Sức sống ở thành phố mới Bình Dương

Cập nhật: 05-09-2017 | 08:36:42

Bài 1: Đổi thay nhanh chóng  

Cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp mới, hạ tầng giao thông hiện đại, phát triển đô thị mới đã nhanh chóng biến cánh đồng Bàu Bèo hoang vắng, đầm lầy năm xưa thành đô thị thành phố mới Bình Dương khang trang, hiện đại.

Diện mạo đô thị mới

Những ngày này, đi trên con đường huyết mạch Mỹ Phước - Tân Vạn mọi người sẽ dễ nhận thấy sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất này. Đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng tuyến đường này đã trở thành trục đường chính từ Bình Dương đi TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, các tỉnh Tây nguyên. Rẽ vào đường Phạm Ngọc Thạch vừa được nâng cấp mọi người có thể vào trung tâm thành phố mới Bình Dương rất nhanh chóng. Bên cạnh đó, hệ thống xe buýt Becamex - Tokyu đã được vận hành đưa vào sử dụng kết nối TP.Thủ Dầu Một hiện hữu với thành phố mới Bình Dương, với tần suất 10-15 phút/chuyến. Trong thời gian tới, hệ thống xe buýt này tiếp tục được đầu tư mở rộng kết nối thành phố mới Bình Dương với TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên và đường Mỹ Phước - Tân Vạn. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho Công ty Becamex - Tokyu nghiên cứu lập quy hoạch các cụm đô thị kết hợp các trạm dừng xe buýt (TOD) trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn nhằm kết nối thành phố mới Bình Dương với bến xe Miền Đông, tuyến metro Bến Thành- Suối Tiên; sau năm 2020 sẽ nghiên cứu chuyển sang tuyến metro để nâng cao khả năng kết nối vùng.

Công viên thành phố mới Bình Dương - điểm lựa chọn vui chơi yêu thích của nhiều người dân trong tỉnh và khu vực lân cận. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Thành phố mới Bình Dương hiện nay, từ hạ tầng điện, nước đến thông tin liên lạc đã được đầu tư đồng bộ; hệ thống chiếu sáng được ngầm hóa; trên các trục đường đều có hệ thống chiếu sáng. Trong thành phố mới đã được đầu tư nhà máy nước đủ để cung cấp cho toàn bộ dân cư sinh sống và làm việc tại đây. Trong khi đó, công viên trung tâm thành phố mới được đầu tư với quy mô 75 ha, là nơi vui chơi, giải trí của cư dân sinh sống ở đây và khu vực lân cận. Trong các dự án đầu tư tại đây đều bố trí cây xanh, vườn hoa, khu thể thao để phục vụ cho từng nhóm cư dân sinh sống, như dự án Khu đô thị vườn Tokyu, Khu biệt thự cao cấp Gold Land…

Về giáo dục, hệ thống trường học được quan tâm đầu tư, như trường Ngô Thời Nhiệm, trường Nguyễn Khuyến, trường Quốc tế Singapore, trường Đại học Quốc tế Miền Đông... Khu tổ hợp thể dục - thể thao Bình Dương cũng đã được xây dựng, là nơi tổ chức các sự kiện thể dục, thể thao như đua xe mô tô, cầu lông, bóng bàn, bơi lội… Về thương mại - dịch vụ, trong thành phố mới đã hình thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng như khách sạn Becamex, các nhà hàng Nhật, siêu thị mini…, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Về y tế, thành phố mới có Bệnh viện Vạn Phúc. Bên cạnh đó, tỉnh đang đầu tư xây dựng khu quy hoạch các bệnh viện tại phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một, cách thành phố mới Bình Dương khoảng 5 km…

Hơn 15 năm trước, nơi xây dựng thành phố mới Bình Dương vẫn còn là vùng đất hoang vắng. Đất rộng nhưng người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, việc phát triển hạ tầng mới với các khu công nghiệp mới, khu thương mại - dịch vụ, tạo việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nơi đây… chính là một trong những mục đích của tỉnh Bình Dương khi biến vùng đất khô cằn, đầm lầy và cỏ dại ngày nào thành một đô thị hiện đại, khang trang.

Ông Nguyễn Văn Nhàn, người dân ở khu phố 1, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một cho biết: “Trước kia, nơi đây chỉ là vùng đất thuần nông. Từ khi tỉnh giao cho Becamex IDC làm chủ đầu tư xây dựng thành phố mới Bình Dương nơi đây đã hình thành một khu đô thị hiện đại, điều mà người dân chúng tôi trước đó chưa bao giờ nghĩ đến. Quê hương đã “thay da đổi thịt”, khoác trên mình một diện mạo đô thị hoàn toàn mới. Được sinh ra và lớn lên tại vùng đất này, tôi thật sự vui mừng khi chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng của quê hương”.

Nâng cao đời sống người dân

Chị Nguyễn Thị Tuyết, ở khu phố 1, phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ, trong thành phố mới Bình Dương hiện nay đã có siêu thị, nhiều quán ăn uống lớn như khu ẩm thực Hikari, siêu thị Family, cà phê AROMA... Bên cạnh đó, các khu vui chơi, giải trí cũng được xây dựng hiện đại như khu công viên, hồ bơi, khu phức hợp thể thao…, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt tinh thần cho người dân.

Ghi nhận tại khu công viên thành phố mới chúng tôi thấy có rất nhiều bạn trẻ đến đây vui chơi cuối tuần sau những ngày làm việc, học tập vất vả. Anh Nông Văn Bộ, quê Lạng Sơn, công nhân Công ty TNHH Thảo Hà (phường Hòa Phú) phấn khởi nói: “Khu công viên này là nơi chúng em vẫn thường xuyên đến vào mỗi chiều cuối tuần. Công viên có hồ bơi, hồ cá, cây xanh, không khí lại thoáng mát, dễ chịu, vì vậy nhiều người rất thích đến đây”. Còn anh Hoàng Văn Phương, ở phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một thì chia sẻ: “Gia đình tôi ở gần Khu du lịch Đại Nam. Vợ chồng tôi làm cho một công ty gần nhà, chiều cuối tuần tôi thường đưa vợ và con đến công viên thành phố mới để vui chơi. Nơi đây có không gian rộng, sạch, đẹp và trồng nhiều cây xanh, cùng khu vui chơi dành cho các bé như đu quay, hồ bơi… nên bé nhà tôi rất thích. Khu công viên này còn có cả nơi giữ xe nên mọi người đến đây vui chơi rất an tâm”.

Là một chủ tiệm bán tạp hóa trên đường Lê Lợi, đối diện Trung tâm Hội nghị Triển lãm tỉnh, chị Huỳnh Thị Oanh cho biết vào mỗi buổi chiều, khoảng từ 16 giờ trở đi, rất nhiều người dân đến đây vui chơi, giải trí. Không chỉ vậy, các hoạt động vui chơi, ca nhạc cũng thường xuyên được tổ chức vào những tối cuối tuần, thu hút đông đảo người dân đến tham gia, thưởng thức. Bên cạnh đó, khu phức hợp thể thao cũng thường xuyên thu hút các bạn trẻ đến vui chơi...

Chị Oanh cho biết thêm, chị bán hàng nước từ khi Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh đi vào hoạt động trong thành phố mới. Bình quân mỗi tháng chị có thu nhập khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng, góp phần ổn định cuộc sống cho gia đình.

Trong ánh đèn điện chiếu sáng trên các cung đường của thành phố mới Bình Dương, chúng tôi trở về nhà trong tâm trạng phấn khởi bởi cánh đồng bèo năm xưa nay đã đổi thay nhanh chóng, trở thành đô thị có hạ tầng hiện đại, với những tòa nhà cao tầng, các dịch vụ thương mại, nhà ở xã hội có đông người lao động sinh sống... (Còn tiếp )

Ông Nguyễn Điền Trung, Bí thư Đảng ủy phường Hòa Phú cho biết, hiện toàn phường có khoảng 23.000 dân (cả thường trú và tạm trú). Trước đây, người dân chủ yếu phát triển về chăn nuôi. Từ khi tỉnh xây dựng thành phố mới Bình Dương, người dân đã chuyển đổi ngành nghề, phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, nhất là loại hình dịch vụ cho thuê nhà trọ. Hiện nay, toàn phường có gần 1.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong đó có 765 cơ sở kinh doanh nhà trọ. Trên địa bàn phường còn có các Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II, Đồng An II, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

 PHƯỜNG LÊ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên