Tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật: 14-07-2018 | 07:31:25

 Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa IX, các đại biểu HĐND tỉnh đã nhất trí thông qua 18 nghị quyết về phát triển KT-XH, QP-AN của tỉnh trong 6 tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo. Trong đó, có nhiều nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020, các nghị quyết quan tâm đến phát triển đô thị, biên chế công chức năm 2018, cơ chế chính sách cho đối tượng có công, người hoạt đ ộng không chuyên trách… 

Thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn

Tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020. Theo đó, phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của tỉnh Bình Dương. Tổng mức vốn đầu tư công trung hạn điều chỉnh là 33.165.701.000.000 đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương 30.010.655.000.000 đồng, bao gồm: vốn ngân sách cấp tỉnh 21.410.000.000.000 đồng, vốn phân cấp theo tiêu chí cho cấp huyện 6.350.000.000.000 đồng; vốn dự phòng 2.250.655.000.000 đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương 3.155.046.000.000 đồng (thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao trong trung hạn và cụ thể hàng năm).

Các đại biểu biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: H.V

Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, bổ sung danh mục 104 dự án với tổng vốn 369.471.000.000 đồng. Trong đó, bổ sung chuẩn bị đầu tư 70 dự án với tổng vốn 73.948.000.000 đồng; thanh quyết toán công trình hoàn thành 29 dự án với tổng vốn 29.107.000.000 đồng; thực hiện dự án do nhu cầu quan trọng, cấp bách 5 dự án với tổng vốn 266.416.000.000 đồng. Ngưng bố trí 24 dự án với tổng vốn ngưng bố trí 104.401.000.000 đồng. Nghị quyết yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung danh mục chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án để thực hiện một số dự án cấp bách, bức xúc trên cơ sở các kết luận chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và dự án trọng điểm khi có nguồn vốn bổ sung.

Đối với nguồn vốn dự phòng đầu tư công, thực hiện cơ chế giải ngân linh hoạt nguồn vốn dự phòng đầu tư công đối với 3 trường hợp: các dự án có kết quả thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vượt tiến độ hoặc có phát sinh so với dự kiến; các dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm của tỉnh; một số dự án cấp bách và dự án cần thiết trong danh mục kế hoạch điều chỉnh trung hạn 2016-2020 sau khi được sự thống nhất của Thường trực HĐND tỉnh. Trong quá trình điều hành thực hiện nghị quyết này, UBND tỉnh chủ động điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn theo tình hình triển khai thực tế, khả năng huy động vốn hàng năm và trình HĐND tỉnh điều chỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Quan tâm đến phát triển đô thị

Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh đã xem xét thông qua các nghị quyết quan trọng đối với phát triển đô thị của tỉnh. HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc thông qua Đề án đề nghị công nhận TX.Bến Cát và TX.Tân Uyên là đô thị loại III trực thuộc tỉnh. Việc ban hành các nghị quyết này có tác động tích cực đến quá trình phát triển đô thị của tỉnh, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của 2 địa phương trên; phù hợp với định hướng phát triển đô thị của tỉnh, đánh giá đúng vị thế, thực tiễn phát triển, tạo cơ hội cho các địa phương này phát huy các yếu tố tiềm năng, phát triển KT-XH, tạo động lực phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ.

Kỳ họp cũng đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên 11 tuyến đường thuộc 7 phường trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một với những tên đường: Lào Cai, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Bình, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Hữu Cảnh, Trương Định, Mạc Đĩnh Chi, Tô Vĩnh Diện, Nguyễn Văn Bé, Phạm Thị Tân, Ngô Thị Lan. Việc đặt tên đường trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và nâng cao lòng tự hào dân tộc.

TX.Tân Uyên được đề nghị công nhận là đô thị loại III. Trong ảnh: Một góc đô thị Tân Uyên hôm nay. Ảnh: PV

Điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình, dự án

Tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 15-12-2017 của HĐND tỉnh về danh mục công trình, dự án thuộc diện thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Nghị quyết thống nhất điều chỉnh, bổ sung Điều 1, Nghị quyết số 31/NQ-HĐND về danh mục công trình, dự án thuộc diện thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình, dự án thuộc diện thu hồi đất trong năm 2018 đối với 38 công trình, dự án, gồm điều chỉnh về tên, vị trí, diện tích 5 công trình, dự án với diện tích chênh lệch tăng thêm 15,26 ha; bổ sung danh mục 19 công trình, dự án thuộc diện thu hồi đất với tổng diện tích tăng thêm 155,93 ha; không thực hiện thu hồi đất trong năm 2018 đối với 14 công trình, dự án với tổng diện tích 168,64 ha.

Biên chế công chức giảm

Một trong những nghị quyết quan trọng khác được kỳ họp thông qua là Nghị quyết về phê duyệt biên chế công chức trong các cơ quan của HĐND, UBND tỉnh, các huyện, thị, thành phố; số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và các hội có tính chất đặc thù của tỉnh Bình Dương năm 2018. Theo đó, biên chế công chức và hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/ NĐ-CP của Chính phủ trong cơ quan của HĐND, UBND tỉnh, các huyện, thị, thành phố năm 2018 gồm biên chế công chức là 1.892 biên chế; hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP là 118 người. Đối với số chỉ tiêu HĐND tỉnh giao năm 2017, ngoài chỉ tiêu biên chế được Chính phủ giao (gồm 661 chỉ tiêu) năm 2018 giảm còn 489 chỉ tiêu.

Kỳ họp đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát của HĐND tỉnh về thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Mục đích của đoàn là giám sát tình hình kết quả thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2016- 2020 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đánh giá những kết quả đã đạt được, kịp thời phát hiện những mặt còn hạn chế, trên cơ sở đó có những đề xuất, kiến nghị phù hợp với các cơ quan chịu sự giám sát nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm thực hiện tốt, đúng tiến trình các giai đoạn của Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020. Đoàn giám sát có trách nhiệm báo cáo kết quả giám sát với Thường trực HĐND tỉnh tại phiên họp thường kỳ tháng 7-2019. Cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát có trách nhiệm báo cáo các nội dung có liên quan đến việc thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 theo chức năng, nhiệm vụ của mình; phối hợp và cung cấp các số liệu có liên quan khi Đoàn giám sát yêu cầu…

Nghị quyết còn phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiêp công lập và các hội có tính chât đặc thù của tỉnh năm 2018 như sau: Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 26.511 người, (23.886 biên chế và 2.625 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP). Trong đó, sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề: 22.016 người, gồm 19.549 biên chế và 2.467 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/ NĐ-CP. Sự nghiệp y tế: 3.610 người, gồm 3.555 biên chế và 55 hợp đồng theo Nghị định sổ 68/2000/NĐ-CP. Sự nghiệp văn hóa thông tin - thể dục thể thao: 281 người, gồm 274 biên chế và 7 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Sự nghiệp khác: 604 người, gồm 508 biên chế và 96 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.

Số lượng người làm việc trong các hội có tính chất đặc thù là 80 người. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh triển khai thực hiện nghị quyết này; đồng thời chỉ đạo sắp xếp, tinh giản biên chế, bảo đảm đến năm 2021 đạt đến số biên chế công chức do Chính phủ giao và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Nội vụ thẩm định.

Nhiều chính sách hỗ trợ mới

Kỳ họp cũng đã thông qua dự thảo Nghị quyết quy định mức chi thù lao cho người đọc, nghe, xem để kiểm tra và thẩm định báo chí để lưu chiểu trên địa bàn tỉnh Bình Dương (người được cơ quan chức năng phân công). Theo đó, mức chi thù lao đọc, nghe, xem là 165.000 đồng/người/định mức tin, bài theo ngày. Mức chi thù lao thẩm định nội dung là 500.000/vấn đề/ văn bản tham gia ý kiến. Các đại biểu đã nhất trí thông qua Nghị quyết về mức kinh phí thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Theo đó, đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã được quy định mức kinh phí là 25.000.000 đồng/năm. Đối với Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư dưới 700 hộ dân quy định mức 7.000.000 đồng/năm; khu dân cư có quy mô cứ tăng thêm 200 hộ dân thì được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/năm; khu dân cư có diện tích từ 2.000 ha trở lên quy định mức 8.000.000 đồng/năm.

Kỳ họp đã thông qua Nghị quyết về mức phụ cấp, chính sách hỗ trợ và kinh phí hoạt động đối với lực lượng bảo vệ dân phố ở phường, thị trấn. Theo đó, quy định rõ mức phụ cấp trong 1 tháng đối với Trưởng ban bảo vệ dân phố là 1,0 mức lương cơ sở, đối với Phó Trưởng ban là 0,85 mức lương cơ sở, tổ trưởng là 0,75 mức lương cơ sở, tổ phó là 0,65 mức lương cơ sở. Về chính sách hỗ trợ, Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Tổ trưởng, Tổ phó, Tổ viên bảo vệ dân phố được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định. Ngoài ra, các thành viên tham gia lực lượng bảo vệ dân phố khi có lệnh triệu tập đột xuất của Chủ tịch UBND phường, thị trấn tham gia tuần tra, canh gác, giữ gìn an ninh, trật tự; cứu hộ, cứu nạn; phòng cháy, chữa cháy được hỗ trợ ngày công lao động là 0,12 mức lương cơ sở/đêm. Kinh phí hoạt động của Ban bảo vệ dân phố là 20.000.000 đồng/năm.

Kỳ họp cũng đã thông qua Nghị quyết về việc hỗ trợ việc tang đối với một số đối tượng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có 4 nhóm đối tượng có mức hỗ trợ từ 20.000.000 - 35.000.000 đồng/người. Kỳ họp cũng thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho một số đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh, quy định rõ các nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ hàng tháng. Theo các đại biểu HĐND tỉnh, việc thông qua các nghị quyết này đã thể hiện được tinh thần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tiếp tục thể hiện sự quan tâm đối với người có công.

 Tại kỳ họp, Nghị quyết về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được thông qua. Nghị quyết này quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh; áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đăng ký hộ kinh doanh, hợp tác xã (bao gồm quỹ tín dụng nhân dân), liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết quy định rõ đối tượng thu lệ phí, đối tượng miễn thu lệ phí. Các trường hợp miễn thu lệ phí gồm: Hộ kinh doanh, hợp tác xã (bao gồm quỹ tín dụng nhân dân), liên hiệp hợp tác xã thay đổi, bổ sung thông tin do thay đổi địa giới hành chính; đăng ký giải thể, tạm ngừng kinh doanh hộ kinh doanh, hợp tác xã; chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện…

Mức thu lệ phí được quy định như sau: Cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 100.000 đồng/lần; cấp thay đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 50.000 đồng/ lần; cấp mới giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh 50.000 đồng/lần; cấp thay đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh 20.000 đồng/lần. Lệ phí đăng ký kinh doanh là khoản thu ngân sách Nhà nước. Cơ quan thu lệ phí nộp toàn bộ số tiền lệ phí thu được vào ngân sách Nhà nước theo quy định.

 

 HỒ VĂN - CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên