Tạo sức bật mới trong phát triển, hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống người dân

Cập nhật: 11-11-2019 | 08:20:39

 Sự kiện vùng thông minh Bình Dương tiếp tục được bình chọn vào danh sách 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh (TPTM) tiêu biểu của thế giới năm 2020 có ý nghĩa to lớn đối với tỉnh nhà. Vấn đề đang được nhiều người quan tâm là vai trò và lợi ích của người dân, doanh nghiệp trong tiến trình xây dựng TPTM Bình Dương. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

 Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: TIỂU MY

 - Thưa ông, việc Vùng thông minh Bình Dương tiếp tục được bình chọn vào danh sách 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới năm 2020 có ý nghĩa thế nào đối với Bình Dương, nhất là trong bối cảnh tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng TPTM?

- Vừa qua, tại Rochester, New York, Hòa Kỳ, Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã công bố danh sách 21 địa phương, khu vực được vinh danh là các đô thị có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới cho năm 2020 (Smart 21). Sự kiện này một lần nữa khẳng định hướng phát triển TPTM đúng đắn, hiệu quả của tỉnh, phù hợp xu thế thế giới.

Việc Vùng thông minh Bình Dương được gia nhập ICF và 2 năm liên tiếp được bình chọn Smart 21 mang lại ý nghĩa rất to lớn và quan trọng; tạo tiền đề để các cấp, các ngành, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nỗ lực phấn đấu nhằm tiếp tục tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Sự kiện này một lần nữa tạo cho Bình Dương một vị thế mới trên trường quốc tế; mở ra một giai đoạn mới trong hợp tác, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh với mạng lưới hơn 180 TPTM thịnh vượng khắp thế giới của ICF.

Dấu mốc này cũng tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; là tiền đề để Bình Dương tiếp tục bứt phá trong thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút lao động tri thức và các nguồn lực khác, tạo nền tảng và động lực để Bình Dương phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao, sản xuất công nghệ cao.

- Ông có thể cho biết rõ hơn người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi gì từ Đề án xây dựng TPTM Bình Dương. Tỉnh cần làm gì để phát huy hơn nữa vai trò của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng TPTM?

- Như đã nói, Đề án xây dựng TPTM là một chương trình đột phá kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa nền kinh tế chuyển dần sang dịch vụ - sản xuất công nghệ cao, đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống, đáp ứng nhu cầu mới của người dân và doanh nghiệp trong thời kỳ mới, hướng tới nền kinh tế tri thức, kinh tế số, đón làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Với việc triển khai mạnh mẽ mô hình “ba nhà” (Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp) - cũng là mô hình chủ đạo trong cách tiếp cận ICF, đồng thời bám theo bộ tiêu chí của ICF đã giúp tỉnh chuyển mình nhanh chóng và đạt những thành công vượt bậc về kinh tế - xã hội trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh đã và đang dần định hình một nền tảng ban đầu để tạo ra sức bật mới trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội hướng đến mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Một trong những thay đổi dễ nhận ra nhất là Bình Dương đang nỗ lực đẩy mạnh chính quyền điện tử, giao thông thông minh, giáo dục, y tế, triển khai nhiều mô hình và công nghệ mới, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh số hóa, ứng dụng công nghệ, nâng cao tri thức, phát triển các nhà máy thông minh, các giải pháp về logistics, giao thông vận tải thông minh nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Ở chiều ngược lại, sống và hoạt động trong một môi trường như vậy, người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát huy những sở trường, năng lực của mình để phát triển tốt hơn, đóng góp trở lại cho việc xây dựng TPTM Bình Dương thông qua từng hoạt động của mình.

- Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng TPTM, năm 2019 tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều công trình, dự án trọng điểm. Ông có thể cho biết những kết quả đạt được trong việc thực hiện các công trình, dự án này?

- Từ đầu năm đến nay, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, xây dựng các vườn ươm, phòng thí nghiệm chế tạo (fablab), trung tâm đổi mới sáng tạo… kết nối chặt chẽ Nhà nước, viện/trường học, doanh nghiệp. Hiện tỉnh đang tiếp tục hợp tác với Singapore, TP.Eindhoven (Hà Lan), TP.Daejeon (Hàn Quốc) và Hiệp hội Đô thị khoa học công nghệ thế giới để triển khai ý tưởng xây dựng Khu công nghiệp khoa học công nghệ nhằm tạo ra một giá trị gia tăng mới cho Bình Dương.

Đặc biệt, năm 2019 tỉnh đã khởi động Khu phức hợp trong lòng thành phố mới, góp phần tạo thêm điểm nhấn trên lĩnh vực dịch vụ thương mại; tạo tiền đề chính thức gia nhập vào Hiệp hội Các trung tâm thương mại thế giới (WTCA). Đây sẽ là những bước ngoặt quan trọng để lĩnh vực thương mại - dịch vụ tỉnh nhà có bước phát triển mới.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục mở rộng mạng lưới quốc tế, không chỉ ở các lĩnh vực công nghiệp như trước đây mà còn cả thương mại, kinh tế và khoa học. Nhiều dự án lớn và thiết thực sẽ được khởi động như Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ cao của Viện Cơ học và Tin học ứng dụng, Trung tâm đổi mới sáng tạo…

- Xin cảm ơn ông!

TIỂU MY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên