Tái thiết quê hương - Bài 2

Cập nhật: 05-05-2015 | 08:33:20

 Bài 2: Ra sức xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng

Nhiệm vụ hàng đầu và cấp bách của cách mạng sau khi đánh đổ chính quyền tay sai là củng cố, xây dựng chính quyền; tập trung xây dựng, củng cố cơ sở, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, trong thời gian này, Đảng bộ tỉnh vừa phải giải quyết nhu cầu cấp bách về công tác cán bộ, vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ các lực lượng cách mạng.

 Củng cố, xây dựng chính quyền

Nhớ lại những ngày đầu sau giải phóng, ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Quân quản (UBQQ) Thủ Dầu Một cho biết, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, phần lớn sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn ra trình diện, học tập và trở lại địa phương làm ăn sinh sống. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người ngoan cố không ra trình diện, sống lẩn lút, móc nối tìm cách chống phá cách mạng bằng nhiều thủ đoạn hoặc ngấm ngầm hoặc công khai. Nhiều nơi, tàn quân tập hợp đến cấp đại đội, rải truyền đơn, khẩu hiệu xuyên tạc chính sách của cách mạng, sát hại các cán bộ, tổ chức vượt biên, phá hoại tài sản công cộng. Nhiều đảng phái, tổ chức phản động vẫn tiếp tục tồn tại, lén lút hoạt động. Một bộ phận dân cư bị ảnh hưởng tuyên truyền, xuyên tạc, sống bất hợp tác với chính quyền cách mạng hoặc che giấu các phần tử phản động.

Các cựu chiến binh trong ngày gặp mặt nhập dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: X.THI

Vì vậy, UBQQ đã phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm, tố giác bọn quân địch còn lẩn trốn ra trình diện. Tỉnh ủy điều động hàng trăm cán bộ, đảng viên, đoàn thể, lực lượng vũ trang xuống các xã làm nòng cốt xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cách mạng. Đặc biệt, các đơn vị bộ đội chủ lực đứng chân trên địa bàn được huy động, tổ chức thành các đoàn công tác phối hợp với lực lượng tại chỗ của huyện, xã, ấp phát động quần chúng ổn định sản xuất, vừa tham gia xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng. Chỉ tính từ tháng 5 đến tháng 8-1975, quần chúng các huyện đã truy bắt gần 300 tên phản động lẩn trốn không ra trình diện. Cuối năm 1975, ta đã phát hiện, phá rã tổ chức phản động “Bình Nam Phạt Bắc”, ngăn chặn kịp thời âm mưu phá hoại của bọn phản động.

Để bảo vệ thành quả cách mạng, nhiệm vụ hàng đầu và cấp bách của chúng ta lúc này là củng cố, xây dựng chính quyền; tập trung xây dựng, củng cố cơ sở, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong khi đó, cán bộ của ta thiếu cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách trước mắt là phải nhanh chóng đào tạo đội ngũ cán bộ tại chỗ cho các cấp, ngành để giải quyết nhu cầu cấp bách về số lượng cán bộ, vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ các lực lượng cách mạng. Cụ thể, Tỉnh ủy chỉ đạo đưa trên 120 cán bộ dự các lớp đào tạo của khu tổ chức; đồng thời mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng cho hàng trăm cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, giải quyết cấp bách về số lượng cán bộ các ngành của tỉnh, huyện. Tỉnh ủy cùng các huyện, thị tổ chức tập huấn cho trên 2.800 cán bộ tỉnh, huyện và bộ đội chủ lực, sau đó tổ chức số cán bộ này thành nhiều đoàn, đội xuống xã phối hợp với địa phương tham gia xây dựng chính quyền. Ở một số địa bàn trọng điểm ở các huyện, Tỉnh ủy còn chỉ đạo bố trí một số đồng chí là cán bộ, đảng viên trong đơn vị vũ trang của tỉnh tăng cường cho địa phương, làm nòng cốt trực tiếp tham gia xây dựng Đảng, chính quyền cấp xã.

 Chỉ tính từ tháng 5 đến tháng 8-1975, quần chúng các huyện đã truy bắt gần 300 tên phản động lẩn trốn không ra trình diện. Cuối năm 1975, ta đã phát hiện, phá rã tổ chức phản động “Bình Nam Phạt Bắc”, ngăn chặn kịp thời âm mưu phá hoại của bọn phản động…

Bà Nguyễn Thị Nhẩy, nữ kháng chiến tiêu biểu ở phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, người nhiều năm tham gia công tác hội phụ nữ kể lại: “Trước giải phóng, công tác phụ nữ chủ yếu là vận động chị em đấu tranh với địch, tiếp tế gạo nuôi quân... Sau giải phóng, nhiệm vụ của phong trào phụ nữ đã thay đổi nhưng nhìn chung tổ chức hội hoạt động yếu lắm. Chúng tôi phải vừa đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động chị em, vừa củng cố, xây dựng tổ chức hội, vận động chị em tham gia tổ chức hội. Điều đáng mừng là sau giải phóng, tinh thần chị em rất khí thế, phấn khởi nên công tác vận động gặp nhiều thuận lợi…”.

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng

Song song với xây dựng chính quyền, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo bố trí cán bộ tiếp quản thị xã, thị trấn và các vùng nông thôn trọng yếu trước đây. Ở những xã, ấp chưa có chi bộ, Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy huyện cử cán bộ xuống xây dựng, tổ chức chính quyền, đoàn thể cách mạng gắn với truy quét tàn quân địch, ổn định tình hình mọi mặt; vừa kết hợp xây dựng chính quyền cách mạng, vừa truy quét làm trong sạch địa bàn, vận động quần chúng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống gắn chặt với công tác củng cố, xây dựng Đảng, trước mắt là củng cố, xây dựng các chi bộ.

Ông Một Hữu cho biết, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều xã thuộc vùng địch kiểm soát bị địch đánh phá phải thành lập chi bộ lộ, chi bộ mật hoặc đảng viên mật hoạt động riêng lẻ. Số đảng viên mật bám hẳn trong dân hoạt động hợp pháp, các đảng viên lộ thoát ly, bám trụ chiến đấu và tham gia công tác lãnh đạo phong trào. Sau ngày miền Nam giải phóng, về tổ chức, Tỉnh ủy chỉ đạo hợp nhất hai hình thức chi bộ (lộ, mật) thành một loại hình tổ chức chi bộ cơ sở, tạo sự thống nhất về tổ chức và lãnh đạo. Theo thống kê, đến cuối tháng 9-1975, toàn Đảng bộ tỉnh có 227 chi bộ với 2.198 đảng viên. Nhìn chung, tỷ lệ đảng viên ở cơ sở còn thấp. Nhiều huyện đông dân như Lái Thiêu, Dĩ An chỉ có 2 - 3 đảng viên phụ trách một xã, nhiều ấp chưa có đảng viên, có xã chưa có chi bộ.

Ông Một Hữu và cuốn sổ tay ghi lại những thời khắc lịch sử. Ảnh: C.THANH

Tuy nhiên, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên của tỉnh đã kinh qua chiến tranh, được rèn luyện trong môi trường ác liệt đầy rẫy bom đạn, vì vậy trong hoàn cảnh khó khăn sau giải phóng, các đảng viên đã nêu cao tinh thần cách mạng, nhận thức được nhiệm vụ trong tình hình mới, góp sức xây dựng quê hương.

 “Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đến cuối tháng 10-1975, toàn tỉnh đã xây dựng được 31 ban, ngành, đoàn thể dân chính đảng; trong đó hệ chính quyền có 19 ngành, với gần 4.600 cán bộ, nhân viên. Và đến cuối năm 1975, bộ máy chính quyền tỉnh, huyện đến cơ sở đã được xây dựng, củng cố một bước căn bản. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBQQ đã hoàn thành vai trò thay mặt chính quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý xã hội, xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, giữ vững và củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và ổn định đời sống nhân dân trong thời gian gần một năm sau giải phóng...”.

(Ông NGUYỄN VĂN HỮU nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, Chủ tịch UBQQ)

 

Bài 3: Diệt giặc đói, giặc dốt

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên