Tăng mức vay tín dụng dành cho học sinh, sinh viên: Góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục

Cập nhật: 09-01-2016 | 06:59:37

Kể từ khi thực hiện (tháng 9-2007), chương trình tín dụng dành cho học sinh, sinh viên (HSSV) đã nhanh chóng nhận được sự vào cuộc của toàn xã hội. Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định điều chỉnh mức cho vay tín dụng đối với HSSV. Theo đó, kể từ ngày 9-1-2016, mức cho vay tối đa đối với HSSV tăng từ 1,1 triệu lên 1,25 triệu đồng/tháng/HSSV.

 Qua hơn 8 năm thực hiện, chương trình đã được triển khai sâu rộng đến các địa phương trên toàn quốc; phương thức cho vay dân chủ, công khai, nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. Tính đến nay, doanh số cho vay đạt khoảng 55.000 tỷ đồng và trên 3,3 triệu lượt HSSV đã được vay vốn từ chương trình này. Có thể nói, chương trình tín dụng đối với HSSV đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của đất nước, bảo đảm tính công bằng trong giáo dục. Đồng thời, chương trình vừa tham gia giảm nghèo bền vững vừa đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.

Kết quả đạt được cho thấy chương trình là chính sách có tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hóa cao có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, cả cộng đồng. Điều đó khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ về tín dụng đối với HSSV là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của xã hội.

Chương trình cho vay tín dụng dành cho HSSV được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội. Việc xã hội hóa chương trình đã tạo được sự minh bạch trong thực hiện chính sách, giảm thiểu được rủi ro, phát huy được vai trò trách nhiệm của cả xã hội, của gia đình và của HSSV trực tiếp sử dụng vốn vay và trả nợ khi hết hạn.

Có thể nói, chính sách vay tín dụng dành cho HSSV đã giúp các hộ gia đình nghèo, gia đình khó khăn giảm đáng kể gánh nặng tài chính, nỗ lực không để một HSSV nào đỗ đại học, cao đẳng phải bỏ học vì khó khăn tài chính. Chương trình này còn có ý nghĩa thiết thực góp phần thúc đẩy phong trào học tập ở các địa phương nghèo, vùng sâu, vùng xa…

NHẬT HUY 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên