Tạo xung lực mới cho khu vực tam giác phát triển

Cập nhật: 11-03-2013 | 00:00:00

Chuyến thăm và tham dự các hội nghị về khu vực tam giác phát triển ở Lào, từ 12-15.3, của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được kỳ vọng sẽ tạo xung lực mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.

Chuyến thăm các tỉnh Bắc Lào của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được thực hiện theo thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam-Lào và lời mời của Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongsing Thammavong.

  Thủ tướng ba nước Việt-Lào-Campuchia ký Tuyên bố Phnom Penh về việc thúc đẩy tam giác phát triển CLV tại CLV 6.Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào tiếp tục phát triển tốt đẹp. Hai bên đang tích cực triển khai thực hiện các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước tại cuộc gặp thường niên hai Bộ Chính trị (25-12-2012) và kỳ họp lần thứ 35 Ủy ban Liên Chính phủ hai nước (16-19.12.2012).

Đặc biệt, hai nước đã phối hợp chặt chẽ tổ chức rất thành công Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào 2012, thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm Hiệp ước hữu nghị và hợp tác.

Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực đều được đẩy mạnh. Hai bên tích cực triển khai “Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật Việt Nam-Lào giai đoạn 2011-2020,” “Hiệp định hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào giai đoạn 2011-2015” và “Chiến lược hợp tác Việt Nam-Lào tại hai tỉnh Houaphanh và Xiengkhuang.”

Thời gian qua, đầu tư của Việt Nam vào Lào tăng mạnh với 440 dự án trị giá 5,38 tỷ USD, đứng tốp đầu trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Lào. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2012 đạt khoảng 900 triệu USD. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 2 tỷ USD vào năm 2015.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, làm sâu sắc hơn nữa sự tin cậy, gắn bó giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước; trao đổi các biện pháp thúc đẩy, tăng cường hợp tác, đầu tư Việt Nam-Lào và trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương.

Cũng theo lời mời của Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 6 (CLMV 6), Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawadi-Chao Phraya-Mekong) lần thứ 5 (ACMECS 5) tại Vientiane (Lào); đối thoại giữa lãnh đạo ACMEC và đại diện khu vực doanh nghiệp.

CLV là Hội nghị cấp cao thường kỳ 2 năm một lần trong khuôn khổ hợp tác tam giác phát triển CLV và các nước lần lượt đăng cai tổ chức. Tham dự hội nghị lần này có Thủ tướng của 3 nước, lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương liên quan. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì và điều hành Hội nghị cấp cao tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 7 (CLV 7) tại Vientiane (Lào), ngày 12-3-2013.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam với Lào và Campuchia thời gian qua được củng cố và phát triển tốt đẹp trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện. Hợp tác giữa 13 tỉnh khu vực Tam giác phát triển CLV thời gian qua đã đạt được một số thành tựu đáng phấn khởi, đặc biệt trong việc triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội khu vực tam giác phát triển tới năm 2020 được các nhà lãnh đạo thông qua năm 2010.

Các tỉnh thuộc khu vực tam giác phát triển đã duy trì được mức tăng trưởng kinh tế cao so với tốc độ tăng trưởng bình quân của mỗi nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ sở hạ tầng từng bước được nâng cấp, hoàn thiện; các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, giáo dục... đạt kết quả khả quan.

Hội nghị Cấp cao CLV 7 sẽ tập trung rà soát việc triển khai các thỏa thuận đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao CLV 6 và đề xuất một số phương hướng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ba nước trong khu vực Tam giác phát triển thời gian tới. Dự kiến, Thủ tướng ba nước sẽ thông qua Tuyên bố chung tại hội nghị.

Việc Thủ tướng Việt Nam chủ trì Hội nghị Cấp cao CLV 7 nhằm thúc đẩy cơ chế hợp tác ba nước trong khu vực Tam giác phát triển, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc triển khai Quy hoạch Tam giác phát triển CLV đến năm 2020, củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện với Lào, củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Campuchia.

Hợp tác khu vực Mekong đang ngày càng trở nên sôi động với những đối tác và nội dung hợp tác mới. Thời gian qua, tuy có khó khăn nhưng các cơ chế hợp tác CLMV và ACMECS cũng đã đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt trong việc tổ chức các hội chợ thương mại và triển lãm khu vực, thúc đẩy du lịch (áp dụng visa chung giữa Thái Lan và Campuchia, tổ chức hội chợ du lịch quốc tế), tạo thuận lợi và tăng cường thương mại giữa các nước (xây dựng hệ thống “dịch vụ một điểm dừng” và “hải quan - một cửa” tại các cửa khẩu quốc tế), hợp tác nông nghiệp (hợp đồng nông sản giữa Lào và Thái Lan).

Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác của hai cơ chế này, đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng các chương trình hành động hàng năm của hợp tác CLMV, đề xuất một số sáng kiến nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác.

Hội nghị cấp cao CLMV 6 được tổ chức vào ngày 12-3 sẽ tập trung kiểm điểm tình hình triển khai các kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2012, thảo luận một số lĩnh vực hợp tác cụ thể cũng như phương hướng đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ CLMV.

Hội nghị cấp cao ACMECS 5 được tổ chức ngày 13-3, sẽ tập trung rà soát tình hình triển khai Tuyên bố Phnom Penh và Chương trình hành động ACMECS 2010-2012, các hoạt động hợp tác trong 8 lĩnh vực ưu tiên; thảo luận phương hướng hợp tác thời gian tới, đặc biệt là Chương trình hành động giai đoạn 2013-2015.

Việc Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự các Hội nghị CLMV 6 và ACMECS 5 nhằm đẩy mạnh và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại và đầu tư, kết nối khu vực, phát triển nguồn nhân lực; nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác khu vực Mekong và củng cố quan hệ với các nước trong khu vực.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên