Tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-New Zealand

Cập nhật: 10-03-2018 | 19:34:34

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern nhân dịp bà sang dự Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa New Zealand từ ngày 11-14/3/2018.

Đây là chuyến thăm chính thức New Zealand đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể từ khi nhậm chức.

Quan hệ hợp tác tốt đẹp

Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/6/1975. Từ đó đến nay, quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp. New Zealand coi Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2009, ra Tuyên bố chung nhất trí tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện hướng tới Đối tác chiến lược vào tháng 3/2015. Hai bên cũng đã hoàn tất việc soạn thảo và ký Chương trình Hành động giai đoạn 2017-2020 bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2017).

Hằng năm, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, có cuộc gặp bên lề các hội nghị như: Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Ngoài ra, các cơ chế hợp tác song phương như: Tham khảo Chính trị, Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại, Đối thoại chính sách quốc phòng được tổ chức đều đặn.

Về hợp tác an ninh-quốc phòng, hai bên hợp tác chia sẻ thông tin trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng (2013), Thỏa thuận giữa Cảnh sát New Zealand và Bộ Công an về hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia (2010) và tổ chức họp Nhóm Công tác hỗn hợp song phương hai năm/lần nhằm đánh giá kết quả thực hiện.

New Zealand hỗ trợ Việt Nam tổ chức các khóa tập huấn về chống khủng bố, kỹ thuật hình sự và điều tra, phòng chống tội phạm rửa tiền, tội phạm công nghệ cao, y tế cứu thương chiến thuật.

Hai bên tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ đào tạo, nhất là tiếng Anh chuyên ngành gìn giữ hòa bình, duy trì các chuyến thăm của tàu hải quân và cơ chế Đối thoại Quốc phòng song phương.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư

Những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm, từ 300 triệu USD năm 2009 lên 750 triệu USD năm 2013 (tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm).

Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 900 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất hơn 425 triệu USD và nhập hơn 401 triệu USD. New Zealand là đối tác thương mại lớn thứ 31 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác lớn thứ 17 của New Zealand.

Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu đứng thứ 19 vào thị trường New Zealand. Đến nay, nước bạn có 28 dự án còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 101,94 triệu USD, đứng thứ 41/120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam có 6 dự án liên doanh đầu tư tại New Zealand với tổng vốn đăng ký là 25,62 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo; khách sạn và ăn uống; nông lâm nghiệp và thủy sản…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai bên đồng ý ưu tiên xem xét các yêu cầu tiếp cận thị trường đối với khoai tây (củ tươi dùng làm thương phẩm, củ giống), vẹm xanh của New Zealand và cá tra/basa, hoa cúc, hoa hồng, hoa huệ, chôm chôm, bưởi, vú sữa, nhãn của Việt Nam. Hiện mới có xoài và thanh long là mặt hàng hoa quả tươi duy nhất của Việt Nam được xuất vào thị trường New Zealand.

Nước bạn dự kiến sẽ kết thúc quá trình đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với nhiều loại nông thủy sản của Việt Nam như: chôm chôm, nhãn, vú sữa, bưởi vào năm 2021.

New Zealand là một trong những nước dành vốn ODA cho Việt Nam ổn định và tăng dần theo từng năm, tập trung vào các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, phát triển nông nghiệp-nông thôn bền vững; cam kết trong giai đoạn từ tháng 7/2015 đến tháng 6/2018 sẽ cung cấp cho Việt Nam 26,66 triệu đô la New Zealand (tương đương 18,6 triệu USD).

Hợp tác chặt chẽ nhiều mặt

Bên cạnh những bước phát triển vượt bậc trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực.

Hiện có gần 3.000 sinh viên Việt Nam đang học tại New Zealand, đứng thứ 9 trong các quốc gia có sinh viên Việt Nam. Mỗi năm, khoảng 20 cán bộ các bộ, ngành của Việt Nam thụ hưởng học bổng do Chính phủ New Zealand đài thọ. Hai nước đã ký Thỏa thuận hợp tác về giáo dục đào tạo giai đoạn 2015-2018.

New Zealand tiếp tục cấp học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam theo học các chuyên ngành khác nhau tại các trường đại học của New Zealand, duy trì chương trình đào tạo tiếng Anh cho cán bộ, quan chức cao cấp Việt Nam.

Ngoài ra, New Zealand đã giúp Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng phục vụ Hội nghị Cấp cao APEC 2017.

Về du lịch, lượng khách từ New Zealand sang Việt Nam có tăng song chưa đáng kể. Năm 2009 đạt 18.400 người, đến năm 2017 đạt 49.175 người.

Từ tháng 6/2016, Hãng hàng không New Zealand đã khai trương đường bay thẳng Oakland-Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế và giao lưu nhân dân hai nước.

Bên cạnh đó, hai nước đã ký Thỏa thuận về Chương trình việc làm trong kỳ nghỉ và chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2012. Hai nước ký Hiệp định vận tải Hàng không song phương (có hiệu lực năm 2004), được sửa đổi vào tháng 3/2015...

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand có khoảng hơn 5.000 người, chủ yếu sinh sống ở Oakland, Christchurch và Wellington, thủ đô của New Zealand.

Trên các diễn đàn khu vực, quốc tế, hai nước đều là thành viên của Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) và một số cơ chế hợp tác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Hai nước ủng hộ, phối hợp chặt chẽ trong đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). New Zealand ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; Ủy ban Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc; Hội đồng Chấp hành UNESCO và tổ chức thành công APEC 2017.

Chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu.

Chuyến thăm cho thấy Việt Nam coi trọng và mong muốn không ngừng tăng cường quan hệ song phương với New Zealand, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên