Tận dụng khoa học công nghệ, khôi phục và phát triển kinh tế

Cập nhật: 10-09-2021 | 12:08:23

Song song với công tác phòng, chống dịch bệnh, Bình Dương đang xây dựng kế hoạch để khôi phục kinh tế, quyết tâm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Trong đó, việc phát huy, tận dụng những lợi thế từ ứng dụng công nghệ mang lại, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, sẽ góp phần thuận lợi để tỉnh nhà khôi phục kinh tế. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tham mưu UBND tỉnh trong định hướng phát triển, xây dựng thành phố thông minh (TPTM).


Đẩy mạnh hỗ trợ nâng cấp trình độ, công nghệ sản xuất sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất “3 tại chỗ” tại Công ty Takako Việt Nam, Khu công nghiệp VSIP 1

Phát huy lợi thế

Quá trình xây dựng TPTM Bình Dương đã đạt được những nền tảng để khi dịch bệnh xảy ra có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ, chính quyền điện tử, trong đó việc triển khai họp trực tuyến ở mọi cấp độ, quy mô, đơn vị là một ví dụ cụ thể. Một trong những điểm sáng của TPTM Bình Dương là triển khai thành công đường dây nóng 1022 cung cấp đa kênh (điện thoại, Zalo, Facebook, email…) để kết nối người dân và chính quyền 24/7, đồng thời cung cấp dịch vụ gọi xe cấp cứu cho người dân với tốc độ nhanh nhất.

Đường dây nóng 1022 được xem là giai đoạn 1 của Trung tâm Điều hành TPTM, đã phát huy tác dụng rất lớn và hiện gấp rút được nâng công suất để kịp thời hỗ trợ người dân. Một số trang thiết bị phục vụ cho giai đoạn 1 đã được đầu tư, sẽ tiếp tục đầu tư và có nhiều tiềm năng phát triển. Riêng trụ sở của Trung tâm Điều hành TPTM đang xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương trình thẩm định và đang chờ ý kiến của các sở, ngành.

TS Nguyễn Việt Long, Quyền Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: “Ngay sau đợt dịch, Bình Dương cần nhanh chóng hoàn thành thủ tục xây dựng trụ sở tòa nhà Trung tâm Điều hành TPTM để đưa vào vận hành hiệu quả. Dự kiến trung tâm này sẽ khởi công vào đầu năm 2022, chậm lại vài tháng so với kế hoạch. Để thực sự có được nền tảng tốt cho công nghệ số, vấn đề cốt lõi là cơ sở dữ liệu lớn, cập nhật, dùng chung. Trong làn sóng dịch thứ 4, việc lập cơ sở dữ liệu và phân tích dự báo đã cho thấy tầm quan trọng. Trong tương lai cơ sở dữ liệu các ngành cần được cập nhật, tập trung về trung tâm do Sở Thông tin và Truyền thông phụ trách, cần được đưa ra phân tích, dự báo do Sở KH&CN - Văn phòng TPTM, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Becamex và các bên triển khai”.

Ông Long cho biết thêm chìa khóa phát triển trong thời kỳ 4.0 là việc hỗ trợ để nâng cấp trình độ, công nghệ sản xuất cho các doanh nghiệp. Bình Dương hiện đang có các chính sách hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng doanh nghiệp, cần được đẩy nhanh vào thực tiễn sau dịch bệnh. Tỉnh cũng đã giao Becamex IDC hoàn thành xây dựng giai đoạn đầu Trung tâm Sản xuất thông minh 4.0. Trung tâm sẽ trở thành nơi đặt ra đề bài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phù hợp với nhu cầu thực tiễn để thu hút các chuyên gia trong nước và quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp tại Bình Dương sản xuất hiệu quả hơn. Việc phát huy, tận dụng những lợi thế từ ứng dụng công nghệ không chỉ góp phần quan trọng trong đẩy lùi dịch bệnh mà còn tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh nhà khôi phục kinh tế, tiếp tục thực hiện khát vọng xây dựng thành công TPTM Bình Dương.

Thúc đẩy thương mại điện tử

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC) đã tích cực tham gia đóng góp, chuyển đổi công năng toà nhà Trung tâm Triển lãm quốc tế (WTC Expo) 22.000m2 làm bệnh viện dã chiến, được các lãnh đạo, chuyên gia và truyền thông đánh giá cao. Song song đó, WTC BDNC vẫn tổ chức thường xuyên các hoạt động hội thảo, sự kiện trực tuyến, đáp ứng nhu cầu rất lớn của các nhà đầu tư, thu hút được nhiều đối tác, tạo tiếng vang quốc tế. Vì vậy, sau khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định, WTC BDNC cần được ưu tiên phục hồi, mau chóng trở lại hoạt động, đồng thời tiếp tục triển khai hoàn thành các hạng mục để đáp ứng nhu cầu hậu Covid-19, đặc biệt về dịch vụ. Thông qua WTC BDNC, các sự kiện tầm quốc tế trực tuyến, trực tiếp hay pha trộn cả hai sẽ tiếp tục diễn ra, đẩy mạnh dịch vụ, kết nối thương mại quốc tế.

TS Nguyễn Việt Long, Quyền Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: “Để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, WTC BDNC được xem là một động lực quan trọng, đồng thời sẽ được kết nối với Khu thử nghiệm về thương mại điện tử xuyên biên giới nằm trong thành phố mới Bình Dương, hợp tác bởi Becamex IDC và Warburg Pincus (Hoa Kỳ). Khu vực này nhằm thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ, tập trung vào hậu cần cho thương mại điện tử tại Bình Dương, với các kho ngoại quan và ứng dụng công nghệ mới, đồng thời để thu hút nguồn nhân lực và chất xám trong lĩnh vực này. Thương mại điện tử sẽ là một xu thế ngày càng bùng nổ sau đại dịch Covid-19, vì vậy khu thử nghiệm này cần được đầu tư để sớm hình thành”.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên