Tà Thiết - nơi âm vang chiến dịch mang tên Bác

Cập nhật: 24-03-2017 | 09:04:46

Sáng qua (23-3), tại Di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Miền - Tà Thiết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước đã tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1 Dự án Di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Miền - Tà Thiết và họp mặt kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23.3.1975 - 23.3.2017). Đến dự có ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phía Nam.

Lễ cắt băng khánh thành giai đoạn 1 Dự án Di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Miền - Tà Thiết. Ảnh: T.THẢO

Niềm tự hào của Bình Phước

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đã đọc diễn văn ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân Bình Phước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành độc lập cho dân tộc. Trong đó nhấn mạnh: Trong chiến dịch Đông Xuân 1974 - 1975, được sự chi viện của Trung ương và của miền Nam, quân và dân Bình Phước đã tấn công giải phóng hoàn toàn chi khu quận lỵ Phước Bình và đến ngày 6-1-1975, tấn công giải phóng tiểu khu - tỉnh lỵ Phước Long là đòn trinh sát chiến lược, tạo tiền đề cho Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định và hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian sớm nhất.

Phát huy thắng lợi, ta tiếp tục củng cố vùng giải phóng, đồng thời bao vây tiêu diệt cụm cứ điểm An Lộc (Bình Long). Ngày 23-3-1975, Trung tâm tỉnh lỵ An Lộc, tỉnh Bình Long được giải phóng - Trung tâm chính trị, nơi đặt bộ máy chính quyền đầu não của tỉnh được giải phóng và cũng chính là nơi đặt bộ máy chính quyền đầu não của quân đội Sài Gòn trên chiến trường Bình Phước đã sụp đổ toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội. Tỉnh Bình Phước được giải phóng.

Sau 42 năm ngày giải phóng và 20 năm tái lập tỉnh, Bình Phước đã vượt qua khó khăn, xây dựng tỉnh nhà ngày một khởi sắc. Kinh tế phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, Bình Phước đã có 13 khu công nghiệp với diện tích 5.000 ha. Số doanh nghiệp tăng 13 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 39 lần, thu ngân sách tăng 20 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 16 lần.

Nơi giáo dục truyền thống

Mặc dù chỉ hình thành và tồn tại trong một thời gian ngắn (1973-1975) nhưng căn cứ Tà Thiết có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta. Đây là nơi nhận bức điện 37TK của Tổng Bí thư Lê Duẩn về việc đồng ý đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh; đồng thời cũng là nơi thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy.

Tự hào với mảnh đất của quê hương, tỉnh Bình Phước đã tập trung bảo tồn, quy hoạch, phát triển khu du lịch, dịch vụ Di tích Tà Thiết. Ông Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: “Căn cứ Tà Thiết có một vị trí quan trọng trong hệ thống căn cứ cách mạng miền Nam. Với ý nghĩa lịch sử đó, tỉnh Bình Phước đã tăng cường công tác quản lý di tích này. Đặc biệt, trong quy hoạch khu di tích, tỉnh chủ trương để triển khai thực hiện trong thời gian tới với quy mô lớn khoảng 500 ha vùng lõi trong tổng thể quy hoạch khoảng 3.500 ha, xây dựng các công trình phục vụ cho việc tham quan du lịch về nguồn để các thế hệ sau này về đây biết được di tích lịch sử này”. Đến năm 2014, Tỉnh ủy, UBND tỉnh bắt đầu triển khai thực hiện dự án Khu Di tích lịch sử và du lịch sinh thái Bộ Chỉ huy Miền - Tà Thiết. Đây là dự án lớn so với khả năng ngân sách của tỉnh. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ trương thực hiện dự án này với phương thức xã hội hóa và đã nhận được sự đóng góp, hưởng ứng nhiệt tình của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các địa phương. Đến nay, công trình đã hoàn thành giai đoạn 1.

Về thăm lại căn cứ xưa, ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không khỏi bùi ngùi, xúc động. Ông Nguyễn Minh Triết chia sẻ: Tà Thiết là một địa danh quá đỗi thân thương, quen thuộc và tự hào. Không chỉ có ý nghĩa lịch sử, nơi ấy còn chứa đựng biết bao tình cảm của bà con Quân khu 10 (mật danh là T10). So với những địa bàn khác, T10 thiếu thốn nhiều thứ, lương thực thực phẩm thiếu triền miền nên cán bộ, chiến sĩ hay gọi vui “T10 là T mì”. Nhưng ngược lại, T10 không thiếu nghĩa, thiếu tình, không thiếu khí phách. Người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số giã từng hạt gạo nuôi bộ đội. “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” qua bao nhiêu năm tháng vẫn còn vọng mãi…

Ông Nguyễn Minh Triết cũng nhấn mạnh, Di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Miền - Tà Thiết được xây dựng chính là nghĩa tình, tình cảm của các địa phương dành cho khu di tích này. Qua đó góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống uống nước nhớ nguồn, để từ đó có ý thức bảo vệ, xây dựng đất nước mãi trường tồn, phát triển.

Ý thức được điều thiêng liêng đó, thế hệ trẻ hôm nay đang ra sức phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng có truyền thống. Anh Lục Mạnh Cường, Bí thư Chi đoàn ấp 5, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú nói: “Tôi rất tự hào với truyền thống quê hương, với căn cứ Tà Thiết, trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nơi từng diễn ra các cuộc họp của Ban liên hợp quân sự 4 bên để bàn về các điều khoản đã được ký kết trong Hiệp định Paris năm 1973… Là thế hệ trẻ, tôi phải ra sức phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng với những chiến công mà cha ông đã đổ máu xương mới giành được”.

Chiến tranh đã lùi xa 42 năm, những con người từng sống và làm việc ở căn cứ Tà Thiết năm xưa, nay người còn, người đã mất. Với những người đang sống, họ vẫn giữ được khí phách anh hùng, niềm lạc quan và tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước. Còn căn cứ Tà Thiết đã trở thành di tích lịch sử quý giá, nơi góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử chiến đấu hào hùng của các thế hệ cha anh.

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Miền - Tà Thiết được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23-12-2015. Giai đoạn 1 của dự án gồm 7 hạng mục: Tượng đài chiến thắng, đền thờ chính, nhà truyền thống, nhà đón tiếp, cổng chào, khu quảng trường và hàng rào bảo vệ xung quanh. Tổng kinh phí đầu tư là 97 tỷ đồng, trong đó các cơ quan tài trợ 72 tỷ đồng; ngân sách tỉnh là 25 tỷ đồng. Giai đoạn 2, Bình Phước sẽ tiếp tục hoàn thành các hạng mục còn lại với tổng kinh phí 250 tỷ đồng.

 

THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên