Tạo động lực để xây dựng thành phố thông minh

Cập nhật: 02-08-2018 | 06:29:32

Năm 2017, triển khai thực hiện Đề án thành phố thông minh (TPTM), đến nay Bình Dương đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần tạo động lực đẩy nhanh tiến trình xây dựng TPTM của tỉnh.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Theo các chuyên gia, xây dựng TPTM là việc làm mới, chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Tại Bình Dương, để tiếp cận và đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án TPTM, trong thời gian qua Ban điều hành TPTM Bình Dương đã liên tục kết nối và mở rộng hợp tác với nhiều tỉnh, thành, công ty, viện, trường đại học trên thế giới. Trong năm 2017, Bình Dương đã mở rộng hợp tác với thành phố Eindhoven (Hà Lan), tỉnh Emilia Romagna (Ý), 2 thành phố Chaiyi, Đài Trung của Đài Loan (Trung Quốc), Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF), Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA)… tạo mối quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ, mật thiết trên nhiều phương diện.

Phòng thí nghiệm công nghệ Lighting Lab tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Bên cạnh đó, tỉnh đã hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu như trường Đại học Portland State University (Mỹ), trường Đại học Chunghua, Viện Fraunhofer (Đức), trường Đại học Kỹ thuật Eindhoven (Hà Lan)… Đặc biệt, Bình Dương đã chính thức hợp tác toàn diện với Viện Công nghệ công nghiệp ITRI (Đài Loan, Trung Quốc) - là viện nghiên cứu khoa học quan trọng và lớn nhất Đài Loan, nhằm liên kết cộng tác với nhau trên các lĩnh vực công nghệ, trao đổi nguồn nhân lực, phát triển khu công nghiệp công nghệ khoa học và phát triển TPTM.

Cùng với đó, để phát triển công nghệ, xây dựng thành công TPTM, tỉnh Bình Dương đã hợp tác với các công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Philips, Bosch, NXP, VNPT, Viettel, FPT…

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành TPTM Bình Dương, khẳng định việc hợp tác giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC) và ITRI là bước ngoặt mới để phát triển đề án công nghệ điện toán đám mây, các dịch vụ công nghệ cao phục vụ phát triển TPTM Bình Dương.

Xây dựng thương hiệu TPTM Bình Dương

Trong năm 2017, Bình Dương đã tổ chức 2 buổi tập huấn mô hình “Ba nhà” (nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà khoa học) của thành phố Eindhoven cho lãnh đạo và chuyên viên các cơ quan, ban, ngành, trường đại học trong tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức các buổi tập huấn, báo cáo về Đề án TPTM Bình Dương cho nhiều lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành trong tỉnh; cử cán bộ tham gia các chương trình tập huấn uy tín về TPTM ở trong nước và quốc tế...  

Để định vị thương hiệu TPTM Bình Dương, tỉnh đã tham gia các hội nghị, diễn đàn quốc tế, hội thảo khoa học được tổ chức trong và ngoài nước. Trong năm 2017, lãnh đạo Ban điều hành, Văn phòng TPTM Bình Dương đã tham gia hơn 20 hội nghị, diễn đàn quốc tế, hội thảo khoa học, trong đó có những hội thảo tầm quốc gia, diễn đàn uy tín thế giới như diễn đàn ICF, diễn đàn đô thị thế giới của Liên hợp quốc…

Trên phương diện thông tin đại chúng, nhiều bài báo viết, phóng sự truyền hình… về TPTM Bình Dương được tuyên truyền mạnh mẽ trên báo, đài truyền hình trong và ngoài tỉnh, các tạp chí khoa học uy tín, đặc biệt là trong những sự kiện lớn như tập san phát hành tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 được tổ chức tại Việt Nam.

Trong năm 2017, Bình Dương đã tham gia đăng ký ICF để có thể đăng ký trở thành thành viên chính thức của ICF. Mặc dù chưa đạt được danh hiệu ICF Smart21 trong năm nhưng Bình Dương đã nhận được sự ủng hộ, khích lệ của ICF và rất nhiều tỉnh, thành trên thế giới. Qua việc điền hồ sơ và nhận được kết quả từ ICF, Bình Dương đã học được nhiều kinh nghiệm quý báu, có cơ hội so sánh với các tỉnh, thành thịnh vượng khác trên thế giới, nhận diện được những điểm mạnh của tỉnh, nhất là những điểm cần được bổ sung, hoàn thiện hơn. Thực hiện được các yêu cầu của ICF cũng chính là tạo những điều kiện quan trọng để xây dựng TPTM Bình Dương.

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

Ngay trong năm 2017, tại Bình Dương, nhiều chương trình và phòng thí nghiệm đã được hình thành theo định hướng chung của Đề án TPTM Bình Dương, như Phòng thí nghiệm công nghệ Philips - EIU Lighting Lab do Philips Lighting hợp tác cùng trường Đại học Quốc tế Miền Đông xây dựng; chương trình E-Bike, xe máy điện được thí điểm trong khuôn khổ hợp tác giữa trường Đại học Việt Đức và Bosch Việt Nam... và nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã và đang được thực hiện.

Bên cạnh đó, năm 2017, hệ sinh thái khởi nghiệp cũng bắt đầu được hình thành và hoạt động, điển hình như Vườn ươm doanh nghiệp của trường Đại học Quốc tế Miền Đông đã xây dựng xong với cơ sở vật chất, không gian thiết kế hiện đại, vận hành theo mô hình quốc tế (hiện đã có 2 nhóm hoạt động tại đây). Cùng với đó, dự án trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Sở Khoa học và Công nghệ đã được phê duyệt; trường Đại học Thủ Dầu Một thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp…

Giáo sư - Tiến sĩ Jonathan York, cố vấn cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại trường EIU, cho biết hướng đến khởi nghiệp là một bước tiến chiến lược của EIU. Đối với sinh viên, chuyên ngành khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sẽ bồi dưỡng sinh viên có tư duy sáng tạo hơn, khả năng lãnh đạo tốt hơn và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Đối với cộng đồng, khởi nghiệp sẽ là động lực đổi mới sáng tạo và gia tăng việc làm, đặc biệt trong bối cảnh Bình Dương đang xây dựng TPTM.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Văn phòng TPTM Bình Dương, cho biết trong thời gian qua, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đề án TPTM Bình Dương đã cơ bản hoàn thành giai đoạn xây dựng nền tảng, định hướng chiến lược, thực thi các dự án đột phá để khởi động và bắt đầu bước sang một giai đoạn mới. Theo đó, văn phòng sẽ triển khai các dự án cụ thể một cách đồng bộ và toàn diện, với sự tham gia của toàn hệ thống, đóng góp ngày càng mạnh mẽ và thiết thực, qua đó tạo tiền đề đột phá phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

 Nhằm triển khai sâu rộng và để đề án thực sự đi vào thực tiễn, vừa qua Ban điều hành Đề án TPTM Bình Dương đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án TPTM Bình Dương trong năm 2018. Theo đó, Ban điều hành Đề án TPTM Bình Dương đẩy mạnh thực hiện mô hình hợp tác “Ba nhà” trên các lĩnh vực; chỉ đạo Sở Ngoại vụ phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Becamex IDC, Văn phòng TPTM và các đơn vị, cơ quan liên quan tham mưu tổ chức các sự kiện lớn liên quan đến TPTM tại Bình Dương trong năm 2018, như: Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm thành lập WTA, Hội nghị TPTM Bình Dương lần 3... Năm 2018, Bình Dương sẽ chính thức nộp đơn gia nhập ICF Smart21; phấn đấu đạt điểm số tốt hơn năm 2017 trên mọi phương diện, cải thiện những điểm còn chưa tốt và phát huy hơn nữa thế mạnh của tỉnh theo đánh giá của chuyên gia ICF.

Văn phòng TPTM Bình Dương tiếp tục thực hiện các công tác kết nối giữa đối tác Brainport - Eind¬hoven (Hà Lan), các đơn vị trong Ban điều hành, Hội đồng cố vấn “Ba nhà” để triển khai công việc. Văn phòng UBND tỉnh và Văn phòng TPTM Bình Dương phối hợp thực hiện các công tác, nhiệm vụ để hỗ trợ cho Ban điều hành, cũng như triển khai ý kiến chỉ đạo đến các thành viên Ban điều hành và tổ chuyên viên. Các đơn vị chủ động lập kế hoạch chi tiết, phương án, dự trù kinh phí để thực hiện các đề xuất của đơn vị mình; chủ động đề xuất những đề án đổi mới, sáng tạo phục vụ cho Đề án TPTM Bình Dương.

 

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên