Sydney đêm không ngủ, an ninh thắt chặt

Cập nhật: 15-12-2014 | 21:19:01

 

Khủng hoảng con tin ở Sydney kéo dài hơn 12 tiếng đồng hồ, tình hình càng trở nên căng thẳng khi truyền thông được yêu cầu không đưa tin nhiều về vụ này.

Hai con tin được cho là thoát khỏi quán cà phê Lindt - Ảnh: Getty Images

Cảnh sát bố ráp Martin Place thâu đêm

An ninh được tăng cường cao độ xung quanh quán cà phê  Lindt, nơi hàng chục con tin đang bị khống chế, trong đêm 15-12.

Hãng tin AFP cho biết, hàng trăm cảnh sát được triển khai tuần tra quanh khu vực xảy ra sự kiện này suốt đêm. Cảnh sát cam kết sẽ làm việc thâu đêm đến sáng để đàm phán với kẻ bắt cóc. Mục tiêu của chính quyền là đảm bảo cách tốt nhất để cứu đươc tất cả con tin còn lại.

Quảng trường Martin Place vốn là khu vực có nhiều cơ quan chính quyền và nhiều trụ sở hợp tác với các nước.

Đến hơn 23g (giờ Úc) chính phủ Úc vẫn tuyên bố chưa biết chắc chắn động cơ của vụ bắt cóc.

Hơn 40 nhóm Hồi giáo ở Úc ra tuyên bố chung chỉ trích vụ bắt cóc. “Chúng tôi bác bỏ mọi hành vi cố ý tước mạng sống của bất kỳ người vô tội nào hoặc hành vi gây sợ hãi cho họ” - tuyên bố chung của cộng đồng hồi giáo ở Úc viết.

Nước Úc trong tình trạng báo động cao sau khi chính phủ đưa ra quan ngại việc nhiều công dân của nước này tìm đường gia nhập các nhóm thánh chiến ở Syria và Iraq, có thể trở về Úc để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.

Báo The Australian cho biết thủ tướng Úc Tony Abbott từ Canberra triệu tập cuộc họp an ninh quốc gia để giải quyết việc bắt cóc con tin này.

Ông Abbott cho biết vụ bắt cóc có thể xuất phát từ động cơ chính trị. “Đây là một vụ đáng quan ngại. Tôi có thể hiểu mối quan tâm và lo lắng của nhân dân Úc” - thủ tướng Abbott nói.

Các nước quan ngại

Lãnh đạo các nước Anh, Canada, Mỹ, New ZeAland và Papua New Guinea thể hiện mối quan ngại của họ đối với cuộc khủng hoảng con tin ở Úc này, cho rằng vụ việc đã khiến họ lo âu.

Thủ tướng Anh David Cameron cho biết ông rất quan ngại về khủng hoảng con tin này. “Tôi đã nhận được thông tin về vụ bắt cóc ở Sydney. Tôi rất quan ngại và tôi luôn nghĩ về những người đang bị bắt cóc” - ông Cameron nói.

Từ Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi cũng chia sẻ những lo lắng của mình về vụ bắt cóc. “Vụ việc ở Syney đang làm tôi lo âu. Những hành động như thế là vô nhân đạo. Tôi cầu nguyện cho sự an toàn của tất cả mọi người” - ông Modi nhấn mạnh.

Nhà Trắng cho biết tổng thống Mỹ Barack Obama đã được thông báo vắn tắt về vụ việc. Ông Obama đã đưa vụ việc này ra để thảo luận với cố vấn chống khủng bố cao cấp của ông Lisa Monaco.

Chris Kenny, phóng viên tờ Sky News - người rời quán cà phê Lindt chỉ vài phút sau khi tay súng bắt giữ con tin cho biết có khả năng cửa kính tự động đã bị vô hiệu hóa.

Kenny nhấn mạnh đã nhìn thấy một ai đó cầm vũ khí và yêu cầu những người bên trong giơ hai tay khỏi đầu.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên