Tác phẩm sơn mài - Góc nhìn từ triển lãm

Cập nhật: 19-08-2016 | 08:04:41

Với mong muốn vực dậy “danh tiếng” sơn mài (SM) truyền thống của tỉnh Bình Dương, ngoài sự cố gắng từ nhiều phía thì những sân chơi ở các cuộc triển lãm cũng là một trong những tín hiệu mừng cho những ai đang tâm huyết với nghề. Góc nhìn SM từ những cuộc triển lãm, bao gam màu hết sức sống động luôn là bức tranh vô cùng đẹp về một Việt Nam thanh bình, giàu tính nhân văn của cuộc sống…

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã từng nhận xét, Bình Dương luôn là cái nôi của SM truyền thống. Trong các cuộc triển lãm mỹ thuật, tác phẩm SM từ các họa sĩ của tỉnh Bình Dương vẫn luôn chiếm ưu thế từ số lượng lẫn chất lượng, hết sức phong phú về một Bình Dương đầy sắc màu.


Một góc triển lãm SM truyền thống tại Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh do CLB SM truyền thống TP.HCM tổ chức

TP.Hồ Chí Minh có lẽ cũng là một sân chơi thú vị cho họa sĩ Bình Dương cùng hòa nhập và khẳng định mình trong những cuộc triển lãm dành riêng cho SM. Mới đây, một triển lãm với đầy đủ những sắc màu của cuộc sống từ SM đã được giới thiệu đến công chúng. Mỗi năm một lần, Câu lạc bộ (CLB) SM truyền thống TP.Hồ Chí Minh trình làng những tác phẩm mới đầy tính nghệ thuật và cũng hết sức thời sự, phản ánh hơi thở của cuộc sống qua đôi bàn tay khéo léo của từng họa sĩ đam mê với SM.

Sự mượt mà đằm thắm và đầy nghệ thuật trong “Sen mùa hạ” của họa sĩ Dương Sen hay một Minh Vũ với “Biển” trong cái nhìn tinh tế của người họa sĩ làm cho thiên nhiên, phong cảnh của quê hương thêm trữ tình và ngọt ngào… Góp mặt tại triển lãm lần này, những họa sĩ tài ba của Bình Dương cũng giới thiệu được với công chúng một bức tranh tuyệt đẹp về quê hương Bình Dương. Họa sĩ Nguyễn Tấn Công với “Sông quê”, “Bến đục” là những bức tranh hết sức yên bình, ký ức tuyệt đẹp của bao người đã từng gắn bó với bến sông quê nhà. Hay họa sĩ trẻ Nguyễn Quang Sơn với “Chuyện trò” với bao gửi gắm mang hơi thở của cuộc sống. Vui hơn, chúng tôi bắt gặp được hình ảnh của “Sắm tuồng” qua đôi bàn tay khéo léo của họa sĩ trẻ Huỳnh Đức Hiếu. Bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử cải lương vàng son một thời đã song hành cùng anh để như nhắc nhở nhau cùng gìn giữ, bảo tồn và phát triển nó như một di sản. Ngoài 2 tác phẩm nghệ thuật “Môn nước”, “Mặt nạ tuồng”, họa sĩ Nguyễn Văn Quý còn mang đến đây những tác phẩm đầy tính nghệ thuật nhưng cũng là những vấn đề thời sự, xã hội đang quan tâm như: “Biển khóc”, “Làm theo lời Bác”.

Bên cạnh sự yêu nghề và sáng tác không ngừng nghỉ của những họa sĩ thì những cuộc triển lãm, những sân chơi đầy tính khích lệ như thế này sẽ giúp tên tuổi, tác phẩm của họ được đến gần với công chúng hơn. Từ đây, vẻ đẹp của SM truyền thống có sức lan tỏa một cách sâu rộng thêm. Họa sĩ Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch Hiệp hội SM Bình Dương tâm sự: “Theo lối truyền thống, tác phẩm SM ngoài vẻ đẹp riêng có của nó, thì sự có một không hai trong từng tác phẩm lại là giá trị mà người thưởng lãm, sở hữu cảm thấy thú vị và trân trọng. Và tên tuổi của những họa sĩ thành danh như: Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm, Lý Khắc Nhu, Huyền Lam… đều là những học trò của làng nghề Bình Dương. Vì thế mà chúng tôi cũng hết sức tự hào, yêu nghề đến cùng để SM tiếp tục được khẳng định mình trong tương lai…”.

SONG ANH 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên