Tấm lòng một nữ tu...

Cập nhật: 18-05-2012 | 00:00:00

Ở Bệnh viện Vạn Phúc (TX.TDM) có một y tá... lạ! Bởi, trong khi các y, bác sĩ khác mặc áo bờ-lu thì cô có trang phục nền nã của một nữ tu Dòng con Đức mẹ Nam Vang. Đó là  vẻ bề ngoài còn tấm lòng của cô thì nói một cách trìu mến như các bệnh nhân là: “Cô ấy hiền lắm, chịu khó nữa chứ!”...  Cô Thanh Luyến đang đo huyết áp cho bệnh nhân

Tranh thủ lúc cô Nguyễn Thị Thanh Luyến (nhiều người gọi thân mật là Ma Soeur Luyến) ngơi tay khám bệnh, chúng tôi chuyện trò cùng cô. Giọng nói nhỏ nhẹ, hiền lành, gương mặt phúc hậu là ấn tượng ban đầu cho những ai mới gặp cô. Rất giản dị và chân thành nên cô cho rằng: “Mình cũng chẳng có gì đặc biệt, làm việc bình thường như những nhân viên khác. Chẳng qua, lãnh đạo bệnh viện ưu ái cho mang... y phục đặc biệt mà thôi!”. Và, khi xong công việc, chiều tối về đến Dòng con Đức mẹ Nam Vang ở phường Phú Cường, TX.TDM thì cô lại là một nữ tu ngoan đạo.

Cô Luyến sinh năm 1978, đi tu từ năm 1997. Nhà ở Phú Giáo và cô về TX.TDM theo học ở trường Trung cấp Y tế Bình Dương, tốt nghiệp khóa 11 (2000-2002). Cô thấy đời mình có ý nghĩa hơn, giúp đỡ nhiều người hơn khi đến với Dòng con Đức mẹ Nam Vang (có lịch sử bắt nguồn từ Dòng Mến thánh giá). Cô tu hành và hướng đến 3 mục đích chính: Noi gương Đức mẹ Maria; tôn thờ Thiên chúa và phục vụ tha nhân. Thế nên, việc làm của cô sau khi tốt nghiệp cũng là phục vụ mọi người, giúp mọi người vơi bớt đau khổ vậy!

Hàng ngày, từ 7 giờ sáng đến 17 giờ cô phục vụ tận tình cho bệnh nhân ở khoa cấp cứu Bệnh viện Vạn Phúc. Công việc chính của cô Thanh Luyến là tiếp nhận bệnh, lấy dấu hiệu sinh tồn, đo huyết áp, cặp nhiệt độ... Nghĩa là làm tất cả những “phần việc” xử lý ban đầu rồi báo với bác sĩ trực đến khám. Đó là với bệnh nhân cấp cứu. Với những người đang nằm điều trị tại khoa, cô cũng chăm sóc rất tận tình, chu đáo. Nhìn cô đến từng giường bệnh, hỏi han bệnh nhân, cặp nhiệt cho họ và cách bệnh nhân tâm sự với cô mới thấy hết cái ngọt ngào của tình người. “Hình như với... bộ dạng của mình, bệnh nhân tin tưởng và đặt nhiều niềm tin hơn thì phải”- cô Thanh Luyến cười và chia sẻ như thế.

Có lẽ thế thật nên cô hay được mọi người kể cho nghe chuyện của họ, nhờ cô khuyên nhủ hay làm cách nào để bệnh tình vơi bớt, sự đau khổ cũng... nhẹ hơn chút nào. Cảm thông với nỗi đau của mọi người, cô những mong cho họ mau chóng qua cơn đau, hy vọng họ sớm bình phục, đau đớn chỉ là tạm thời và khỏe mạnh sẽ đến với họ. Với sự điềm tĩnh của một nữ tu, tưởng rằng cô sẽ thấu hiểu cảnh sinh tử biệt ly nhưng cô cũng “đau và tiếc lắm” khi một phụ nữ trẻ mất vì tai nạn giao thông mà cô cùng kíp trực hôm đó không cứu được. Cô bị... ám ảnh bởi cái chết của bệnh nhân đó, bởi tiếng khóc thương của người thân khi bệnh nhân đó ra đi! Cô cứ giá như bệnh nhân đó được đưa đến bệnh viện sớm hơn...

Hỏi cô rằng, nghề y khá áp lực và đa số đồng nghiệp của cô sau giờ tan tầm giải trí bằng thể thao, âm nhạc, vui thú cùng gia đình còn cô thì sao, cô Thanh Luyến lại cười hiền: “Sau 17 giờ, mình là một nữ tu theo các quy định của nhà dòng. Ở đó, có nhiều chị em thân tín, mọi người luôn chia sẻ vui buồn cùng nhau. Ở đó có giờ cầu nguyện, đọc kinh nên những áp lực, mệt mỏi trong ngày sẽ qua để bắt đầu một ngày mới”. 

Nhà có 3 chị em, ba mất khi cô Thanh Luyến mới 8 tuổi. 2 em trai nay đã lớn. Khá bất ngờ khi cô cho biết rằng tiền lương hàng tháng khoảng hơn 3,6 triệu đồng cô gửi hết cho nhà dòng để làm từ thiện, lo các phận sự khác của nhà dòng. Ngoài công việc chính, cô còn tham gia những buổi làm từ thiện như phát súp cho bệnh nhân nghèo, giúp đỡ những người tàn tật, neo đơn...

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên