Tạo điều kiện lưu thông, tiêu thụ nông sản

Cập nhật: 20-09-2021 | 07:12:16

Trong dịch bệnh, việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản gắn với các thương hiệu địa phương được người sản xuất trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên chủ động. Đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ, huyện nỗ lực hỗ trợ người dân kết nối với các ngành để tìm kiếm đầu ra, tránh tình trạng ùn ứ nông sản.


Sơ chế nông sản tại trang trại Lâm Thành Thương (huyện Bắc Tân Uyên)

Chủ động kết nối

Từ tháng 7, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, tại huyện Bắc Tân Uyên hoạt động sản xuất, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản có nhiều ảnh hưởng do đứt gãy các chuỗi cung ứng, gây ùn ứ nông sản ở một số hộ sản xuất nhỏ lẻ. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm có thương hiệu tình hình tiêu thụ vẫn ổn định.

Ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết trong dịch bệnh, các đơn vị có liên kết với các chuỗi cung ứng không gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ. Huyện cũng đã cố gắng kết nối với các ngành chức năng như nông nghiệp, công thương, Hội Nông dân tìm kiếm đầu ra cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ.

Chúng tôi vừa trở lại trang trại Lâm Thành Thương trong những ngày huyện Bắc Tân Uyên trở lại trạng thái bình thường mới để tìm hiểu việc sản xuất, thực hiện mục tiêu kép, trên tổng diện tích khá lớn chỉ còn một ít cam cuối vụ. Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Thành Thương, chủ trang tại cho biết trong dịch bệnh, trang trại vẫn cung ứng cam cho các chợ đầu mối lớn tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Việc bảo đảm chất lượng và giữ vững thương hiệu trong nhiều năm qua của trang trại dẫn đến việc thuận lợi trong khâu giữ thị trường. Trong dịch bệnh giá cam của trang trại Lâm Thành Thương vẫn cao hơn thị trường từ 5.000 - 7.000 đồng/ kg. Hiện nay, các sản phẩm vẫn phân phối đều đặn đến các chợ đầu mối. “Việc tính toán kỹ trong phân phối thị trường giúp chúng tôi chủ động hơn trong khâu sản xuất, bảo đảm bắt nhịp cùng với tiêu thụ, cũng như kế hoạch trồng và thu hoạch được chủ động trong từng năm. Với diện tích 150ha chủ yếu là cam, quýt nếu chúng tôi không tính toán kỹ, không giữ vững thương hiệu thì việc ùn ứ sản phẩm trong mùa dịch bệnh này là đương nhiên”, ông Lâm Thành Thương cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dân Tiến, cho biết hiện nay giá bưởi, cam đang hạ, nhất là các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Đặc biệt là giá bưởi, nếu không có liên kết với các đơn vị tiêu thụ lớn thì các nhà vườn hiện đang bán từ 10.000 - 12.000 đồng/ kg. “Đây là mức giá rất thấp trong thời điểm mà các sản phẩm vật tư nông nghiệp đang lên cao. Với mức giá đó các nhà vườn chịu lỗ các khoản đầu tư nếu trồng theo các mô hình sạch với các công nghệ sinh học. Điều đáng mừng là HTX Dân Tiến đã tiêu thụ hết các sản phẩm vào thời điểm giá cả còn đang ổn định, bảo đảm đầu ra cho người dân”, ông Nguyễn Văn Tiến trao đổi thêm.

Nhiều hộ sản xuất cũng đang gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, sản phẩm nông sản ra vào khu vực sản xuất, nơi các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Minh chứng cho sự bấp bênh trong việc tìm kiếm đầu ra của các nhà vườn nhỏ lẻ, ông Đỗ Văn Lâm (xã Tân Định) cho biết đang vào vụ thu hoạch song đến nay giá xuống thấp so với thời điểm trước do không chủ động được thị trường, thu hoạch xong phải chờ đợi thương lái đến thu mua.

Hỗ trợ lưu thông

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết trong dịch bệnh, các đơn vị có liên kết với các chuỗi cung ứng không gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ. Huyện cũng đã cố gắng kết nối với các ngành chức năng như nông nghiệp, công thương, Hội Nông dân tìm kiếm đầu ra cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ. “Đó là lý do chúng tôi luôn khuyến khích các hộ sản xuất nhỏ lẻ vào các hợp tác xã, để tránh rủi ro trong khâu tiêu thụ và có thương hiệu trên thị trường. Làm nông nghiệp luôn phải gắn với thị trường và phát triển sản phẩm. Tôi tin tưởng rằng thông qua thời điểm dịch bệnh, các hộ sản xuất nhỏ lẻ sẽ ý thức hơn nữa các vấn đề thị trường gắn với sản xuất qua thực tế và có những hướng chuyển đổi, phát triển đúng định hướng”, ông Trần Văn Phương kỳ vọng.

Ông Phương cho biết điều đáng mừng là cùng với việc khống chế dịch bệnh tại các địa phương, các chợ đầu mối tại địa phương và vùng lân cận đã và đang từng bước mở cửa trở lại sẽ là điều kiện thuận lợi cho đầu ra nông sản, giá cả cũng dần ổn định. “Chúng tôi đã và đang chỉ đạo cho Phòng kinh tế, Hội Nông dân huyện và các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản để áp dụng các chính sách hỗ trợ nông dân kịp thời. Bên cạnh đó, huyện tích cực phối hợp với Sở Công thương xây dựng các phương án tiêu thụ nông sản trong điều kiện “bình thường mới” để kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ, bảo đảm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện”, ông Phương cho biết. Huyện Bắc Tân Uyên hiện cũng đã cho phép hoạt động trở lại đối với các cơ sở kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp để tạo điều kiện cho nông dân canh tác nhưng phải bảo đảm thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch.

Cùng với sản xuất, Công an huyện Bắc Tân Uyên đang tiếp tục tham mưu chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Công an huyện phối hợp tích cực với các ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn, đặc biệt các khu vực lưu thông huyết mạch của hàng hóa, trong đó có sản phẩm nông nghiệp, không gây ách tắc hàng hóa, nguyên vật liệu, con giống, vật tư đầu vào phục vụ nông nghiệp và tiêu thụ nông sản.

 KHẢI ANH - B.T.UYÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên