Tập đoàn hoa sen như hoa sen vươn mình tỏa hương...

Cập nhật: 13-07-2012 | 00:00:00

Trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng nợ công và suy thoái, kinh tế vĩ mô trong nước xuất hiện nhiều khó khăn do lạm phát, lãi suất (LS) cao, nhiều doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp, dừng sản xuất, thậm chí đứng trên bờ phá sản. Nhưng với Tập đoàn Hoa Sen (KCN Sóng Thần (TX.Dĩ An), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng: thép, tôn các loại, ống nhựa...) không những vượt qua những khó khăn khách quan mà còn vươn lên mở rộng sản xuất, kinh doanh (SXKD), duy trì tăng trưởng, đóng góp ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước... Với biểu tượng Hoa Sen và sự phát triển không ngừng của tập đoàn này trong khó khăn, dễ khiến người ta liên tưởng tới đóa sen mọc trong bùn vươn mình tỏa hương thơm ngát... 

Trong khó khăn, Tập đoàn Hoa Sen vẫn vươn lên phát triển mạnh mẽ. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen

“Trong đầm gì đẹp bằng sen...”

CEO Tập đoàn Hoa Sen Trần Ngọc Chu: “Chính phủ không thể hỗ trợ được tất cả các DN...”

Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, DN nào cũng phải đối mặt với các vấn đề về môi trường kinh doanh do tác động xấu từ kinh tế thế giới và những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước. Tập đoàn Hoa Sen không nằm trong diện các DN nhận được những hỗ trợ từ gói “giải cứu” DN của Chính phủ. Đây là một thiệt thòi nhưng với Hoa Sen, điều đó không quá quan trọng vì tập đoàn vẫn phát triển tốt. Mặt khác, Chính phủ cũng không thể hỗ trợ được tất cả các DN. Do vậy, mỗi DN cần phải tìm ra giải pháp, lối đi riêng cho mình. Thực tế chứng minh, DN nào khỏe thì sẽ sống tốt, yếu thì sẽ dễ bị “bệnh” và nếu có phá sản thì cũng tuân theo quy luật của kinh tế thị trường...

 

Nhìn lại hoạt động của DN thời gian qua, ông Trần Ngọc Chu, Tổng Giám đốc (CEO) của Tập đoàn Hoa Sen, cho biết DN cả nước nói chung từ năm 2008 đến nay gặp nhất nhiều khó khăn do tác động xấu của kinh tế thế giới và những bất ổn vĩ mô mang lại. Năm 2008, kinh tế sau đà lạm phát là suy thoái, buộc Chính phủ phải thực hiện gói kích cầu, đi cùng với đó là chính sách ưu đãi về LS trung và dài hạn cho DN. Thời điểm đó, nhiều DN đã ồ ạt thực hiện các khoản vay này để mở rộng SXKD. Năm 2009-2010, kinh tế vĩ mô lại có dấu hiệu bất ổn do lạm phát bắt đầu quay lại và đến năm 2011 thì lạm phát lên đỉnh, Chính phủ lại thắt chặt tiền tệ, đẩy LS cho vay lên trên 20% khiến cho hầu hết các DN vào bài toán nan giải về LS và cho đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Theo ông Chu, vì khó khăn này mà nhiều DN phải thu hẹp, dừng sản xuất và có những DN bị phá sản, sáp nhập. Hoa Sen cũng không ngoại lệ, nhưng phải có hướng đi riêng để tồn tại, phát triển trong môi trường khó khăn. Nhờ tìm được hướng đi đúng, Hoa Sen không bị rơi vào bài toán LS nan giải, vì khi đó Ngân hàng Nhà nước vẫn tuyên bố giữ ổn định đồng ngoại tệ USD, DN này đã chọn hướng vay USD để đầu tư SXKD ở một mức LS vừa phải. Thêm vào đó, trong bối cảnh khó khăn, Hoa Sen đã tiến hành thực hiện quản trị chặt chẽ, giảm thiểu các chi phí đầu vào khác, nên cân đối được và duy trì, mở rộng SXKD. Vì vậy, Hoa Sen như cây sen trong đầm, đã tồn tại, sinh trưởng và trổ bông. CEO Trần Ngọc Chu cho biết, năm 2008, tập đoàn này chỉ có 1.500 lao động thì nay đã lên đến 3.000 lao động đang làm việc trong các nhà máy của Hoa Sen với thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2011, doanh số của công ty vẫn duy trì được con số ấn tượng trên 11.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt trên 300 tỷ đồng, sau khi kết thúc năm tài chính. Trong năm 2012 này, cũng theo ông Chu, đến hết tháng 7, Hoa Sen đã hoàn thành vượt kế hoạch về doanh số và lợi nhuận với mức tăng trưởng bình quân 20% so với năm 2011.

Khi thương hiệu tỏa hương

Đối với ngành sản xuất vật liệu xây dựng, khi kinh tế khó khăn, bất động sản “đóng băng”, hoạt động SXKD lại càng gặp khó khăn trăm bề do đầu ra bị thu hẹp. Vậy nên, để DN như cây sen trỗi dậy trong bùn rồi đơm bông cũng không phải là chuyện đơn giản và không phải DN nào cũng làm được. Một trong những yếu tố quan trọng để Tập đoàn Hoa Sen thành công, theo CEO Trần Ngọc Chu, đó chính là sức mạnh của thương hiệu các dòng sản phẩm vật liệu xây dựng Hoa Sen: “Đúng là trong khó khăn mới thấy được sức sống của thương hiệu sản phẩm có ý nghĩa thế nào và Hoa Sen đã rất đúng đắn khi quyết định các chiến lược dài hơi để xây dựng thương hiệu suốt bao năm qua...”.

Để có được thương hiệu mạnh, Hoa Sen đã không ngừng cải tiến và áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, nâng cao chất lượng của các dòng sản phẩm. Và khi có một thương hiệu mạnh, Hoa Sen đã xây dựng cho mình một chuỗi phân phối sản phẩm rộng khắp cả nước với 110 chi nhánh. Do đó, khi có dấu hiệu khó khăn đầu ra vì thị trường bất động sản “đóng băng”, khả năng bán lẻ nhờ sự lan tỏa của thương hiệu, phục vụ cho các công trình dân sinh của DN lại được phát huy tối đa và chiếm phần lớn tỷ trọng trong tổng sản lượng. Ông Chu cho hay, ngay cả thời điểm này, khi rất nhiều DN đang gặp khó khăn về đầu ra và phải đối mặt với bài toán hàng tồn kho do kinh tế vĩ mô đang có dấu hiệu giảm phát, nhu cầu trên thị trường giảm mạnh, Hoa Sen lại không gặp phải vấn đề này, sức tiêu thụ các dòng sản phẩm của công ty trên thị trường vẫn lớn hơn khả năng sản xuất và đó là lý do mới đây Hoa Sen tiếp tục đưa vào vận hành thêm 1 dây chuyền sản xuất mới để tăng công suất, sản lượng.

Bên cạnh đó, trong khi các DN xuất khẩu gặp khó tại thị trường nước ngoài, sản phẩm của Hoa Sen vẫn có mặt tại gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. “Chúng tôi vẫn xuất khẩu được vì không kén chọn đơn hàng nhiều hay ít, một đơn hàng trị giá chỉ vài chục ngàn USD cũng nhận, không nề hà...”, ông Trần Ngọc Chu bộc bạch, đồng thời cho rằng, việc thực hiện xuất khẩu đơn hàng nhỏ là nhằm tích tiểu thành đại, quan trọng là khi sản phẩm ra được thị trường nước ngoài, sẽ được biết đến nhiều hơn, mặt khác khi xuất khẩu được, DN cũng tự cân đối nguồn ngoại tệ vì khi khó khăn tỷ giá xuất hiện, thì một đồng USD cũng quý.

Không chỉ dừng lại ở việc ứng biến linh hoạt trong khó khăn, quản trị chặt chẽ giảm chi phí và phát huy nội lực thông qua giá trị thương hiệu, CEO Trần Ngọc Chu còn cho biết, Hoa Sen còn thực hiện thoái vốn khỏi các lĩnh vực mạo hiểm, tập trung vào ngành nghề sản xuất chính. Nhiều dự án bất động sản mà Hoa Sen đầu tư đã được nhượng lại trong khi thị trường này đóng băng cũng là một bước đi khôn ngoan để công ty có sự tâp trung nguồn lực cần thiết để vượt qua khó khăn và vươn lên khẳng định sức sống của một thương hiệu Việt.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên