Tái cơ cấu ngành giao thông

Cập nhật: 18-08-2014 | 09:47:22

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1210/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án).

  Với hạ tầng đường bộ thông thoáng, kết nối thuận tiện với đường thủy, đường sắt, hàng không và các khu công nghiệp thu hút mạnh nhà đầu tư trong, ngoài nước, cho thấy tỉnh Bình Dương sớm là một trung tâm logistics tầm cỡ trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Ảnh: N.CAO

Theo đó, đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa đường bộ liên tỉnh đạt khoảng 54,4%, vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh đạt khoảng 93,22% so với khối lượng vận tải toàn ngành. Phấn đấu đến năm 2015, hoàn thành khoảng 600km và đến năm 2020 hoàn thành khoảng 2.000km đường cao tốc; đầu tư nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Cần Thơ hoàn thành trước năm 2016; đầu tư nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh và nâng cấp đoạn qua Tây nguyên…

Tái cơ cấu vận tải đường thủy nội địa theo hướng chủ yếu đảm nhận vận tải hàng rời khối lượng lớn (khoáng sản, xi măng, vật liệu xây dựng...), vận tải hàng siêu trường, siêu trọng, vận tải chuyển tiếp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; tăng thị phần đảm nhận của vận tải đường thủy nội địa, vận tải sông phà biển. Đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh bằng đường thủy nội địa đạt khoảng 32,38%, vận tải hành khách liên tỉnh đạt khoảng 0,17% khối lượng vận tải toàn ngành; phát triển phương tiện thủy nội địa theo hướng cơ cấu hợp lý: đội tàu kéo đẩy chiếm khoảng 30%, đội tàu tự hành chiếm khoảng 70% trong tổng số phương tiện thủy nội địa; lựa chọn tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với yêu cầu thị trường và đặc trưng luồng, tuyến tại các vùng; ưu tiên phát triển đội tàu chở container.

Tái cơ cấu vận tải đường biển theo hướng chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa viễn dương, các tuyến ven biển, nhất là vận tải biển tuyến Bắc - Nam, vận tải than nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, vận chuyển dầu thô phục vụ các nhà máy lọc hóa dầu. Tăng thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu biển quốc gia từ 25 - 30%; phát triển vận tải hành khách ven biển, hải đảo. Đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa bằng đường biển đạt khoảng 21,25%, vận tải hành khách bằng đường biển đạt khoảng 0,07% thị phần vận tải hàng hóa toàn ngành, trong đó đáp ứng khoảng 94,3% thị phần vận tải hàng hóa quốc tế và khoảng 8,55% thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh nội địa. Phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics; phát triển đội tàu biển theo hướng hiện đại, từng bước trẻ hóa đội tàu biển; chú trọng các loại tàu chuyên dùng, như: tàu container, tàu hàng rời, hàng lỏng có trọng tải lớn; tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển đã được phê duyệt; chú trọng đầu tư bảo đảm sự kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng giao thông quốc gia và đầu mối logistics ở khu vực. Xây dựng các cảng cạn và các kết cấu hạ tầng khác hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics.

 

 NGUYỄN CAO

 


Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên