Tâm huyết, nhiệt tình: Tố chất của một cán bộ hội giỏi

Cập nhật: 01-03-2012 | 00:00:00

Trông dáng vẻ hiền hiền, thật thật, kèm theo chút quê quê... ít ai nghĩ chị sẽ làm tốt nhiệm vụ của một cán bộ (CB) hội. Nhưng bằng cả tâm huyết, nhiệt tình, chị đã vực dậy được phong trào; đưa hội trở thành một trong những đơn vị điển hình trong phong trào thi đua toàn huyện. Chị là Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Thái Hòa (Tân Uyên). 

Chị Thanh cho biết, yếu tố để một người cán bộ hội thành công là phải nhiệt tình và có tâm huyết với nghề. Chị cũng vậy, xuất phát điểm chỉ từ một hội viên (HV) tích cực với phong trào, được CB hội đi trước dìu dắt hướng dẫn để trưởng thành. Vì vậy khi được giao nhiệm vụ là Phó Chủ tịch hội (năm 2004), rồi đến Chủ tịch hội (năm 2008) chị đều cố gắng hết mình, những gì không biết thì cố gắng học hỏi, nắm bắt.

 Không kể ngày đêm, chị Nguyễn Ngọc Thanh (phải) thường xuyên cùng cán bộ PN ở chi hội vận động chị em tham gia phong trào hội

Điều đáng tự hào của bản thân chị Thanh là góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh, thu hút nhiều chị em phụ nữ (PN) tham gia phong trào hội. Chị Thanh kể, năm 2006, toàn xã Thái Hòa chỉ vỏn vẹn có 544 HV. Mỗi năm, toàn xã chỉ phát triển được 30 - 40 HV. Như khu phố Mỹ Hiệp, đếm hết chỉ có 34 HV; còn khu tam giác chợ ở khu phố Vĩnh Phước coi như là địa bàn “trắng”. PN đông nhưng HV ít, vì vậy làm thế nào để thu hút chị em PN tham gia phong trào hội là điều mà bản thân chị cũng như Ban chấp hành luôn trăn trở.

Thực hiện phương châm “Nơi nào có PN thì nơi đó có tổ chức hội”, không kể ngày đêm, chị cùng với Ban điều hành, chi hội PN khu phố xuống tận nhà chị em vận động tham gia. Khi xâm nhập thực tế, chị cũng nhận ra rằng, không phải chị em không thích tham gia tổ chức hội mà chính là tổ chức hội chưa đến được với chị em. Vì vậy, chị tìm mọi cách để hội đến với chị em. Nhờ vậy, công tác vận động ngày càng thuận lợi, chị em hăng hái tham gia. Đến nay, toàn xã có gần 1.600 HV. Riêng khu phố Mỹ Hiệp có 112/127 hộ có HV PN (số còn lại là do hộ không có PN trong độ tuổi); khu tam giác chợ có đến 160 HV. Chị Thanh cũng chia sẻ, để tập hợp được đông đảo chị em PN tham gia và xây dựng tổ chức Hội LHPN vững mạnh, điều quan trọng là phải có đội ngũ CB hội giỏi, tâm huyết với phong trào. Ở đây, các chi hội trưởng rất nhiệt tình, có uy tín, là những hạt nhân đoàn kết của phong trào PN ở địa phương.

Bên cạnh phát triển HV, chị Thanh hiểu rằng để nâng cao vị thế của người PN, bên cạnh nâng cao năng lực, trình độ phải quan tâm đến phát triển kinh tế gia đình. Chị đã chỉ đạo các chi hội đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ PN phát triển kinh tế gia đình. 5 năm qua, hội vận động chị khá giúp chị khó bằng việc bán gối đầu thức ăn gia súc, cây con giống... với tổng số tiền trên 700 triệu đồng. Duy trì và thành lập mới 26 tổ PN tín dụng tiết kiệm đã góp được gần 1 tỷ đồng, giúp cho 320 lượt chị vay không tính lãi. Ngoài ra hội còn huy động các nguồn vốn vay tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Cidse... gần 4,3 tỷ đồng, giúp cho 600 lượt chị vay; đẩy mạnh phong trào xây dựng mái ấm tình thương cho PN nghèo...

Để các chị sử dụng vốn đúng mục đích, đem lại hiệu quả cao, hội tổ chức cho 100% PN vay vốn được tập huấn kiến thức về cách sử dụng vốn, quản lý vốn. Hội còn phối hợp với Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông... tập huấn các kiến thức về khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh... Chị Thanh nói thêm: “Để phong trào PN ngày càng phát triển vững mạnh, phải bám sát chương trình công tác của trên đưa xuống và cấp ủy chỉ đạo, bám sát hoàn cảnh thực tế của chị em PN, đề ra kế hoạch cho hoạt động hội. Khi nắm bắt tình hình, mới giúp được chị em và phong trào mới vững mạnh”.

Với một địa bàn đông dân nhập cư, chị cũng rất quan tâm đến nữ công nhân nhà trọ. Chị Thanh khoe: “Đến nay, hội cũng đã ra mắt được 6 chi hội nữ công nhân nhà trọ với 258 thành viên và 1 Câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ với 22 thành viên. Thông qua câu lạc bộ, hội thường xuyên tuyên truyền cho nữ công nhân nhà trọ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; kiến thức môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe sinh sản... Tuy nhiên đây cũng là điều khiến chị Thanh trăn trở và quyết tâm thực hiện trong thời gian tới, bởi chị em công nhân không có thời gian nên công tác vận động, tập hợp gặp nhiều khó khăn. “Nữ công nhân xa quê vốn đã chịu nhiều thiệt thòi về điều kiện kinh tế, nay lại thiệt thòi về cách tiếp cận các chủ trương, đường lối... vì vậy mình phải tập trung nhiều cho đối tượng này” - chị Thanh tâm sự.

Hết lòng với phong trào hội,  giờ đây làm sao để phong trào ngày càng mạnh, chị em ngày càng được bình đẳng, ấm no, tiến bộ và hạnh phúc luôn là nỗi trăn trở của chị Nguyễn Ngọc Thanh.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên