Tăng huyết áp: Tuân thủ điều trị để hạn chế biến chứng xảy ra

Cập nhật: 23-06-2016 | 08:50:43

Tăng huyết áp (THA) là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu trên thế giới. Người bị THA phải điều trị suốt đời và việc tuân thủ điều trị được xem là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với người bệnh…

Giáo sư Đặng Vạn Phước đang trao đổi về điều trị bệnh THA với các y, bác sĩ Bình Dương

Bác sĩ Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết, THA là một trong những bệnh rất phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Nó cũng là nguyên nhân gây tàn tật và tử vong cao nhất ở người lớn tuổi. Do đó, THA là một trong những thách thức lớn trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng của ngành y tế. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới hiện nay có hơn 1,5 tỷ người bệnh THA. Còn thống kê ở Việt Nam, vào năm 2000 chúng ta có 15% dân số bị THA, đến năm 2009 có 25% và năm 2016 tỷ lệ này đã tăng lên 48%, trong đó tỷ lệ nam mắc THA nhiều hơn nữ. Trong điều trị THA, ở Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, tỷ lệ bệnh nhân đến khám và điều trị THA/ tổng số bệnh nhân chiếm 16%. Hiện nay, trên thế giới có nhiều tiến bộ trong điều trị THA, nhất là điều trị THA bằng cách phối hợp nhiều loại thuốc. Tuy nhiên, điều mà các thầy thuốc luôn nhắc nhở, lưu ý người bị THA là phải tuân thủ điều trị, uống thuốc đều đặn mỗi ngày, không bỏ thuốc dù huyết áp đã được điều trị ổn định.

Mới đây, tại một hội thảo khoa học về điều trị bệnh THA ở Bình Dương, giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội Tim mạch TP.Hồ Chí Minh cho biết, THA là bệnh phải điều trị suốt đời bởi vì nó là vô căn. Càng lớn tuổi, tỷ lệ mắc THA càng cao. THA có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, bệnh thận… Trong đó, bệnh thận (đặc biệt là suy thận) là thách thức rất lớn bởi đây cũng là bệnh phải điều trị suốt đời. Vì vậy, để hạn chế những biến chứng có thể xảy ra, cần có những hành vi thay đổi và phòng ngừa.

Trong chuỗi bệnh lý từ yếu tố nguy cơ đến bệnh tim mạch, giáo sư Phước đã chỉ ra những yếu tố nguy cơ hành vi, bao gồm: Chế độ ăn không lành mạnh, hút thuốc lá, ít vận động, uống rượu bia. Ngoài ra, còn có những yếu tố xã hội, như: Toàn cầu hóa, đô thị hóa, lão hóa, thu nhập, giáo dục, chỗ ở. Do đó, với bệnh THA, việc phòng bệnh luôn có ý nghĩa hơn chữa bệnh. Và để phòng bệnh, cần hạn chế những yếu tố nguy cơ nêu trên. Trong điều trị bệnh THA, nếu bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm, chọn đúng thuốc, uống đúng liều, đúng giờ thì sẽ khống chế được bệnh. Một khi khống chế được bệnh thì sẽ khống chế được biến chứng xảy ra.

Một nghiên cứu mới nhất của Viện tim Trung ương thực hiện tại các thành phố lớn đã cho thấy tỷ lệ THA/dân số ở Việt Nam đã tăng lên 48%, có nghĩa cứ 10 người thì có đến gần 5 người bị THA. Như vậy, THA đã trở thành vấn đề sức khỏe rất lớn cần được đặc biệt chú ý. Bệnh THA là bệnh thuộc động mạch. Chỗ nào có động mạch thì chỗ đó đều có thể xảy ra biến chứng. Do đó, đối với người THA, các nhà chuyên môn đã nghiên cứu và khuyến cáo rằng, chỉ cần giảm 10mmHg tâm thu trung bình thì chúng ta có thể giảm được 30% nguy cơ tử vong do bệnh tim và giảm đến 40% nguy cơ đột quỵ.

THA là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các bệnh lý tim mạch. Bệnh THA ngày càng có xu hướng gia tăng. THA là bệnh có tác động đến tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Huyết áp càng cao thì biến chứng càng nhiều. Và chỉ cần giảm 10mmHg là có thể giảm được nguy cơ tử vong. Do đó, lời khuyên mà giáo sư Phước đưa ra đối với những người bị THA là ăn nhạt, tập luyện thể dục thể thao, giảm cân… và đặc biệt là uống thuốc đều đặn mỗi ngày, không bỏ thuốc để kiểm soát huyết áp ổn định. Có như thế, mới có thể hạn chế biến chứng xảy ra.

 

HỒNG THUẬN

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên