Sức khỏe cho mùa hè

Cập nhật: 18-06-2010 | 00:00:00
Sau một năm học tập căng thẳng, các em bắt đầu được nghỉ hè, được tham gia các chuyến du lịch cùng gia đình, tham gia các buổi cắm trại, píc-níc với bạn bè, hay về quê ngoại, quê nội tắm sông, tắm suối... Hè cũng là thời điểm các em được cha mẹ cho đi kiểm tra sức khỏe, điều trị các bệnh mà không tiện thực hiện trong năm học như cắt amidan, nạo VA, phẫu thuật cắt bao qui đầu, thoát vị bẹn... Tất cả các yếu tố trên đã tạo nên những nét đặc trưng của bệnh lý trẻ em trong dịp hè. Vậy những đặc điểm đó là gì?

1. Số lượt bệnh nhi đến khám bệnh sẽ gia tăng. Đây là diễn biến bình thường và nằm trong dự đoán của bệnh viện. Nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng khám, điều trị và rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, đặc biệt là các bà con ở tỉnh xa như tiếp nhận bệnh nhân sớm hơn, tăng cường bác sĩ cho các phòng khám, bác sĩ có mặt đúng giờ, khám theo hẹn, cải tiến quy trình nhận và trả kết quả xét nghiệm.

2. Lưu ý các trường hợp tai nạn, ngộ độc. Số liệu thống kê của những năm trước cho thấy, các bệnh như ngạt nước (chết đuối) do tắm sông, suối, ong đốt do chọc phá tổ ong, rắn cắn, điện giật thường tập trung vào dịp hè. Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý, nhắc nhở các cháu đề phòng các tai nạn trên.

3. Cảnh giác bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng. Bệnh tay chân miệng đang ở vào thời điểm tăng theo chu kỳ. Bệnh thường diễn biến nặng ở các trẻ dưới 5 tuổi. Phát hiện kịp thời các dấu hiệu nặng giúp điều trị thành công, hạn chế tử vong. Vì vậy, phụ huynh có con bệnh tay chân miệng cần theo dõi các dấu hiệu sau: giật mình, hốt hoảng, sốt cao, ói nhiều, run tay, chân hoặc da nổi vân tím. Nếu thấy một trong những biểu hiện trên thì lập tức đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần đề phòng bệnh SXH do trời bắt đầu mưa. Cần dọn dẹp các ổ nước đọng và các vật chứa nước quanh nhà là nơi sinh sản của muỗi vằn truyền bệnh SXH. Trẻ sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên cần đưa đến cơ sở y tế khám để phát hiện bệnh SXH kịp thời.

4. Ngộ độc nước tro tàu trong dịp mùng 5 tháng 5. Hoàn cảnh xảy ra ngộ độc là do trẻ uống nhầm nước tro tàu do người nhà đựng trong các chai nước suối. Trẻ thấy chai nước suối đựng nước tro tàu tưởng nhầm “chai nước” và lấy uống. Vì vậy, phụ huynh không nên sử dụng chai nước suối để chứa các chất lỏng có thể gây ngộ độc như xăng, dầu hôi, thuốc rầy, nước tro tàu.

Th.s - B.S. Lê Nguyễn Thanh Nhàn

(BV Nhi đồng 1, TP.HCM)
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên