Tăng cường tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động đến doanh nghiệp và người lao động

Cập nhật: 25-04-2017 | 08:25:33

Chuẩn bị cho Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ I (từ ngày 1 đến 30-5) thay vì tổ chức Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ - PCCN) như mọi năm trước, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc phỏng vấn ông Hồ Quang Điệp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về công tác này.

NLĐ được CĐCS Công ty TNHH Điện tử Foster tuyên truyền về ATVSLĐ Ảnh: T.LÝ

- Ông có thể đánh giá những nét chính trong công tác ATVSLĐ - PCCN của tỉnh trong năm vừa qua?

- Thời gian qua, công tác ATVSLĐ - PCCN trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp (DN) quan tâm. Năm 2016, tỉnh đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ - PCCN gắn với việc thực hiện công tác ATVSLĐ - PCCN tại địa phương. Trong tuần lễ phát động có các nội dung như: Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ - PCCN; tích cực tuyên truyền qua báo, đài, phát tờ rơi, treo băng rôn; thăm hỏi tặng quà cho thân nhân người lao động (NLĐ) chết do tai nạn lao động (TNLĐ) và những nạn nhân bị TNLĐ; huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ; thanh kiểm tra chuyên đề về công tác ATVSLĐ - PCCN tại các DN; khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp (BNN), lập hồ sơ vệ sinh lao động…

Với những nỗ lực đó, người sử dụng lao động đã chủ động trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ và đúng chủng loại cho NLĐ; kiểm định đầy đủ máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; xây dựng, niêm yết các quy trình an toàn tại nơi làm việc; tổ chức huấn luyện về an toàn lao động cho NLĐ và thường xuyên tổ chức việc tự kiểm tra về ATVSLĐ tại nơi làm việc, để kịp thời khắc phục những thiếu sót nhằm phòng ngừa nguy cơ về TNLĐ. Về phía NLĐ đã chủ động phòng ngừa, chấp hành các quy định về ATVSLĐ - PCCN của DN. Khi phát hiện yếu tố nguy hiểm trong sản xuất có nguy cơ gây TNLĐ, NLĐ đã báo cáo cho cấp có thẩm quyền khắc phục, tác phong công nghiệp trong lao động được nâng lên.

- Trong Tháng hành động lần thứ I năm 2017, Bình Dương thực hiện những biện pháp gì trong công tác ATVSLĐ và làm thế nào để giảm thiểu TNLĐ cùng những thiệt hại về người lẫn cơ sở vật chất, thưa ông?

- Năm nay, Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ 1 năm 2017 sẽ có các nội dung như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn về ATVSLĐ- PCCN; vận động các DN có đông lao động và nguy cơ cao về TNLĐ, cháy nổ tổ chức lễ phát động tại DN và triển khai các hoạt động thiết thực về công tác ATVSLĐ - PCCN.

Đối với Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh sẽ tổ chức hội thao, thao diễn, diễn tập phương án chữa cháy, cứu hộ cứu nạn; thực hiện các hoạt động hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia các hoạt động PCCN và hưởng ứng Ngày “Toàn dân phòng cháy chữa cháy”. Thanh tra liên ngành đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ - PCCN, thường xuyên tư vấn, đôn đốc các DN, cơ sở thực hiện nghiêm các quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ - PCCN; đồng thời xử lý nghiêm minh đối với các vi phạm về pháp luật lao động, về an toàn PCCN. Thanh tra Sở LĐ-TB&XH sẽ hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, DN xây dựng, triển khai kế hoạch và tự kiểm tra công tác ATVSLĐ; xây dựng, ban hành nội quy lao động, quy trình vận hành máy, thiết bị, biện pháp làm việc an toàn; trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công tác ATVSLĐ.

Bên cạnh đó, các đơn vị sẽ hỗ trợ DN tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho NLĐ và tổ chức kiểm tra, đánh giá môi trường lao động, nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ - PCCN, đưa ra giải pháp khắc phục.

- Thưa ông, đối với DN làm tốt công tác ATVSLĐ không chỉ bảo đảm an toàn, sức khỏe cho NLĐ mà còn giúp DN ổn định sản xuất, vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò của công đoàn (CĐ), chủ DN trong công tác ATVSLĐ?

- Theo tôi, hoạt động của các cấp CĐ trong công tác ATVSLĐ góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu vì sự bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của NLĐ và sự phát triển bền vững của DN. Nhận thức rõ trách nhiệm của tổ chức CĐ đối với công tác ATVSLĐ, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ cụ thể đến các cấp CĐ trong tỉnh, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức CĐ trong công tác ATVSLĐ được pháp luật quy định.

Tại DN, công đoàn cơ sở (CĐCS) đã tuyên truyền, giáo dục nhằm trang bị những kiến thức giúp cho NLĐ biết cách để tự bảo vệ mình. CĐCS cũng tích cực phối hợp với người sử dụng lao động trong việc xây dựng nội quy, quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở cơ sở; tổ chức có hiệu quả phong trào công nhân tham gia làm công tác ATVSLĐ. Hàng năm, các CĐCS phối hợp với chủ DN tổ chức công tác huấn luyện về ATVSLĐ cho NLĐ, thực hiện công tác tự kiểm tra về ATVSLĐ của các tổ, đội, phân xưởng sản xuất. Thông qua thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại DN, người sử dụng lao động đã có những cam kết và thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, các giải pháp phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ, cải thiện điều kiện làm việc và chăm sóc tốt sức khỏe cho NLĐ.

Song song với vai trò của tổ chức CĐCS, thì vai trò của người sử dụng lao động đối với công tác ATVSLĐ là việc nhận thức và đánh giá đúng tầm quan trọng về công tác này là một yếu tố quyết định đem lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, người sử dụng lao động cũng đã thực hiện tốt nghĩa vụ của mình khi xây dựng kế hoạch ATVSLĐ; huấn luyện, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc… Từ đó bảo đảm an toàn, sức khỏe cho NLĐ, ổn định và duy trì sản xuất, xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.

- Xin cảm ơn ông!

THIÊN LÝ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên