Tăng cường tuyên truyền để Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đi vào cuộc sống

Cập nhật: 06-11-2014 | 07:59:52

Ngày 18-6-2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5- 2013. Sau hơn một năm có hiệu lực thi hành, tính khả thi và hiệu quả của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống thì công tác tuyên truyền phổ biến là vấn đề cần quan tâm.

Nói đến thuốc lá hẳn ai cũng biết về tác hại ghê gớm của nó đối với sức khỏe con người và môi trường sống. Tuy nhiên, có một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay xem hút thuốc là điều bình thường, là một thói quen không bỏ được. Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân phì phèo thuốc lá ở bất cứ đâu: từ những nơi công cộng như trường học, bến xe, bệnh viện, công sở… đến trên xe buýt. Mặc dù ở những nơi này có treo bảng “Cấm hút thuốc” nhưng mọi người vẫn vô tư hút tự nhiên mà không sợ bị phạt.

Theo quy định thì hành vi hút thuốc lá nơi công cộng đã vi phạm Điều 11 của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013. Tuy nhiên không phải ai cũng biết là mình đã vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính. Ngồi ngoài hành lang bệnh viện, tay cầm điếu thuốc, anh N.V.T (quê Bến Cát) nói: “Tôi có thấy bệnh viện treo bảng cấm hút thuốc. Tuy nhiên, do buồn ngủ lại đang thèm thuốc nên tôi tranh thủ ngồi đây hút cho nhanh để còn vào trong chăm sóc người nhà đang nằm viện”. Khi được chúng tôi cho biết anh đã vi phạm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá thì anh N.V.T tỏ ra bất ngờ. “Làm gì có chuyện hút thuốc mà bị xử phạt”, anh thốt lên rồi dụi tắt điếu thuốc trước khi bước vào trong phòng nuôi bệnh. Anh L.H.D, sinh viên của một trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh đang thản nhiên phì phèo phả khói thuốc ngay trong xe buýt trước sự khó chịu của nhiều người đi cùng xe. Chỉ đến khi nhân viên của xe buýt đến nhắc nhở anh mới miễn cưỡng dập khói thuốc. Khác với anh N.V.T, khi được hỏi có biết việc vi phạm các quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá không? Thì anh L.H.D lại hồn nhiên cho biết: “Tôi có biết quy định này thông qua sách, báo nhưng thực tế nếu có một người nào hút thuốc lá mà bị xử phạt thì tôi chưa nghe bao giờ”.

Theo ông Nguyễn Tấn Hùng, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh, thực tế hiện nay hành lang pháp lý và chế tài xử phạt về các hành vi vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng đã được Nhà nước thể chế hóa trong các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định 176/2013/ NĐ-CP ngày 14-11-2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra và ra quyết định xử phạt hành chính đối với người có hành vi vi phạm đang còn gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng xử phạt chủ yếu hiện nay là Thanh tra Sở Y tế nhưng lực lượng này lại quá ít so với nhu cầu của công việc. Vì vậy, về lâu dài, nhiệm vụ trong thời gian tới của ngành y tế vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về tác hại của thuốc lá và Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đến từng địa phương, từng người dân nhằm nâng cao ý thức của người dân, hạn chế tối đa các vi phạm.

 NGỌC HOÀNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên