc của mỗi con người.

Ở phương diện các hành động cá nhân, xây dựng đời sống mới là thực hành việc là ăn, mặc, ở, đi lại, làm sao cho văn minh, tiên tiến; việc gì có lợi cho đất nước phải ra sức làm, việc gì hại cho đất nước phải hết sức tránh. Thực hiện xây dựng đời sống mới trong gia đình là xây dựng một gia đình trên thuận, dưới hòa; mọi thành viên trong gia đình luôn bình đng, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, không thiên tư, thiên ái; về vật chất từ ăn mặc, đến việc làm, tiêu pha đều có kế hoạch, ngăn nắp; cưới hỏi giỗ tết nên đơn giản tiết kiệm; quan tâm tới con cái, đến việc tu dưỡng học hành, kỷ cương nề nếp; giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình đẳng.

Đối với phạm vi cộng đồng làng xã, để thực hiện xây dựng đời sống mới, cần phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của mỗi công dân; phải chấm dứt các tệ nạn xã hội như say sưa, cờ bạc, hút sách, trộm cắp, đĩ điếm; phải tìm cách làm cho làng đạt chuẩn mực về thuần phong mỹ tục.

Đến phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Xác định xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (năm 1982) đã khẳng định phải đưa văn hoá thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của nhân dân ở cơ sở, bảo đảm mỗi nhà máy, công trường, nông trường, đơn vị lực lượng vũ trang, công an nhân dân, cơ quan trường học… đều có đời sống văn hóa. Quán triệt tinh thần trên, Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) khi đó đã chủ trương phát động trong cả nước phong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở theo kế hoạch 5 năm (1981-1985). Chương trình có những nội dung, chỉ tiêu rõ ràng với 6 nhiệm vụ công tác chuyên ngành được xác định là: Thông tin cổ động, văn  nghệ quần chúng, đọc sách báo và thư viện, nếp sống văn hóa, giáo dục truyền thống, hoạt động nhà văn hóa - câu lạc bộ.

Trong bối cảnh đó, cả nước cũng được chia thành các cụm tỉnh, thành thuộc từng khu vực có hoàn cảnh, địa lý tương đồng để thi đua với nhau, tự đánh giá kết quả, tiến hành kiểm tra chéo cả 3 lĩnh vực là xây dựng phong trào, xây dựng bộ máy và xây dựng thiết chế văn hoá. Càng về sau, khi cơ chế quản lý theo lối hành chính, bao cấp cũ dần bị phá vỡ, đồng thời thực tiễn nảy sinh vấn đề tự chủ về kinh tế, vấn đề xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở cũng như hoạt động văn hóa nói chung cần phải thực hiện theo hướng xã hội hóa mà ban đầu gọi là nhà nước và nhân dân cùng làm. Xác định đây là một công tác rất quan trọng, nên ngay từ đầu, Bộ Văn hóa Thông tin đã thành lập một bộ phận thường trực kiêm nhiệm công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Sau đó, do tầm quan trọng của công tác này ngày càng được khẳng định qua thực tiễn, cơ quan này được giao hẳn về Cục Văn hóa. Từ đó, phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở tiếp tục được phát triển hoàn thiện; hệ thống  thiết chế văn hoá thông tin ở cơ sở từng bước được xây dựng để đáp ứng cho nhiệm vụ mới.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa thông tin, tính đến năm 1999, cả nước có 833 thiết chế văn hoá thông tin cơ sở, trong đó có 76 Trung tâm Văn hóa thông tin, Nhà Văn hóa (hoặc thể thao) cấp quận huyện, 597 Đài Thông tin lưu động các cấp và 19.535 đội văn nghệ quần chúng các loại. Nhờ có các cơ sở vật chất và phương tiện chuyên dùng được tạo dựng trong thời gian đó đã góp phần quyết định tới việc nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân ở khắp mọi miền tổ quốc. Bên cạnh đó, các hoạt như liên hoan thông tin lưu động, hội diễn văn nghệ quần chúng, lễ hội hoặc tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật ở địa phương hay vùng miền nở rộ, ngày càng sâu đậm bản sắc dân tộc với những khai thác, chọn lọc sáng tạo, đáp ứng nhu cầu giao lưu, hội nhập của thời kỳ đổi mới của đất nước và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một trong những thành tựu đáng kể nhất trong giai đoạn sau Đại hội V là công tác xây dựng Làng văn hóa. Phong trào này thực sự phát triển từ cơ sở lên, đi từ không đến có, bởi lúc đầu là tự phát, làm “chui’’ ở một số địa phương, chủ yếu là ở một số tỉnh khu vực Đồng bằng Bắc bộ như Nam Định, Hà Tây, Hà Bắc…. Sau  Hội nghị Đổi mới công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ năm 1991-1992, cuộc vận động xây dựng làng văn hóa chính thức được Bộ Văn hóa thông tin phát động từ 20 làng văn hóa được ghi nhận ban đầu năm 1991. Qua thời gian, phong trào đã phát triển rộng khắp cả nước với những tên gọi khác nhau  là ấp văn hóa, bản văn hóa, thôn văn hóa… Ở đô thị có khu phố văn hóa nay là tổ dân phố văn hóa như chúng ta thấy ở khắp mọi miền từ Bắc chí Nam. Đó là một phần trong những kết quả của quá trình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thời gian qua. Điều đáng lưu ý ở đây là phong trào làng văn hóa khởi phát từ nông thôn, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người nông dân với 80% dân số cả nước, phục vụ có hiệu quả cho mặt trận nông nghiệp từ đói kém đã trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 3 trên thế giới. Xây dựng làng văn hóa hỗ trợ đắc lực cho việc xây dựng gia đình văn hóa vốn ra đời trước đó. Cả 2 việc xây dựng làng văn hóa và gia đình văn hóa có tác động tích cực lẫn nhau, tạo nên một môi trường văn hóa lành mạnh cần thiết ở hai cơ sở được coi là tế bào của xã hội.

Nhìn chung, thế mạnh các nội dung hoạt động của phong trào văn hóa lớn ở thời kỳ này đều có sự gắn kết các nhân tố kinh tế - văn hóa - chính trị với nhau và lấy nhân tố văn hóa làm động lực thúc đẩy. Ở nội dung xây dựng gia đình văn hóa, nhân tố kinh tế là xây dựng gia đình ấm no, nhân tố chính trị là thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, kế hoạch hóa gia đình và nhân tố văn hóa là xây dựng gia đình hòa thuận, tiến bộ, khỏe mạnh và hạnh phúc, có tinh thần đoàn kết, tương trợ trong cộng đồng dân cư. Với xây dựng làng (bản, ấp, khu phố…) văn hóa, nhân tố kinh tế là có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, nhân tố chính trị là thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật, các chính sách kinh tế-xã hội của Nhà nước, còn nhân tố văn hóa là có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, có môi trường cảnh quan sạch, đẹp, an toàn, có khu vui chơi giải trí và hoạt động văn hóa, thể thao.

Sự phát triển toàn diện của công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Mặc dù công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã đạt được nhiều thành tựu trước đó, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu xây dựng đất nước trong hoàn cảnh mới, Nghị quyết Trung ương 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII năm 1998 đã đề ra chiến lược xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 nhóm giải pháp, trong đó giải pháp có tính then chốt là  mở cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đây có thể nói là thời điểm khai sinh ra cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đến tháng 4-2000, kế hoạch triển khai thực hiện phong trào được Trưởng Ban chỉ đạo phong trào công bố. Bản chất của phong trào này là giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa sạch - đẹp - an toàn, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở; làm cho phong trào lan tỏa, thấm sâu vào từng gia đình và toàn xã hội, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, hướng tới một xã hội thực sự văn minh. Cuộc vận động này được cụ thể bằng 7 phong trào cụ thể, gồm: Phong trào người tốt, việc tốt, xây dựng các điển hình tiên tiến; phong trào xây dựng gia đình văn hóa; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng làng, bản, ấp, khu phố văn hóa; phong trào xây dựng công sở, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang… có nếp sống văn hóa; phong trào toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại và phong trào học tập, lao động sáng tạo

Đến năm 2001, trong báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta lại nhấn mạnh “Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân triển khai phong trào mạnh hơn nữa; mở rộng và nâng cao hiệu quả cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hóa, phong trào người tốt, việc tốt, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hóa đồi trụy, độc hại.

Nhờ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cơ quan hữu quan từ Trung ương đến địa phương, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai sâu, rộng trên phạm vi toàn quốc. Nhờ đó, đã góp phần đưa Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và kết luận Hội nghị Trung ương 10 khóa IX về văn hóa vào cuộc sống, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa, về nhân tố con người, về ý nghĩa của việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, những kết quả của phong trào này đã làm chuyển biến tích cực các lĩnh vực văn hóa- kinh tế- xã hội, góp phần ổn định chính trị, xây dựng nền tảng tinh thần cho một xã hội phát triển. Bên cạnh đó, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa  đã phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp, những giá trị nhân văn luôn luôn đổi mới, sáng tạo, làm giàu có và phong phú các hoạt động văn hóa trong mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng và cá nhân, hình thành những chuẩn mực văn hóa, tăng sức “đề kháng” chống lại các quan điểm sai trái, các tệ nạn xã hội và sản phẩm văn hóa độc hại, nâng cao tố chất và phát huy nguồn lực con người, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Thay lời kết

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một phong trào lớn, có sự vận động và phát triển trong suốt hai thập kỷ, liên quan đến nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... Trong đó, xây dựng thật tốt nếp sống văn hóa trong toàn xã hội là mục đích lớn nhất của phong trào. Cuộc vận động đã tạo nên sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Đó là kết quả từ sự phối hợp “ăn ý” của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền đoàn thể; sự củng hộ, tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân để văn hóa thực sự là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ từng căn dặn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế như phong trào phát triển chưa đồng đều giữa các khu vực địa lý, dân cư; còn thiên về bề nổi chưa coi trọng chiều sâu, chất lượng chưa tương xứng với số lượng; hiệu quả của phong trào ở nhiều nơi còn thấp. Nhiều vấn đề bức xúc như tổ chức việc cưới, việc tang còn lãng phí, hiện tượng mê tín dị đoan, ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật chưa bị đẩy lùi… Cùng với đó, Ban chỉ đạo phong trào một số nơi hoạt động yếu kém, còn nặng tính hành chính, sự phối hợp giữa các thành viên trong Ban chỉ đạo thiếu chặt chẽ; công tác tuyên truyền chưa liên tục, đậm nét. Cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư nguồn lực cho phong trào và vẫn còn tư tưởng phó mặt cho ngành văn hóa - thông tin và Mặt trận Tổ quốc… Những hạn chế này cần được khắc phục để phong trào có thể đạt kết quả cao hơn, góp phần đưa đất nước và con người Việt Nam lên một tầm cao mới cùng thời đại.

Trần Thị Kim Thoa (Đại học Văn hóa TP.HCM)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên