Tạo dựng môi trường đầu tư hiệu quả: Điều quan trọng là sự hài lòng của doanh nghiệp 

Cập nhật: 17-04-2015 | 08:04:56

Nhờ tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi và ấn tượng tốt đẹp với doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước nên thời gian qua, nguồn vốn đầu tư vào Bình Dương tăng mạnh. Có thể nói, với môi trường đầu tư, điều quan trọng là thực tế tạo sự hài lòng để DN an tâm bỏ vốn đầu tư.

 

 

Ông Trần Văn Nam (bên phải, hàng đầu), Chủ tịch UBND tỉnh trao chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: T.MINH

Doanh nghiệp hài lòng

Quý I-2015, Bình Dương đã có thêm 3.835 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh của DN trong nước, nâng số lượng DN trong nước tại Bình Dương lên 18.001 DN đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký 136.506 tỷ đồng. Cũng trong quý I-2015, Bình Dương thu hút thêm 402 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nâng nguồn đầu tư FDI vào tỉnh hiện nay lên 2.440 DN với tổng vốn đăng ký hơn 20,8 tỷ đô la Mỹ. Với con số thu hút đầu tư ấn tượng này, có thể nói Bình Dương vẫn là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư.

Ông Rober Ng, Giám đốc Công ty TNHH Sakata Inx Việt Nam tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I cho biết: “Ngay từ những ngày đầu đến đây tôi thấy Bình Dương là một tỉnh phát triển; đến nay Bình Dương là một trong những tỉnh dẫn đầu về hạ tầng công nghiệp. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và tạo nhiều thuận lợi, ưu đãi cho nhà đầu tư. Ngoài ra, nguồn nhân lực của Bình Dương cũng rất tốt. Chính vì những yếu tố này, chúng tôi rất tin tưởng vào tiềm năng phát triển của Bình Dương và đầu tư lâu dài tại đây”. Nói về sự quan tâm của tỉnh đối với DN, ông Rober Ng chia sẻ, năm trước Công ty TNHH Sakata Inx Việt Nam tại Bình Dương gặp hỏa hoạn. Ngay sau đó, Bình Dương đã có chính sách hỗ trợ nhanh chóng; cùng với đó là sự chia sẻ, động viên của lãnh đạo tỉnh nên Ban Giám đốc công ty rất cảm động, tin tưởng và tiếp tục đầu tư. Vì vậy, mới đây công ty đã tăng vốn thêm 7 triệu đô la Mỹ để sản xuất mực in các loại, nâng vốn đầu tư của công ty lên 21,5 triệu đô la Mỹ.

Ông Yasuo Nishitohge, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam thì cho rằng, đầu tư vào Bình Dương DN rất hài lòng. Trong những lúc khó khăn vướng mắc, lãnh đạo tỉnh và các sở ngành đã nhanh chóng giúp đỡ tận tình, tạo nhiều thuận lợi để công ty triển khai dự án tại Bình Dương. Nhờ vậy, Trung tâm mua sắm Aeon Bình Dương Canary (TX.Thuận An) do công ty làm chủ đầu tư đã triển khai đúng tiến độ, kịp thời đưa vào hoạt động đúng theo kế hoạch đã đề ra.

Niềm tin tạo hiệu quả

Ông Park Jin Ku, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Bình Dương nhận định, Bình Dương có cơ sở hạ tầng rất tốt và hiện đại, cùng với đó là sự trọng thị của chính quyền tỉnh với thủ tục hành chính nhanh gọn tạo nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư. Vì vậy, nhiều DN Hàn Quốc đã chọn lựa đầu tư mạnh vào Bình Dương. Trong khi đó, ông Marcus IP, Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Nam Phương Textile cho biết, quá trình tìm hiểu đầu tư, DN luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ chính quyền tỉnh. Vì vậy, DN đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đưa nhà máy sản xuất vải 120 triệu đô la Mỹ kịp đi vào hoạt động tại tỉnh trong năm 2015.

Môi trường đầu tư của Bình Dương đã được DN kiểm chứng và hài lòng trong thời gian qua. Thành công này là nhờ sự nỗ lực to lớn của tỉnh trong việc tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và hiệu quả. Trong khuôn khổ luật pháp cho phép, Bình Dương luôn đi trước đón đầu đã tạo ra những điều kiện thuận lợi như: quy hoạch bài bản các khu công nghiệp tập trung với quỹ đất sạch chuẩn bị sẵn phục vụ các nhà đầu tư; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao hiệu quả trong cải cách thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhanh; đầu tư lớn vào giáo dục - y tế nhằm nâng cao nguồn nhân lực qua đào tạo và phục vụ đời sống an sinh xã hội… Tất cả vấn đề này đều thực hiện công khai minh bạch đã tạo được niềm tin cho DN an tâm đầu tư lâu dài vào tỉnh.

Tại buổi trao chứng nhận đầu tư đợt I-2015 mới đây, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành trong tỉnh luôn nhận thức rõ rằng cộng đồng DN là nhân tố rất quan trọng, góp phần to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh luôn luôn đồng hành cùng DN; luôn trân trọng và lắng nghe những ý kiến góp ý chân thành, trách nhiệm của các hiệp hội, chi hội và những tâm tư, nguyện vọng của nhà đầu tư, DN để có những giải pháp phù hợp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, hấp dẫn và hiệu quả hơn.

 Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu CPI

Sáng qua (16-4), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014. Khảo sát PCI 2014 được thực hiện đối với gần 10.000 doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Năm nay, Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí quán quân của bảng xếp hạng PCI với số điểm 66,87 trên thang điểm 100. Theo sau là Đồng Tháp 65,28 điểm, Lào Cai 64,67 điểm. TP.Hồ Chí Minh với 62,73 điểm bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước; vị trí thứ 5 của bảng xếp hạng thuộc về Quảng Ninh với 62,16 điểm. Điện Biên đứng cuối cùng ở vị trí 63/63.

Báo cáo này đánh giá, nhìn chung, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Năm nay, điểm tỉnh trung vị của PCI tăng từ 57,81 năm 2013 lên 58,58 điểm, ghi nhận mức độ thay đổi tích cực về chất lượng điều hành từ các tỉnh.

Điểm sáng của điều tra PCI 2014 là dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Qua điều tra, có tới 46,1% doanh nghiệp dân doanh dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới, tăng mạnh so với mức 32,5% của điều tra năm 2013. Tỷ lệ này ở các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 50%. Lần đầu tiên trong 5 năm trở lại đây, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.

Cũng theo khảo sát của PCI 2014, doanh nghiệp FDI tiếp tục đánh giá tích cực so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định của chính sách, mức độ rủi ro bị thu hồi tài sản thấp, khả năng tham gia của doanh nghiệp vào quá trình hoạch định các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp tới họ cao và các mức thuế hợp lý.

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém hấp dẫn về chi phí không chính thức, gánh nặng quy định, chất lượng của cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ hành chính công. Đặc biệt, tăng cường nguồn lao động có tay nghề cao cũng như đơn giản hóa việc cấp giấy phép làm việc cho người lao động nước ngoài được coi là những yếu tố giúp Việt Nam cạnh tranh hơn trong thu hút đầu tư...

K.T (tổng hợp)

 

 T.MINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên