Hải quan Bình Dương :

Tạo thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp

Cập nhật: 11-04-2017 | 06:57:12

Từ ngày 1-3-2017, Cục Hải quan Bình Dương đồng loạt triển khai áp dụng 46 dịch vụ hành chính công trực tuyến bằng phần mềm của Tổng cục Hải quan tại tất cả các chi cục trực thuộc. Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa trong hoạt động của doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Tổ công tác của Cục Hải quan về triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có chuyến khảo sát, kiểm tra thực tế sau 1 tháng triển khai tại các chi cục trực thuộc, nhằm nắm bắt kết quả, ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.

Triển khai rộng rãi  dịch vụ công trực tuyến

Trước khi chính thức triển khai đồng loạt tại các chi cục trực thuộc, Hải quan Bình Dương đã tổ chức thông tin tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo gặp gỡ doanh nghiệp và công bố chính thức trên Cổng thông tin điện tử của cục về tính năng và những tiện ích của việc áp dụng thêm 46 dịch vụ công trực tuyến bằng phần mềm của Tổng cục Hải quan trong thực hiện hồ sơ hải quan. Trước đó, Hải quan Bình Dương đã chủ động xây dựng và áp dụng 37 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 vànhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông  Shinichi  Iitaka,  Tổng Giám đốc Công ty TNHH Yuma Việt  Nam  (Khu  công  nghiệp Việt Nam - Singapore II) chia sẻ, những năm gần đây Hải quan Bình Dương luôn có nhiều cả cách, đổi mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, như triển khai áp dụng khai báo thủ tục hải quan điện tử, áp dụng phần mềm kha báo một cửa quốc gia, áp dụng dịch vụ công trực tuyến... Khi chưa có dịch vụ công trực tuyến này, mỗi ngày ông phải mất nhiều thời gian để ký giấy tờ. Nhờ có chương trình này ông có thêm thời gian để tập trung cho công  tác quản lý, còn nhân viên phụ trách xuất nhập khẩu của công ty cũng đỡ vất vả vì không còn chạy đi chạy lại ký giấy tờ.

Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến tại một buổi tập huấn, trao đổi thông tin về cải cách, hiện đại hóa hải quan.  Ảnh: DUY CHÍ

Ông Đoàn Tấn Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khu công  nghiệp  Mỹ  Phước  (TX.Bến Cát) cho biết, đến thời điểm này, tại chi cục có 100% doanh nghiệp đã áp dụng khai báo hải quan điện tử và sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Nhờ đó tại quầy làm việc của chi cục đã không còn việc doanh nghiệp đến tiếp xúc với cán bộ công chức hải quan như trước.

Đến  ngày  28-3-2017,  ghi nhận thực tế tại các chi cục hải quan trực tiếp làm thủ tục thuộc Hải  quan  Bình  Dương  cho thấy, trong số 46 dịch vụ công trực tuyến áp dụng phần mềm của Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp chỉ phát sinh áp dụng từ 2 - 3 dịch vụ. Cụ thể, tại Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Mỹ Phước (TX.Bến Cát) phát sinh 3 loại dịch vụ liên quan đến 273 hồ sơ gồm: Yêu cầu hoàn thuế theo Thông tư 38 có 11 yêu cầu; hủy hồ sơ có 87 yêu cầu và sửa hồ sơ có 175 yêu cầu. Tại Chi cục Hải quan Thủ Dầu Một phát sinh 2 loại dịch vụ liên quan đến 151 hồ sơ gồm 70 yêu cầu hủy tờ khai, 81 yêu cầu khai báo bổ sung...

Doanh nghiệp phấn khởi

Ông  Trần  Thanh  Tuyền, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công  ty  TNHH  Công  nghiệp Gỗ Grand Art (Khu công nghiệp Mỹ Phước) cho biết: “Với thâm niên trên 20 năm trong nghề xuất nhập  khẩu,  tôi  chưa  thấy  lúc nào làm thủ tục hải quan thuận tiện  và  hiện  đại  như  lúc  này.

Sau khi được tập huấn và nắm bắt kỹ quy trình thao tác, doanh  nghiệp - người khai báo thủ tục hải quan chỉ cần click chuột gửi hồ sơ thì chỉ trong 3 - 5 giây máy tính sẽ thông báo kết quả, gửi số thứ tự tiếp nhận hồ sơ hoặc báo lỗi nếu khai báo sai để doanh nghiệp - người khai báo thủ tục hải quan biết mà chỉnh sửa hồ sơ. Ông Tuyền chia sẻ thêm, phần mềm của Tổng cục Hải quan viết rất chuẩn, độ bảo mật cao, khi khai xong thì không có cách nào sửa đổi nên rất an toàn.

Đưa  ra  hình  ảnh  khá  sinh động để thấy tính tiện ích và hiện đại của chương trình, ông Võ Thành Nghiêm, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Diamon Việt Nam (Khu công nghiệp    Mỹ  Phước)  cho  biết, hiện nay làm việc với cơ quan hải quan, hầu như doanh nghiệp chỉ phải ngồi tại phòng gửi hồ sơ - nhận kết quả, qua máy tính đã kết nối internet rất tiện lợi, tiết kiệm. Như trước đây, lưu hồ sơ giấy theo quy định 5 năm thì doanh nghiệp khó biết chỗ để lưu hồ sơ.

Chia  sẻ  về  việc  triển  khai dịch vụ công trực tuyến của Cục Hải quan Bình Dương, tại cuộc họp vừa qua, hầu hết đại diện các doanh nghiệp đều tỏ ý hài lòng về tính hiện đại, tiện lợi và tiết kiệm của  chương  trình.  Theo  nhiều doanh nghiệp, thời gian đầu thực hiện dù đã qua tập huấn nhưng một số doanh nghiệp vẫn còn lúng túng vì giao diện chương trình mới, phần mềm xử lý chậm, có nhiều lúc máy bị “treo”, doanh nghiệp phải làm đi làm lại nhiều lần… Điều này minh chứng vì sao số lượng yêu cầu “sửa hồ sơ” cao so với các yêu cầu khác.

Đại diện các doanh nghiệp khác cũng nêu băn khoăn, dịch vụ công trực tuyến vừa đưa ra có nhiều sửa đổi có bị đưa vào diện quản lý rủi ro hay không. Quan trọng hơn là yêu cầu chương trình cần được triển khai rộng rãi trên cả nước để tránh tình trạng hồ sơ điện tử được thông quan tại Bình Dương nhưng khi ra cảng, hải quan cảng lại yêu cầu bản in giấy để trình. Nếu doanh nghiệp, cán bộ làm công tác xuất nhập khẩu không chuẩn bị trước bản in tờ khai hải quan điện tử kèm theo thì hàng hóa sẽ ách tắc, chậm trễ lô hàng. Theo ông Đỗ Thanh Phong, Trưởng phòng Quản lý rủi ro Cục Hải quan Bình Dương, khi tập huấn, triển khai, Hải quan Bình Dương đã thông báo và nhấn mạnh về mục đích, yêu cầu cũng như những sai  sót  cần  tránh;  nếu  doanh nghiệp thay đổi, sửa hồ sơ nhiều thì bị đưa vào diện quản lý rủi ro. Để tránh sai sót này, các doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ, thao tác thử nhiều lần trước khi áp dụng và hoàn toàn có thể khắc phục được và hướng đến sự chuyên nghiệp hơn. 

Ông  NGUYỄN TRƯỜNG GIANG, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương:

Áp dụng 46 dịch vụ công trực tuyến giúp  tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp

Để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp chữ ký số đã đăng ký và thao tác theo hướng dẫn đã được công khai niêm yết tại các chi cục cũng như trên website của Cục Hải quan. Việc triển khai áp dụng 46 dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian, lưu trữ hồ sơ cho doanh nghiệp; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động hải quan.

Ông Đoàn Tấn Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Mỹ Phước:

Thuận lợi cho doanh nghiệp và  cho công chức thực thi nhiệm vụ

Mỗi ngày 50 cán bộ công chức tại các chi cục trên địa bàn tiếp nhận khoảng 4.000 tờ khai hải quan. Chủ trương cải cách - hiện đại hóa thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho cán bộ công chức hải quan thực thi nhiệm vụ. Đây là mong muốn và mục tiêu hướng đến công tác cải cách - hiện đại hóa của nước ta hiện nay.

Thời gian gần đây, nhiều cán bộ công chức hải quan trực tiếp tiếp xúc hồ sơ than phiền quy trình có quá nhiều bước thực hiện trong khi yêu cầu công việc quá lớn, đòi hỏi nhiều thời gian; cùng với đó giao diện không thể hiện trực tiếp số hồ sơ, phân loại hồ sơ nên khó khăn trong việc phân công cán bộ xử lý, tiếp nhận giải quyết. Trước khó khăn này, Cục Hải quan yêu cầu bộ phận triển khai nghiên cứu, hoàn thiện giao diện quản lý hồ sơ, chức năng tìm kiếm báo cáo giúp công việc đạt hiệu quả cao  hơn.

DUY CHÍ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên