Chương trình nhà ở xã hội ở Bình Dương:

Tạo điều kiện tốt nhất để phát triển

Cập nhật: 23-05-2017 | 07:43:34

Thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bình Dương đã biến vùng đất thuần nông thành những khu, cụm công nghiệp và đô thị có kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh, đồng bộ. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản của tiến trình đô thị hóa, Bình Dương cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là lao động ngoài tỉnh gia tăng mạnh trong những năm gần đây, đòi hỏi tỉnh cần giải quyết tốt, nhất là vấn đề về nhà ở.

Đẩy mạnh quy hoạch xây dựng

Bình Dương là tỉnh có tốc độ tăng dân số cơ học cao nên yêu cầu giải quyết nhà ở xã hội (NƠXH) hết sức lớn, cấp bách. Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua tỉnh đã chú trọng chăm lo đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp và trung bình, cụ thể là đẩy mạnh xây dựng NƠXH. Sau 5 năm triển khai chương trình phát triển NƠXH, đến nay toàn tỉnh đã thu hút được 82 dự án phát triển NƠXH với tổng diện tích đất 1,97 triệu m2, diện tích sàn 3,89 triệu m2, với hơn 85.070 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho trên 238.000 người; tổng mức đầu tư trên 19.000 tỷ đồng.

Tổng diện tích sàn NƠXH giai đoạn 2011-2015 được tỉnh xây dựng là 1,3 triệu m2, đáp ứng chỗ ở cho gần 111.000 người, đạt gần 75% so với chương trình phát triển NƠXH của tỉnh giai đoạn 2011-2015. Trong số này có 14 dự án thuộc Đề án Nhà ở an sinh xã hội của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH (Becamex IDC) với 737.000 m2 sàn, đáp ứng cho trên 40.000 người và gần 270.000 m2 diện tích sàn nhà ở của 200 doanh nghiệp xây dựng, đáp ứng chỗ ở cho 46.900 công nhân lao động. Trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 3 triệu m2 sàn nhà trọ do các hộ dân đầu tư xây dựng, đáp ứng nhà ở cho gần 544.000 người ở. Riêng trong giai đoạn 2011-2015 có 1,2 triệu m2 sàn nhà trọ được xây, đáp ứng chỗ ở cho trên 217.500 người.

Tuy nhiên, chương trình phát triển NƠXH của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015 vẫn gặp không ít khó khăn cần sớm giải quyết. Cụ thể, tổng diện tích sàn NƠXH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 mới đạt 70% so với yêu cầu, trong khi số dân ngoài tỉnh đến sinh sống và dân cư trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Bên cạnh đó, nhiều dự án NƠXH chưa được triển khai hoặc triển khai chậm; một số dự án vị trí bố trí xa, thiếu cơ sở hạ tầng; cùng với đó còn ít doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ưu đãi từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ…

Về tầm nhìn đến năm 2030, Bình Dương tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở, thỏa mãn nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng, đặc biệt là các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở. Tỉnh cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xanh, sạch, hiện đại, bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Tạo điều kiện cho nhà đầu tư

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện NƠXH Bình Dương vẫn còn gặp một số khó khăn, như do tác động của tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, khiến việc triển khai các dự án NƠXH bị chậm tiến độ. Mặt khác, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với xây dựng NƠXH hiện nay chưa thật sự thu hút, khuyến khích doanh nghiệp tham gia do lợi nhuận thấp (tối đa 10%), thời gian đầu tư kéo dài và thu hồi vốn chậm. Trong khi đó, phần lớn công nhân có nhu cầu thuê, mua nhà nhưng vẫn chưa có đủ khả năng mua nhà để ở, hoặc chưa tiếp cận được thông tin về NƠXH. Về phía chính quyền, khi triển khai xây dựng chương trình chưa đủ chế tài cho các dự án NƠXH sai phạm về chất lượng, từ đó dẫn đến quá trình quản lý các dự án xây dựng NƠXH phát sinh nhiều bất cập.

 Một góc khu NƠXH Hòa Lợi (TP.Thủ Dầu Một) Ảnh: PHƯƠNG AN

Để giải quyết những khó khăn và vướng mắc nói trên, tỉnh Bình Dương đang đề xuất Chính phủ tạo điều kiện để người lao động, công nhân trong các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp kịp thời được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH. Thạc sĩ Phạm Kim Cương, giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một, cho rằng để phát triển NƠXH, trong thời gian tới Bình Dương cần có cơ chế, hướng dẫn rõ ràng, minh bạch; cần sớm ban hành phương án quản lý, vì nếu không có chế tài sẽ không bảo đảm nhà ở đến được đúng đối tượng. Bên cạnh đó, tỉnh cần công khai quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, nhà ở cho công nhân và nhà ở cho người thu nhập thấp để các nhà đầu tư và xã hội cùng biết; nhanh chóng hoàn thành thủ tục cấp “sổ đỏ” cho những dự án đã đền bù, giải tỏa. Theo thạc sĩ Cương, tỉnh cần công khai quy trình và thời gian hoàn thành thủ tục cấp phép đầu tư dự án các loại NƠXH theo hướng rút gọn hợp lý. Về lâu dài, cần có quy định cụ thể, yêu cầu các dự án xây dựng dân cư mang tính chất kinh doanh phải dành một tỷ lệ tối thiểu nhà ở được xây làm NƠXH. Bình Dương cũng cần có chính sách ưu đãi đối với những nhà đầu tư xây dựng NƠXH, như miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng NƠXH; giao đất không thu tiền sử dụng đất; tinh giản thủ tục hành chính theo hướng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư...

Các chuyên gia cho rằng, việc quy hoạch NƠXH cho người thu nhập thấp cần phải được tính toán phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, được thể hiện trong quy hoạch sử dụng đất của mỗi địa phương và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển giao thông. Việc thiết kế khu nhà ở cho người thu nhập thấp cần tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và các văn bản hướng dẫn của nhà nước. Tuy vậy khi thực hiện cần có những điều chỉnh phù hợp dựa trên đặc điểm về phong tục văn hóa, thói quen sinh hoạt của người dân và điều kiện tự nhiên của khu vực. Ngoài ra, NƠXH phải bảo đảm tiện ích và đáp ứng tốt nhu cầu của người thụ hưởng.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020 diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 30m2/người, trong đó khu vực đô thị là 31,4m2/người và khu vực nông thôn 24,1m2/người; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố lên 50%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố xuống 0,7%; tăng đầu tư xây dựng mới nhà ở cho người có công với cách mạng, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở tái định cư… Đồng thời, tỉnh tiếp tục phát triển nhà ở thương mại, thực hiện việc quản lý đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới để xây dựng NƠXH. Tỉnh cũng phấn đấu tăng tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị đạt 22%; quỹ đất tại khu vực đô thị và nông dân tăng thêm khoảng 2.330 ha để đến năm 2020, đạt các tiêu chí đô thị loại I.

Cùng với việc thực hiện tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, quá trình đô thị hóa tỉnh nhà cũng đang diễn ra nhanh chóng, kéo theo một bộ phận dân cư thuộc diện giải tỏa. Để giải quyết vấn đề này, một trong những giải pháp tỉnh Bình Dương đã và đang thực hiện hiệu quả là coi phát triển NƠXH trở thành một chương trình chung của toàn xã hội.

PHƯƠNG AN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên