Tân Uyên: Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ

Cập nhật: 19-06-2012 | 00:00:00

Để bảo đảm xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Đảng bộ huyện Tân Uyên đã xây dựng xong Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội huyện Tân Uyên giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo.

Tập trung đầu tư

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Tân Uyên đã có nhiều nỗ lực đầu tư kết cấu hạ tầng hệ thống giao thông đường bộ. Hiện toàn huyện có 922 tuyến đường do tỉnh, huyện quản lý và đường giao thông nông thôn với tổng dài 1.119 km. Tính đến thời điểm này đã nhựa hóa 29,1% tuyến đường, nâng cấp sỏi đỏ 63,3% các tuyến giao thông nông thôn. Nhiều công trình giao thông lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như công trình cầu Thủ Biên, cầu qua cù lao Bạch Đằng, Thạnh Hội. Cơ bản hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm như: ĐT741, 742, ĐH401, ĐH404, ĐH413... Trong năm 2012 này, huyện đang khẩn trương nâng cấp sửa chữa 10 tuyến đường trên địa bàn huyện, và sửa chữa nâng cấp một số tuyến đường do tỉnh quản lý, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu đi lại của người dân địa phương.

 Hạ tầng đô thị được Tân Uyên đầu tư đồng bộ

Trong khi đó hạ tầng kỹ thuật: điện, cấp, thoát nước, viễn thông và hạ tầng xã hội huyện cũng đã có bước đầu tư đúng hướng, trọng tâm đạt được những kết quả khả quan. Nguồn điện cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và sinh hoạt, hiện đã có 99,63% hộ sử dụng điện, 100% số xã, thị trấn có điện. Điện lực Tân Uyên cũng quản lý 561,935km đường dây điện trung thế, 480,553km đường dây điện hạ thế, 2.355 trạm biến áp với dung lượng 969.220KVA... Trong khi đó việc cấp, thoát nước, môi trường cũng có nhiều nỗ lực bảo đảm sinh hoạt ổn định cho người dân; bê tông 2 trạm bơm Bạch Đằng và Thường Tân, đưa vào vận hành nhà máy nước Tân Hiệp, triển khai các dự án đầu tư hệ thống thoát nước thu gom, xử lý nước thải Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Cụm công nghiệp Tân Mỹ. Việc xử lý chất thải rắn có nhiều tiến bộ với việc vận hành mạng lưới thu gom, vận chuyển, xử lý trung chuyển tại bãi rác Tân Hiệp...

Về giáo dục, toàn huyện hiện có 60 đơn vị công lập, trong đó có 14 trường đạt chuẩn quốc gia. Dự kiến trong năm 2012 xây mới và đưa vào sử dụng trường THCS Tân Phước Khánh, THCS Thái Hòa, THCS Lạc An và trường Tiểu học Thạnh Hội. Hiện trên địa bàn huyện đã có 21/22 xã, thị trấn được công nhận đạt phổ cập giáo dục bậc trung học. Về y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện hiện có 100 giường cùng 22 trạm y tế xã và 4 phòng khám đa khoa tư nhân, bước đầu đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân địa phương.

Còn hạn chế

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thời gian qua cũng bộc lộ nhiều yếu kém được Đảng bộ huyện nhìn nhận: Một số công trình trọng điểm về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội triển khai chậm, còn dàn trải, kéo dài và thiếu đồng bộ, năng lực quản lý đô thị, quản lý đầu tư xây dựng còn yếu kém.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật như cầu đường, điện, cấp thoát nước tuy đã được đầu tư nhưng còn chậm, thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp của huyện, nhất là hạ tầng giao thông. Các điểm kết nối giao thông với các huyện, tỉnh lân cận còn nhiều yếu kém; hệ thống đường phân bố chưa đều, công tác quy hoạch mạng lưới giao thông chưa hoàn chỉnh...

Các khu, cụm công nghiệp phát triển nhanh, mang lại hiệu quả tốt nhưng vẫn còn một số cơ sở công nghiệp còn nằm phân tán, xen kẽ trong khu dân cư khó quản lý, gây ô nhiễm môi trường. Công nghiệp phát triển nhanh đã thu hút nhiều lao động nhập cư, dẫn đến phát sinh nhu cầu bức xúc về nhà ở, điều kiện sinh hoạt văn hóa, tinh thần, các vấn đề vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. Trong khi đó điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội lại chưa được đầu tư tương xứng đáp ứng yêu cầu của người lao động.

Tranh thủ ngoại lực

Trước những thách thức đó, huyện Tân Uyên đã đề ra mục tiêu: phát triển kinh tế - xã hội nhanh, đồng bộ, bền vững và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Bảo đảm giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Thực hiện nâng cấp đô thị và điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập đơn vị hành chính mới theo yêu cầu chung của tỉnh.

Phó phòng Quản lý Đô thị Tân Uyên Huỳnh Văn Lợi cho biết, năm 2012 huyện triển khai quyết liệt lập và trình phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị Nam Tân Uyên, xây dựng huyện Bắc Tân Uyên, quy hoạch trung tâm hành chính huyện Bắc Tân Uyên. Về giao thông, huyện sẽ tập trung thực hiện các dự án giao thông, liên vùng, liên tỉnh, liên huyện và các dự án giao thông trọng điểm như đường Thủ Biên - Hưng Hòa, ĐT742, ĐT747b... Tập trung phát triển hệ thống giao thông theo quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương và quy hoạch chung xây dựng đô thị Nam Tân Uyên, kết nối trục chính và hệ thống giao thông tỉnh Bình Dương, từng bước chuẩn hóa và quản lý hệ thống giao thông huyện Tân Uyên theo hướng đường đô thị. Đồng thời tập trung đầu tư mở rộng nâng cấp và làm mới các tuyến đường nội ô, đường xã, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng trên địa bàn các xã, thị trấn. Kiên cố hóa, chuẩn hóa các tuyến đường huyện, đường xã, đường hẻm đô thị...

Về hạ tầng kỹ thuật và xã hội huyện quyết tâm cùng các chủ đầu tư, đơn vị thi công hoàn thành giải phóng mặt bằng thi công các tuyến đường điện quan trọng: đường điện 500KV Sông Mây - Tân Định, đường điện 220KV Tân Định, Uyên Hưng, từng bước ngầm hóa hệ thống điện khu vực đô thị... Tăng cường công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Từng bước kiên cố hóa, lầu hóa các trường học trên địa bàn theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Phát triển cơ sở vật chất ngành giáo dục phổ thông, mầm non, nhà trẻ theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tăng cường công tác xã hội hóa lĩnh vực y tế, phát triển cơ sở vật chất ngành y tế theo hướng hiện đại, đạt tiêu chí 27 giường bệnh/1 vạn dân vào năm 2015, bảo đảm nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Để đạt được các mục tiêu này, nhiều giải pháp cũng được Đảng bộ huyện Tân Uyên đề ra: rà soát, lập các quy hoạch mới, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế  - xã hội gắn kết đồng bộ với quy hoạch chung xây dựng đô thị Nam Tân Uyên, tiếp tục quy hoạch và thành lập huyện mới Bắc Tân Uyên, thành lập thị trấn Tân Thành, Cổng Xanh... Để bảo đảm đầu tư hiệu quả, ngân sách Nhà nước chỉ ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội trọng yếu, công cộng. Kêu gọi, thu hút đầu tư các thành phần kinh tế theo hình thức BOT, BT, PPP; tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, ODA, vốn xã hội hóa, quỹ đất công tạo ra bước đột phá trong đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

HÒA NHÂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên